Dưới đây là 5 điều nhầm lẫn tiêu biểu giúp người tiêu dùng có thể hiểu rõ hơn về khả năng tiết kiệm nhiên liệu và sự an toàn, thân thiện với môi trường của chiếc xe sử dụng phục vụ cho việc đi lại:
[pagebreak]
1. Nhầm lẫn giữa Mile per gallon (mpg) và lít/100 km.
Nhiều người nghĩ rằng khi đổi một chiếc xe cũ có mức tiêu thụ nhiên liệu 7,13 lít/100 km (33 mpg) bằng xe mới tiêu thụ 4,7 lít/100 km (50 mpg) tiết kiệm nhiên liệu hơn việc thay chiếc xe 23,52 lít/100 km (10 mpg) bằng xe mới tiêu thụ 11,76 lít/100 km (20 mpg).
Rất nhiều người nghĩ như thế chỉ vì đã làm bài toán trừ (50-33) > (20-10). Sử dụng đơn vị mpg ( mile per gallon) khiến người ta dễ nhầm lẫn, để tránh ngộ nhận nên dùng (gallon per 100 mile), tốt nhất là sử dụng đơn vị lít/100 km. Kết quả là: 20 mpg = 11,76 lít/100 km; 10 mpg = 23,52 lít/100 km. Trong khi 50 mpg = 4,7 lít/100 km; 33 mpg = 7,13 lít/100 km. Kết quả chính xác là khi đổi xe 10 mpg thành 20 mpg tiết kiệm được 11,76 lít/100 km. Trong khi thay chiếc xe 33 mpg thành xe 50 mpg chỉ tiết kiệm được 2,4 lít/100 km.
2. Điện được sản xuất bằng than vì vậy xe EV gây ô nhiễm môi trường không kém xe xăng.
Xe điện tiết kiệm năng lượng hơn xe xăng, điều này không ai chối cãi. Nhưng nhiều người cho rằng ngoại trừ một số quốc gia có mạng lưới điện "sạch" (thủy điện, điện nguyên tử hay các nguồn năng lượng tái tạo) thì xe điện không gây ô nhiễm, còn ở những quốc gia điện sản xuất chủ yếu bằng than đá hay khí đốt, xe điện gây ô nhiễm không khác xe xăng.
Điều này là không đúng, theo nghiên cứu của hiệp hội các nhà khoa học Union of Concerned Scientists cho thấy ở những tiểu bang có mạng lưới điện "bẩn" nhất (như North Dakota hay West Virginia), xe điện gây ô nhiễm tương đương xe xăng không hybrid với mức tiêu hao nhiên liệu 6,72 lít/100 km (35 mpg).
Còn ở những tiểu bang có mạng lưới điện "sạch" như California, mức gây ô nhiễm của xe điện tương đương với xe xăng tiêu thụ chỉ 2,35 lít/100 km (100 mpg).
Điều này có nghĩa là một chiếc xe xăng không hybrid không bao giờ sạch bằng xe hoàn toàn chạy điện.
3. Sắp có xe chạy bằng năng lượng mặt trời
Những tấm pin quang điện là giải pháp tuyệt vời để biến năng lượng mặt trời thành điện năng. Từ 30 năm trở lại đây giá thành sản xuất ngày càng rẻ và sắp đến thời điểm mà chi phí lắp đặt và duy trì hệ thống điện mặt trời có giá thành ngang với điện lưới công cộng.
Nhưng việc cấp đủ nhu cầu năng lượng cho một chiếc xe điện đòi hỏi một tấm pin quang điện khổng lồ. Hàng năm diễn ra cuộc thi xe điện quốc tế do các nhà sản xuất ô tô tài trợ với sự tham dự của sinh viên các trường đại học trên thế giới, nhưng những xe đua này chỉ 1 người lái và rất mong manh dễ vỡ, xe không thể vượt qua bất kỳ một thử nghiệm va chạm nào.
Hiện nay Prius của Toyota, Leaf của Nissan và Audi A8 có tùy chọn panel solar gắn trên nóc xe nhưng tấm pin mặt trời này chỉ có thể cấp điện để chạy quạt gió làm mát xe khi đậu ngoài nắng.
Mới đây Ford giới thiệu
C-MAX Solar Energi, chiếc xe đầu tiên chạy bằng năng lượng mặt trời ở CES Las Vegas nhưng xe phải phơi suốt ngày ngoài trời, pin có thể được sạc đầy 8 kwh tương đương với 4 giờ sạc từ mạng lưới điện gia đình.
Nói một cách khác tương lai xe điện chạy bằng năng lượng mặt trời còn rất xa vời. Tuy nhiên xe chạy bằng điện do nhà máy điện mặt trời cung cấp lại là vấn đề khác.
4. Sản xuất xe tốn nhiều năng lượng, do vậy đi xe cũ không đổi xe mới là hành động bảo vệ môi trường.
Phát biểu này hoàn toàn không có cơ sở khoa học. Một nghiên cứu của viện công nghệ Massachusetts chứng minh trong vòng đời một chiếc xe 75% lượng carbon phát thải là do nhiên liệu bị đốt cháy tạo ra, 19% CO2 thải ra do hoạt động tinh chế nhiên liệu cho xe sử dụng tạo ra, sản xuất nguyên liệu cấu thành nên chiếc xe tạo ra 4% CO2 và 2% do việc chế tạo nguyên liệu thành các phụ tùng và lắp ráp. Tóm lại 94% CO2 tạo ra do đốt nhiên liệu, CO2 do sản xuất xe tạo ra chỉ chiếm 6%.
5. Tắt máy điều hòa nhiệt độ và mở cửa sổ sẽ tiết kiệm nhiên liệu.
Điều này có khía cạnh đúng và có khía cạnh không đúng. Tắt máy lạnh để tiết kiệm nhiên liệu là đúng, nhưng mở của sổ có thể tạo tăng lực cản không khí gây tốn hao nhiên liệu.
Các kỹ sư đo sức cản không khí của xe trong hầm gió cho biết nếu không đóng cửa sổ kính, khi xe chạy ở tốc độ trên 64 km/h thì lực cản không khí sẽ gây tốn hao nhiên liệu hơn việc đóng kín cửa mở điều hòa nhiệt độ.
Tóm lại, để tiết kiệm nhiên liệu chúng ta có thể mở cửa sổ thay vì mở máy lạnh khi chạy trong nội thành, còn khi chạy trên đường cao tốc, đóng cửa và mở máy lạnh xe sẽ tiết kiệm nhiên liệu hơn.
(theo greencarreports)