Trong 10 hầm chui, tập trung nhiều nhất ở TP Thủ Đức với 5 công trình, các quận 6, 7, 12, Bình Thạnh và Tân Bình mỗi quận một hầm. Đồ họa: Khánh Hoàng
Hầm chui đầu tiên của TP HCM thông xe năm 2009, nằm ở nút giao ba tầng tại đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh). Nút giao này gồm hạng mục hầm, tầng giữa là đường Nguyễn Hữu Cảnh và trên cùng là cầu cạn với hai nhánh rẽ về quận 1 và về quận Bình Thạnh. Toàn dự án được xây dựng với tổng vốn đầu tư 1.473 tỷ đồng.
Hầm chui đường Nguyễn Hữu Cảnh dài khoảng 460 m, rộng 4 làn, giúp giải toả kẹt xe cho ngã tư kết nối đường Ngô Tất Tố và khu vực cầu Thủ Thiêm, tạo thuận lợi cho dòng xe vào ra khu trung tâm thành phố.
Để đề phòng mưa ngập vào hầm chui, nơi đây có 3 máy bơm công suất lớn hoạt động để bơm nước, đảm bảo hầm không bị ngập.
Nút giao Mỹ Thủy ở TP Thủ Đức gồm các trục đường Đồng Văn Cống – Nguyễn Thị Định – Võ Chí Công. Đây là lối ra vào cảng Cát Lái, với lượng xe vận chuyển hàng hóa lên tới hơn 20.000 lượt mỗi ngày, xung đột với hướng xe trục Bắc – Nam, khiến cho khu vực này thường xuyên bị ùn tắc.
Do vậy nút giao được thiết kế thành các hạng mục xây cầu Kỳ Hà 3, cầu vượt và hầm chui trên đường Võ Chí Công. Công trình được khởi công năm 2016, vốn đầu tư giai đoạn một là 838 tỷ đồng, hiện đã hoàn thành.
Hầm chui nút giao Mỹ Thuỷ dài 405 m, sử dụng từ năm 2018, góp phần giải quyết một phần kẹt xe ở đây.
Giai đoạn hai của nút giao gồm cầu vượt rẽ trái từ Cát Lái đi cầu Phú Mỹ, cầu Mỹ Thủy 3, cầu Kỳ Hà 4 trên nhánh rẽ phải từ cầu Phú Mỹ về Cát Lái. Tổng mức đầu tư là 1.435 tỷ đồng, hiện chưa được thi công.
Cách hầm chui Mỹ Thủy 10 km, nút giao thông Đại học Quốc gia TP HCM trên xa lộ Hà Nội (TP Thủ Đức) vốn đầu tư 3.640 tỷ đồng, thông xe năm 2019. Nút giao dài gần 2 km, gồm một đường hầm hở, hai cầu vượt và cầu bộ hành, bắt đầu từ cổng khu du lịch Suối Tiên đến gần Bến xe Miền Đông mới. Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên cũng chạy qua đây hình thành nên nút giao thông ba tầng.
Đường hầm hở dài hơn một km, rộng 36 m cho tám làn xe chạy với tốc độ 80 km/h. Phía trên đường hầm là hai cầu vượt với chiều rộng 17 m, dài 38 m cho xe có thể quay đầu. Công trình góp phần giảm ùn tắc, đáp ứng nhu cầu đi lại rất lớn của người dân, ở khu vực cửa ngõ phía Đông thành phố.
Cạnh nút giao Đại học Quốc gia là hầm chui Bến xe Miền Đông mới, đầu tư hơn 437 tỷ đồng, thông xe từ cuối năm 2022. Công trình dài 670 m, rộng 8 m, nằm bên phải xa lộ Hà Nội theo hướng từ TP HCM đi Đồng Nai.
Hầm có ba đoạn kín và 4 đoạn hở, giúp tách dòng xe đi thẳng xa lộ Hà Nội với hướng ra vào bến Miền Đông mới, đảm bảo an toàn giao thông và giảm ùn ứ ở khu vực. Công trình còn có cầu đi bộ bắc qua xa lộ Hà Nội để sau này khách từ ga Metro số 1 vào bến xe.
Cũng trên trục xa lộ Hà Nội (TP Thủ Đức) có hầm chui ở nút giao Trạm 2 hiện được thông một nhánh vào đầu năm nay, theo hướng từ Đồng Nai tới cầu Sài Gòn. Hầm có kinh phí 165 tỷ đồng, thiết kế dạng hở, xây dựng trên phần đường song hành xa lộ Hà Nội, khi xong tạo thành nút giao thông 4 tầng.
