Tập Lái
5/7/16
1
1
1
32
Núm nào chỉnh cái gì hay nên làm gì sau khi gặp tai nạn... là những điều nên để tâm đối với những ai mới cầm lái.
Những người mới lái xe thường phải đối diện với vô số thách thức và phần lớn phải mất vài năm để quen với "cuộc chơi". Trong vài trường hợp, có người không bao giờ thực sự thân thuộc với chiếc xe, và người kém may mắn nhất có thể gặp rắc rối vì điều đó.

Trang Autoevolution liệt kê danh sách những điều bất cứ tài mới nào cũng nên biết sau khi lấy bằng. Sẽ không mất gì để trở thành một lái xe an toàn - người biết một chiếc xe hoạt động ra sao và cách ứng xử trên đường. Điều cần làm là chút thời gian với xe và có đường truyền Internet, bởi phần nhiều trong danh sách chỉ cần lên mạng tìm là ra. Những thứ còn lại chỉ cần là một người nhạy cảm và quan tâm tới việc nâng cao tay lái.

1. Thứ gì ra thứ đó

Dù bạn đã sở hữu một chiếc xe, hoặc đơn giản chỉ là ngồi vào sau tay lái, dù là xe gia đình, xe bán tải hay xe máy, thì tất cả chúng sẽ có những điểm chung, và những chi tiết này hoạt động giống nhau theo cách để giúp xe lăn bánh.


"Thứ gì ra thứ đó" có nghĩa tài mới có trách nhiệm biết rõ mỗi chiếc núm trên xe và việc điều chỉnh chúng ra sao. Họ cũng nên biết cách nhận biết những thành phần chính, không phải chỉ mỗi núm khởi động và những chiếc lốp.

2. Mọi thứ hoạt động ra sao


Những loại xe gắn động cơ hoạt động theo một số nguyên tắc cơ bản, gồm cả ôtô và xe máy. Vì thế, các tài mới có thể tìm trên mạng những phần hướng dẫn, các video và cả đồ họa giải thích cách chúng hoạt động.

Những trang web như How Stuff Works rất thích hợp để bắt đầu, hay Engineering Explained cũng giới thiệu rất rõ cho những ai muốn biết xe của họ hoạt động ra sao. Một khi đã có hiểu biết cơ bản về cách động cơ làm việc, phanh thế nào và xử lý lốp xe ra sao, ai đó có thể bỗng nhiên hứng thú với cơ khí, trở thành một thợ sửa chữa bán chuyên nghiệp hoặc đơn giản là sở hữu những kiến thức giá trị về xe.

3. Những sửa chữa cơ bản


Một khi đã biết một chiếc xe hoạt động ra sao, ít nhất là mặt cơ bản của mỗi thành phần trên xe, bạn sẽ có khả năng chẩn đoán những rắc rối nảy sinh. Không ai bắt bạn phải cầm lấy cờ-lê và làm bẩn tay khi có tiếng động lạ từ xe, nhưng giờ bạn đã có khả năng giải thích cho thợ sửa chữa rằng bạn nghĩ gì về những việc xảy ra với chiếc xe, cũng như nói gì với bên cứu hộ.

Tuy nhiên, cũng có những trường hợp mà một tài mới có kiến thức có thể tự giải quyết mà không cần ai giúp, như một chiếc lốp xì hơi. Và dù cho bạn không thể tự xoay xở, do không đủ sức, thì cũng nên biết cách làm thế nào.

Những thứ lặt vặt khác mà các tài mới nên biết như cách kiểm tra dầu xe, cũng như các loại chất lỏng khác trên xe, kiểm tra lốp, thay cần gạt nước, đổ nước rửa kính, đổ xăng.

4. Làm gì sau khi gặp tai nạn


Điều tồi tệ nhất xảy ra khi bạn thấy mình có mặt trong một vụ tai nạn, lúc đó nên làm gì? Tắt động cơ và rút chìa khóa khỏi ổ. Kiểm tra xem xe có bắt lửa hay không và chắc chắn đã kéo phanh tay để đảm bảo xe không lăn bánh khi bạn xuống xe.

Nếu cảm thấy mình có thể ra khỏi ghế, và cơ thể không bị tác động, hãy kiểm tra những người khác trên xe. Ra khỏi xe và đi khỏi chỗ tai nạn trong khi chú ý luồng giao thông xung quanh. Nếu có xe khác cùng va chạm với xe của bạn, hãy nói chuyện với tài xế đó và đảm bảo họ không sao. Hãy dành cho bản thân vài phút để trấn tĩnh, rồi chuẩn bị các giấy tờ liên quan.

Hãy đảm bảo rằng bạn có chụp ảnh hiện trường trước khi xe được di chuyển khỏi vị trí. Nếu giải thích của bạn về tai nạn không chính xác, hoặc tài xế khác giở mánh khóe để bạn phải thanh toán các thiệt hại mà không phải lỗi của bạn, những bức ảnh sẽ là nhân chứng tốt nhất. Về khía cạnh này, bạn cũng nên nói chuyện với bất cứ người qua đường nào chứng kiến vụ việc và sẵn lòng làm chứng trong trường hợp bạn không rõ lỗi thuộc về ai. Nếu vẫn còn nghi ngờ, hãy gọi cho một người bạn có kinh nghiệm hoặc một luật sư.

5. Lái xe trong điều kiện bất lợi


Một ngày không có nắng, và dường như trời còn chuyển xấu hơn, vậy bạn nên làm gì? Bạn cần chắc chắn rằng lốp xe đủ hơi, không bị mòn, và hệ thống đèn vẫn hoạt động.

Lái xe dưới trời mưa hoặc tuyết không thể so với một ngày nắng. Hãy tạo khoảng cách lớn hơn với xe phía trước so với bình thường. Tránh những chuyển động đột ngột.

Nên nhớ rằng độ bám đường cũng không thể so với một ngày nắng đẹp, và mặt đường ướt thực sự nguy hiểm. Vì thế hãy chuẩn bị tinh thần cho những sai lầm có thể xảy ra. Cách tốt nhất là chạy chậm hơn, chú ý hơn tới mọi di chuyển. Nếu có thể, hãy tham gia một khóa hướng dẫn cách xử lý trong trường hợp xe bạn bị trượt.

6. Tránh đua tốc độ

Rất dễ để nổi giận với ai đó. Ai cũng có thể từng làm thế trong cuộc đời họ. Người đi ôtô hay xe máy đều cần giữ bình tĩnh dù bất cứ điều gì xảy ra. Bởi đua tốc độ không bao giờ mang lại điều tích cực. Học cách trấn tĩnh trước tình huống và bạn sẽ trở thành một tài xế tốt hơn.

Nếu cảm thấy phải hét lên với tài xế khác, hãy kiềm lại. Hãy nghĩ rằng có thể họ đúng, và cố gắng đồng cảm với những gì họ đang cảm thấy. Có thể hôm nay họ không đúng, nhưng có thể họ đã có một ngày vất vả và không kiềm chế được bản thân. Thay vì dấn thân vào một cuộc chiến, hãy để họ trút giận, nói lời xin lỗi và đi khỏi đó.

Nếu bạn là nạn nhân trong cuộc đua tốc độ, hãy để tài xế kia vượt qua. Tránh hạ cửa kính. Hãy nói xin lỗi nếu bạn làm điều gì sai. La lối sẽ không mang lại điều gì tốt đẹp, và bạo lực cũng không giúp ích gì. Hãy thông minh và tìm cách tránh xung đột trước khi có ai đó bị thương.

7. Không lái xe khi đã uống rượu, bia hay dùng chất kích thích


Các loại chất kích thích hay đồ uống có cồn không hề thích hợp với việc lái xe. Không bao giờ được cầm lái dưới tác động của những loại chất này, dù bạn có nhiều kinh nghiệm đến đâu hay chặng đường ngắn đến mấy.

