Thượng vị là vùng có ranh giới từ rốn trở lên đến phía dưới của xương ức. Nếu thỉnh thoảng đau thượng vị thì tình trạng này thường không đáng lo ngại bởi nó có thể chỉ là dấu hiệu của đau dạ dày khi ăn phải thức ăn khó tiêu. Song trong thực tế, cũng có những nguy cơ tiềm ẩn khác có thể gây nên đau tức khu vực này. Những trường hợp nghiêm trọng có thể đe dọa đến tính mạng. Chính vì vậy, bạn nên tới các cơ sở y tế để thăm khám cũng như phân biệt được sự khác nhau giữa đau thượng vị thông thường và các nguy cơ bệnh lý nguy hiểm tiềm ẩn khác. Dưới đây là 10 nguyên nhân có thể gây đau vùng thượng vị.
1. Khó tiêu
Đau thượng vị là một triệu chứng phổ biến, có thể do các vấn đề về đường tiêu hóa tích tụ lâu ngày hoặc chỉ là tình trạng khó tiêu đơn thuần. Chứng khó tiêu thường xảy ra sau khi ăn. Khi ăn, dạ dày tiết ra dịch axit để tiêu hóa thức ăn. Đôi khi, dịch axit này có thể gây kích ứng niêm mạc của hệ tiêu hóa. Khó tiêu có thể gây ra các triệu chứng như:
- Ợ hơi
- Chướng bụng
- Cảm thấy no hoặc đầy hơi, ngay cả khi ăn ít
- Buồn nôn
Những triệu chứng này thường được cảm nhận đồng thời với đau thượng vị. Mặc dù chứng khó tiêu có thể xảy ra mọi lúc, ở bất kì ai nhưng đó cũng có thể là dấu hiệu cho thấy bạn không dung nạp được thực phẩm đó.
2. Trào ngược axit và GERD
Trào ngược axit xảy ra khi dịch axit dạ dày được sử dụng để tiêu hóa bị trào ngược lên đường ống thức ăn (thực quản). Trào ngược axit thường gây ra đau ở ngực hoặc cổ họng, thường được biết tới là chứng ợ nóng. Cảm giác này có thể đi kèm với cảm giác đau thượng vị.
Các triệu chứng khác của trào ngược axit bao gồm:
- Khó tiêu
- Đau ngực nóng rát hoặc nhức nhối
- Cảm giác như có một khối u trong cổ họng hoặc ngực
- Có vị chua trong miệng
- Ho dai dẳng.
Tình trạng trào ngược axit diễn ra liên tục có thể làm hỏng đường ống dẫn thức ăn và có thể gây ra bệnh trào ngược dạ dày thực quản, hay còn được gọi là GERD (Gastroesophageal Reflux Disease). Những người bị GERD thường xuyên bị đau thượng vị và các triệu chứng khó tiêu có thể phải điều trị cũng như phải thay đổi chế độ ăn uống để kiểm soát tình trạng bệnh.
Một vài trường trường hợp GERD có thể dẫn đến tình trạng gọi là Barrett thực quản.
3. Ăn quá nhiều
Dạ dày rất linh hoạt. Song việc ăn quá mức cần thiết có thể khiến sức chứa của dạ dày giãn nở vượt mức bình thường. Nếu dạ dày giãn nở rộng quá, có thể tạo nên sức ép chèn lên các bộ phận xung quanh dạ dày và gây ra đau vùng thượng vị. Việc ăn quá nhiều cũng có thể gây khó tiêu, trào ngược dạ dày và ợ chua.
4. Không dung nạp lactose
Không dung nạp lactose có thể là một nguyên nhân khác gây ra đau thượng vị. Những người không dung nạp lactose thường gặp khó khăn trong việc phân hủy lactose, một loại đường có trong sữa và các sản phẩm từ sữa khác.
Đối với những người không dung nạp lactose, ăn các chế phẩm từ sữa có thể gây nên đau vùng thượng vị và một số triệu chứng khác, bao gồm:
- Đau dạ dày
- Chuột rút và đầy hơi
- Buồn nôn hoặc nôn mửa
- Bệnh tiêu chảy.
5. Uống đồ uống có cồn
Sử dụng các loại đồ uống có cồn một cách điều độ thường không gây ảnh hưởng nhiều đến dạ dày hay ruột. Tuy nhiên, việc uống quá nhiều rượu trong một lần hoặc uống quá nhiều trong thời gian dài có thể gây viêm niêm mạc dạ dày. Tình trạng viêm này dễ dẫn đến đau thượng vị và các vấn đề tiêu hóa khác.
6. Viêm thực quản hoặc viêm dạ dày
Viêm thực quản là tình trạng viêm niêm mạc của ống dẫn thức ăn. Viêm dạ dày là tình trạng viêm niêm mạc của dạ dày. Viêm thực quản và viêm dạ dày đều có thể dẫn đến trào ngược axit, nhiễm trùng và kích ứng từ một số loại thuốc. Một số rối loạn hệ thống miễn dịch cũng có thể gây ra viêm.