Khi hoàn thành, hai đường hầm góp phần giúp một lượng xe chạy nhanh hơn do không phải vòng lên cầu vượt, giảm xung đột giữa tại các điểm giao cắt trên xa lộ Hà Nội, hạn chế tai nạn giao thông ở nút giao cửa ngõ phía Đông TP HCM.
Ở cửa ngõ tây bắc TP HCM có hầm chui An Sương vốn đầu tư 514 tỷ đồng hoàn thành năm 2020, giúp nơi đây thành nút giao thông ba tầng. Công trình gồm hai nhánh hầm chui dài 830 m, rộng 9 m cho hai làn ôtô. Hầm giúp phương tiện từ trung tâm TP HCM đi Tây Ninh quốc lộ 22 và ngược lại không bị xung đột với dòng xe phía trên.
Tại quận 6 có hầm chui cầu Phạm Văn Chí (quận 6), vốn đầu tư 100 tỷ đồng, hoàn thành năm 2019 giúp giải quyết xung đột giao thông ở ngã tư đường Nguyễn Văn Luông - Phạm Văn Chí.
Hầm dài 150 m, rộng 8 m, trong đó đoạn kín dài 30 m cho hai làn xe theo hai hướng từ đường Nguyễn Văn Luông ra cầu Lò Gốm và ngược lại.
Ngoài 7 hầm chui đã hoàn thành, hiện TP HCM còn 3 công trình bút giao bao gồm cả hầm đang được thi công. Đây đều là những dự án quy mô lớn, nằm ở vị trí xung yếu về giao thông ở cửa ngõ thành phố.
Đầu tiên là hầm chui nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (quận 7) được khởi công năm 2020, tổng vốn đầu tư giai đoạn một là 830 tỷ đồng. Công trình gồm hai hầm ở mỗi chiều đường Nguyễn Văn Linh, mỗi hầm dài 456 m, ba làn xe, vận tốc 60 km/h; phía trên làm đảo tròn và các nhánh rẽ.
Dự án khi hoàn thành sẽ giải quyết nút giao ùn tắc trên đường Nguyễn Văn Linh với Nguyễn Hữu Thọ, khu vực cầu kênh Tẻ ở quận 7, kết nối khu Nam Sài Gòn, giao thương của thành phố với các tỉnh miền Tây. Sau nhiều lần chậm trễ, hiện toàn dự án mới đạt 40% tiến độ, kế hoạch thông xe cuối năm 2024.
Ở khu vực cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình), sau gần một năm thi công, hầm chui ở giao lộ đường Phan Thúc Duyện - Trần Quốc Hoàn dần thành hình, đạt khoảng 50% tiến độ, có mức đầu tư 200 tỷ đồng. Công trình là một phần của dự án xây dựng đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa dài 4 km, được TP HCM khởi công cuối năm ngoái với tổng kinh phí hơn 4.800 tỷ đồng, giúp "giải cứu" ùn tắc của ngõ sân bay.
Tổng chiều dài hầm khoảng 400 m, đoạn kín dài 42 m, đoạn đường dẫn vào hầm phía công viên Hoàng Văn Thụ dài khoảng 140 m, đoạn đường dẫn ra hầm phía Trung tâm quản lý bay có chiều dài hơn 180 m. Hầm chui đang được đẩy nhanh thi công, dự kiến thông xe tháng 7/2024
Tại TP Thủ Đức, một dự án kỳ vọng giải tỏa ùn tắc cho khu vực đông xe khi kết nối cảng Cát Lái và cao tốc là nút giao An Phú, tổng vốn đầu tư 3.400 tỷ đồng, khởi công cuối năm 2022, dự kiến xong vào tháng 4/2025.
Đây là nút giao ba tầng gồm: hầm chui hai chiều, cầu vượt trên cao, cầu đi bộ, các đảo, tiểu đảo trên mặt đất... Đáng chú ý là hầm chui hai chiều của dự án sẽ nối cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây với đường Mai Chí Thọ (phía hầm Thủ Thiêm), kéo dài qua nút giao Mai Chí Thọ - Đồng Văn Cống. Hầm gồm 4 làn xe, tổng chiều dài gần một km, tốc độ xe tối đa 50 km/h.