Bạn cũng cần nhớ rằng lái xe sau một đêm nhậu nhẹt say sưa cũng rất nguy hiểm, dù bạn đã được ngủ vài tiếng. Một đêm tiệc tùng lấy đi phần lớn sức lực trong cơ thể, và khả năng phán đoán có thể trở nên mờ mịt vào ngày hôm sau, thứ có thể dẫn đến tai nạn. Hãy ngủ ít nhất 8 tiếng sau một đêm uống say trước khi nghĩ đến chuyện lái xe.

Trong trường hợp đã dùng chất kích thích hoặc dùng thuốc được kê đơn, thì sau đó đừng bao giờ nghĩ đến việc lái xe. Tốt nhất nên hỏi bác sĩ rằng bạn có được phép cầm vô-lăng sau khi uống thuốc hay không.

8. Để điện thoại sang một bên


Xe hơi hiện đại thường tương thích Bluetooth, cho phép kết nối điện thoại với hệ thống audio của xe. Nhờ những tùy chọn kết nối này, bạn có thể sử dụng điện thoại một cách an toàn khi đang lái xe. Còn có những thiết bị không dây khác để hỗ trợ tài xế muốn liên lạc với thế giới trong lúc bận cầm vô-lăng.

Tuy nhiên, tài mới có thể không nên sử dụng những giải pháp trên. Đơn giản chỉ cần để điện thoại sang một bên. Hãy mặc kệ các cuộc gọi hay tin nhắn, dù chúng có quan trọng thế nào, bởi bạn đang làm việc còn quan trọng hơn, đó là lái xe.

Còn nếu bạn đang đợi điện thoại từ ai đó, hãy đỗ xe sang bên đường, ở nơi an toàn và nhận cuộc gọi. Không nhất thiết phải trả lời ngay lập tức mà bạn có thể gọi lại sau khi xe đã dừng hẳn. Nên nhớ rằng sự an toàn của bạn đáng giá hơn bất cứ cuộc gọi nào.

9. Xem mình muốn đi đâu

Lời khuyên này là một nguyên tắc cơ bản của việc lái xe có tính "phòng ngự" và thậm chí được áp dụng cho cả những tay đua. Việc này rất dễ. Bạn chỉ cần nhìn xem mình muốn đi đâu, không phải là những hướng đi hoặc địa điểm cố định nào đó. Ví như khi xe đang bị trượt, đừng nhìn chằm chằm vào một chướng ngại vật, bởi bạn có thể sẽ đâm vào đó.

Hãy cố gắng dõi theo một góc đường, và đừng quá tập trung vào các chướng ngại bên đường hoặc bất cứ xe nào phía trước. Thay vì thế, hãy dựa vào gương chiếu hậu và nên có thói quen thường xuyên kiểm tra đường qua gương hậu.

10. Đừng cố chứng tỏ bản thân, chỉ cần là một người lớn


Lời khuyên cuối cùng là hãy cư xử như một người trưởng thành có trách nhiệm. Thường thì lời khuyên này dành cho các tài xế tuổi teen, những người được giao điều khiển một chiếc xe gắn động cơ dù có thể chưa đủ tuổi đi bỏ phiếu.

Hãy chắc rằng bạn xứng đáng với tấm bằng lái và đừng biến mình thành một ví dụ tiêu cực trên đường. Nên nhớ rằng bạn không cần chứng tỏ với những người khác, và tốt nhất là nên tập trung vào việc lái xe. Đua tốc độ không phải thứ dành cho đường công cộng, và người quen của bạn sẽ chẳng vui vẻ gì nếu bạn đâm xe trong khi tìm cách thể hiện tay lái, thứ có thể đặt dấu chấm hết cho cuộc đời của một ai đó, hoặc khiến ai đó bị thương.
 
  • Like
Reactions: BugattiVeyron
Hạng B1
21/5/16
75
130
33
53
Rất hay, cám ơn bạn. Tài mới hay tài già cũng đều nên đọc và suy ngẫm