Sau lễ khánh thành tổ chức vào 8h sáng ngày 29/4, đến 11h trưa cùng ngày cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết chính thức mở cửa cho các xe lưu thông cả hai chiều.
Sáng nay Bộ GTVT phối hợp hai tỉnh Bình Thuận, Thanh Hóa tổ chức khánh thành hai đoạn cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây và Mai Sơn - quốc lộ 45. Lễ khánh thành kết nối trực tuyến hai điểm cầu Bình Thuận và Thanh Hóa.
Tại buổi lễ Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết hôm nay chúng ta vui mừng tổ chức lễ khánh thành cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết và Mai Sơn - quốc lộ 45. Đây là những đoạn cao tốc quan trọng, rút ngắn thời gian đi lại và đảm bảo an toàn.
Hai đầu cầu của đất nước là TP.HCM và Hà Nội đã tiến sát về miền Trung. Việc khai thác những tuyến cao tốc này ý nghĩa hơn khi dịp lễ nhân dân đi lại nhiều. “Khi phát triển và làm tốt được hạ tầng giao thông sẽ tạo ra không gian mới, khu công nghiệp mới, khu đô thị mới”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Lúc 10h30 hàng xe chờ ngoài nút giao với cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây để vào cao tốc.
Sau khi buổi lễ khánh thành kết thúc thì 11h các nút giao đã được mở để dòng xe đầu tiên lưu thông vào cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết cả hai chiều, hiện tại cao tốc vẫn chưa có phương án thu phí.
11h nút giao mở cửa, dòng xe đầu tiên vào cao tốc khi thông xe chính thức từ 11h ngày 29/4.
Cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết khởi công ngày 30/9/2020 với tổng mức đầu tư hơn 12.500 tỷ đồng. Công trình có điểm đầu nối với cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết tại huyện Hàm Thuận Nam và điểm cuối ở nút giao cao tốc Long Thành - Dầu Giây ở huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai.
Dòng xe lưu thông vào cao tốc
Suốt tuyến Dầu Giây - Phan Thiết mới chỉ có ba nút giao để xe vào hoặc ra được khai thác, bốn nút còn lại chưa hoàn thành. 3 vị trí được khai thác gồm:
- Nút giao với cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.
- Nút giao Ba Bàu đường nối từ điểm cuối cao tốc đến QL1 thuộc địa bàn tỉnh Bình Thuận
- Nút giao còn lại là đoạn giao với QL1 (xã Xuân Tâm, H.Xuân Lộc, Đồng Nai.
Từ nút giao An Phú, Thủ Đức (TP.HCM) ô tô vào cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, qua khỏi nút giao QL51 và cả trạm dừng chân trên tuyến này, đến Km43 sẽ gặp nút giao rất lớn. Đây là nút giao với cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết. Tài xế cần chạy chậm, rẽ phải vào đường nhánh để bắt đầu đi vào cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết. Từ đây tài xế chạy một mạch 99km đến cuối tuyến. Ở cuối tuyến sẽ gặp nút giao với một tuyến đường huyện.
Khi cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đưa vào khai thác, xe cộ ở TP.HCM xuất phát tại cao tốc Long Thành - Dầu Giây sẽ thông suốt đến TP Phan Thiết (Bình Thuận), rút ngắn thời gian dự kiến từ 4 giờ xuống còn 2 giờ.
Xem thêm: