Mang tên một dòng nhạc biểu diễn đầy tính ứng tác và ngẫu hứng, chiếc xe Jazz RS của anh Phạm Văn Hân, từ lò độ PhiLong Auto cũng là một trong những đối thủ nặng ký trong hạng mục khó nhất dành cho các “chuyên gia” X-Unlimited của cuộc thi âm thanh xe hơi EMMA 2022 tổ chức tại TP.HCM
Có thể khẳng định: X-Unlimited (Expert Unlimited) là hạng mục khó nhất, nhiều thử thách nhất trong tất cả các hạng mục dự thi của giải đấu EMMA
Nếu như “Best Of Sound” chỉ chấm về phần âm thanh (lấy bảng điểm phần âm thanh của X-Unlimited để chấm), thì X-Unlimited còn phải “cân” thêm phần điểm về lắp đặt, mà khó nhất phải kể đến, đó chính là điểm “BONUS POINT” lên tới 100 điểm!
Điểm Bonus này, ngoài kỹ năng lắp đặt phải đáp ứng đủ tiêu chí khắt khe về kỹ thuật, nó còn có đòi hỏi rất cao về chất xám, đó là: Bạn phải làm gì đó với hệ thống của mình, để có thể thu hút người xem tốt nhất; các thiết bị phải được phô diễn hết vẻ đẹp; lối thiết kế phải xuyên suốt và sáng tạo…, nhưng không được gây khó khăn và trở ngại cho người sử dụng!
Phải nói là rất, rất khó để có thể đạt đủ được 100 điểm thưởng này!
Chiếc Honda Jazz, mặc dù được được lắp đặt cực kỳ tốt và tỉ mỉ, nhưng vì… thiếu kinh nghiệm thi đấu trong phần điểm thưởng, nên chỉ giành được 31/100 điểm Bonus Point! Vì thế, tuy đứng đầu bảng về điểm âm thanh (249 điểm), nhưng điểm chung cuộc chiếc xe chỉ đạt 503, nên giành ngôi vị thứ 2
Để “dấn thân” vào hạng mục X-Unlimited khó nhất này, vì không bị giới hạn giá tiền, nên xe của mỗi thí sinh không thể xem nhẹ phần thiết bị!
Chiếc Jazz RS của anh Hân cũng không là ngoại lệ!
Toàn bộ thiết bị loa, amplifiers, DSP được lựa chọn dòng sản phẩm Hi-End thực thụ, mang thương hiệu BRAX - một hãng sản xuất thiết bị danh tiếng từ Đức
Hệ thống được thiết lập theo lối chơi full active 3way + sub, nhằm khai thác tối đa đặc tính của mỗi loa, cũng như khả năng cân chỉnh được mọi giá trị, giúp hệ thống mang lại độ chính xác và các chiều không gian âm nhạc tốt nhất cho người nghe
Phần đầu phát của hệ thống gồm có 2 thiết bị: McIntosh MX5000 cho phần Analog; và máy nghe nhạc AK380 của hãng Astell&Kern cho phần Digital
Vì EMMA kỳ này không còn sử dụng định dạng CD, nên file nhạc cho phần chấm điểm sẽ được xuất từ AK380 tới DSP qua chuẩn Digital
DSP Brax sẽ nhận stream từ AK380. Sau đó cộng thêm các thông số về cân chỉnh của khoang xe chiếc Jazz - được thêm vào bởi người dùng, như: phân tần, time delay, phase, EQ… rồi xuất tín hiệu Digital tới 2 amplifier Brax MX4 Pro.
Như vậy, khác với hệ thống xuất âm Analog từ DSP, với hệ thống Full Digital, phần convert D/A sẽ được tiến hành trong bản thân 2 amplifier chứ không phải từ trên DSP.
Ở hệ thống này, lí do chủ xe lựa chọn “full Digital” cho phần tín hiệu rất đơn giản: Khả năng “thất lạc” các bit thông qua kết nối Digital là thấp nhất có thể. Người nghe gần như sẽ có được thông tin nguyên thuỷ của file nhạc, được tái tạo, thể hiện lại ở các loa!
Ưu điểm thứ 2 của lựa chọn, là sử dụng dây Digital cho hệ thống thì chỉ tốn 5 cọng dây, thay vì 10 cọng dây nếu chơi full kết nối bằng analog.
Cần phải nói thêm, chơi Full Digital trên các hệ thống âm thanh có DSP sẽ có một trở ngại rất lớn, đó là: DSP chỉ nhận được tín hiệu Full Scale (độ phân giải cao nhất) từ đầu phát khi và chỉ khi đầu phát tăng mức volume Digital lên 100%
Nếu ta giảm volume để lựa mức âm lượng vừa nghe, đồng nghĩa với việc chúng ta phải chấp nhận độ phân giải của âm thanh sẽ bị giảm theo!
Nhưng, DSP Brax kết hợp Amplifier Brax MX4 Pro là một ngoại lệ!
Chính công nghệ độc quyền DiSAC (Digital Signal Analog Controlled) do hãng phát triển đã giúp hệ thống luôn nhận được và xử lí tín hiệu Digital ở độ phân giải cao nhất, trong khi người dùng vẫn thay đổi mức âm lượng tuỳ ý – Đây quả là một sáng chế rất đáng giá của hãng!
Có thể nói, phần nguồn phát, DSP và Amplifier của hệ thống này được phối hợp với nhau rất chặt chẽ và đồng bộ
Bên cạnh thiết bị, phần cấp nguồn của hệ thống trên xe Jazz cũng được đầu tư và lắp đặt rất bài bản và công phu
Dây nguồn dương (+) chính có độ lớn 0AWG của hãng cable nổi tiếng Tchernove được chạy từ máy phát tới Ác-quy, sau đó tới bộ chia tổng
Phần nguồn âm (-) được phụ trợ bởi các thanh đồng lớn để đảm bảo các mối tiếp xúc được kết nối tốt nhất với thân xe – cũng chính là cực âm Ác-quy
2 bộ tụ 500F được mắc song song với Ác-quy. Các tụ này có nhiệm vụ sẽ nạp, giữ áp đỉnh của máy phát làm thế năng, và xả áp này cung cấp tức thời cho hệ thống ở những màn cao trào
Chưa dừng lại ở đó, trên mỗi Amplifier Mx4 Pro còn được mắc song song 1 tụ Hi-End 2F cũng của hãng Brax. Tụ này ngoài chức năng dự trữ thế năng riêng cho mỗi amplifier, nó còn có chức năng ổn áp, để luôn cấp một mức nguồn ổn định và cao nhất cho amplifier làm việc!
Công việc đi dây và lắp đặt thiết bị lên xe bao gồm cả kỹ thuật và kỹ năng.
Bên cạnh các tiêu chuẩn cao phải tuân thủ theo luật đấu của EMMA, phần lắp đặt còn có sự chau truốt và tỉ mỉ từ lòng đam mê của cả team PhiLong Auto dành cho tác phẩm của mình.
Mỗi loại dây, mỗi loại phụ kiện đều được tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng, để khi lắp đặt lên xe vừa đảm bảo sự an toàn, đồng thời cũng phải đủ phẩm chất để khai thác hết khả năng của hệ thống
Có rất nhiều những kỹ thuật và kinh nghiệm trong phần lắp đặt, cân chỉnh hệ thống của chiếc xe. Từ hướng loa, tiêu/tán âm, cho tới việc đóng thùng cho loa subwoofer… đều phải có tính toán và khảo sát trước khi làm. Là đặc thù chung của hệ thống âm thanh, tất cả các khâu làm tốt, chỉ cần một chỗ làm chưa tốt, chưa tới, thì cả hệ thống sẽ bị ảnh hưởng bởi phần chưa tốt này. Đây chính là lý do tại sao chiếc Jazz phải mất mấy tháng trời cho việc lắp đặt và hoàn thiện
Sau cuộc thi EMMA, dù có giải hay không có giải, thì chắc chắn một điều: Từ những kinh nghiệm và kiến thức được chia sẻ từ tổ trọng tài chấm thi, các thí sinh dự thi sẽ có thêm được rất nhiều điều bổ ích. Để từ đó có thêm nhiều động lực với nghề; hiểu biết nhiều hơn, và có nhiều hơn nữa những sáng tạo, tâm huyết cho niềm một niềm đam mê!
Một vài hình ảnh về hệ thống âm thanh của chiếc Jazz RS