Nếu tình trạng viêm này không được điều trị, nó có thể tạo ra các mô sẹo hoặc chảy máu. Các triệu chứng khác bao gồm:
- Có vị chua trong miệng
- Ho dai dẳng
- Nóng rát ở ngực và cổ họng
- Khó nuốt
- Buồn nôn
- Nôn mửa hoặc khạc ra máu
- Dinh dưỡng kém
7. Thoát vị khe hoành (Hiatal hernia)
Thoát vị khe hoành xảy ra khi một phần của dạ dày đẩy lên qua cơ hoành và vào lồng ngực. Điều này có thể do tai nạn hoặc do cơ hoành bị suy yếu.
Ngoài đau thượng vị, một số triệu chứng phổ biến khác của thoát vị khe hoành, bao gồm:
- Viêm họng
- Kích ứng hoặc ngứa trong cổ họng
- Khó nuốt
- Đầy hơi hoặc đặc biệt là ợ hơi lớn
- Khó chịu ở ngực
Thoát vị khe hoành thường ảnh hưởng đến người lớn tuổi và có thể không gây đau thượng vị trong mọi trường hợp.
8. Bệnh viêm loét dạ dày tá tràng
Bệnh viêm loét dạ dày tá tràng xảy ra khi niêm mạc của dạ dày hoặc ruột non bị tổn thương do nhiễm trùng hoặc sử dụng quá nhiều thuốc, ví dụ như thuốc chống viêm không steroid. (NSAID)
Các triệu chứng của bệnh viêm loét dạ dày tá tràng bao gồm đau vùng thượng vị và dấu hiệu của chảy máu trong như đau dạ dày, mệt mỏi và khó thở.
9. Rối loạn túi mật
Các vấn đề liên quan túi mật cũng có thể gây đau thượng vị. Sỏi mật có thể cản trở sự mở của túi mật hoặc túi mật có thể bị viêm. Các triệu chứng về túi mật có thể bao gồm:
- Đau dữ dội gần phía trên bên phải của dạ dày sau khi ăn
- Phân màu đất sét
- Vàng da
- Ăn mất ngon
- Đầy hơi và chướng bụng
10. Mang thai
Cảm giác đau nhẹ thượng vị khi mang thai là điều rất bình thường. Điều này thường xảy ra do trào ngược axit hoặc áp lực do bụng mẹ đang giãn nở. Sự thay đổi nồng độ hormone trong suốt thai kì cũng có thể làm trầm trọng thêm tình trạng trào ngược axit và đau vùng thượng vị.
Đau thượng vị dữ dội hoặc dai dẳng khi mang thai có thể là dấu hiệu của một tình trạng nghiêm trọng hơn. Vì vậy, chị em nên gặp bác sĩ nếu gặp bất cứ triệu chứng bất thường nào.
11. Chẩn đoán đau thượng vị
Việc chẩn đoán nguyên nhân đau thượng vị thực sự rất cần thiết để đảm bảo có một phương thức điều trị thích hợp. Nếu nguyên nhân không rõ ràng, các chuyên gia y tế có thể yêu cầu xét nghiệm, bao gồm:
- Kiểm tra hình ảnh, chẳng hạn như chụp X-quang, siêu âm hoặc nội soi
- Xét nghiệm nước tiểu để kiểm tra nhiễm trùng hoặc rối loạn bàng quang
- Xét nghiệm máu
- Kiểm tra tim
12. Điều trị đau thượng vị
Điều trị đau thượng vị sẽ dựa trên từng nguyên nhân. Ví dụ, nếu ăn quá nhiều thường xuyên gây ra đau thượng vị, bạn có thể chia nhỏ các bữa ăn và đảm bảo rằng đang ăn các thực phẩm như protein nạc, nên tránh các loại thực phẩm gây ra khí.
Các tình trạng như GERD (trào ngược dạ dày thực quản), loét dạ dày tá tràng và Barrett thực quản có thể cần điều trị lâu dài để kiểm soát các triệu chứng. Bạn nên thăm khám định kì để tìm ra một kế hoạch điều trị phù hợp.
Nếu bác sĩ nghĩ rằng việc dùng một số loại thuốc có thể gây nên tình trạng này, họ có thể khuyên bạn nên chuyển sang một loại thuốc mới hoặc giảm liều lượng.
13. Khi nào bạn nên đi khám
Thỉnh thoảng đau thượng vị không phải là nguyên nhân đáng lo ngại, tuy nhiên, nếu bất kì ai bị đau thượng vị dữ dội hoặc dai dẳng thì nên đi khám bác sĩ.
Các triệu chứng kéo dài hơn vài ngày hoặc xảy ra hơn hai lần một tuần sẽ được coi là dai dẳng. Trong một số trường hợp, bạn cần nên đi cấp cứu nếu gặp dấu hiệu của các biến chứng nghiêm trọng cần được điều trị kịp thời, nhanh chóng như:
- Khó thở hoặc nuốt
- Áp lực dữ dội hoặc cảm giác đau bị ép chặt ở ngực
- Ho ra máu
- Máu trong phân
- Buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy kéo dài hơn 24 giờ ở người lớn
- Sốt cao
- Kiệt sức hoặc mất ý thức
Nhiều trường hợp đau thượng vị có thể được điều trị và phòng ngừa bằng cách thực hiện những thay đổi nhỏ trong chế độ ăn uống và thói quen sinh hoạt. Ngay cả những triệu chứng mãn tính cũng có thể được kiểm soát tốt bằng thuốc và thay đổi chế độ ăn uống.
Xem thêm:
Tham khảo:
Medicalnewstoday