Chiếc MPV đàn em của Innova vừa chính thức ra mắt ở triển lãm Gaikindo Indonesia International Auto Show 2016 với vẻ ngoài khá ổn. Nhất là khi nó nằm ở phân khúc xe xanh giá rẻ, cạnh tranh với dòng Datsun GO+.[pagebreak][/pagebreak]
Toyota Calya được sản xuất tại nhà máy Karawang ở Indonesia với tỷ lệ nội địa hóa lên đến 94%. Do đó, cũng dễ hiểu khi xe có giá bán quá tốt, chỉ từ 129-150 triệu rupiah (220-255 triệu đồng). Dự kiến, nhà máy này có thể đạt mức công suất 200.000 xe/năm.
Để được nằm ở phân khúc xe xanh giá rẻ LCGC đặc biệt của Indonesia để hưởng các chính sách ưu đãi của nước này, động cơ xe buộc phải nhỏ hơn hoặc bằng 1.2 L. Nên mọi chiếc Calya đều sở hữu động cơ 3NR-VE 1.2 L, 4 xi lanh, cho công suất 88 mã lực tại 6.000 rpm và mô-men xoắn cực đại 108 Nm tại 4.200 rpm. Đi cùng với nó là hệ dẫn động FWD và 2 hộp số sàn 5 cấp hoặc số tự động 5 cấp.
Về ngoại hình, Calya có phần đầu nổi bật bởi thanh chrome lớn và dày kéo dài sang cụm đèn pha góc cạnh. Bên dưới nó là lưới tản nhiệt 6 cạnh cỡ lớn được viền thanh chrome mỏng ở cản dưới. Sau xe thừa hưởng cặp đèn hậu hình chữ L của Toyota Innova Crysta, cánh gió đuôi kéo từ nóc. Xe sử dụng bộ mâm 14 inch 2 tông màu và lốp 175/65.
Về trang bị, ở cả 2 bản E và G đều có đèn pha halogen, remote alarm, điều hòa nhiệt độ (với khe gió hàng ghế thứ 2), cửa sổ điện (tất cả cửa sổ), chế độ báo ECO, màn hình thông tin giải trí, gập hàng ghế thứ 2 bằng 1 nút chạm, hàng ghế thứ 2 gập 60:40.
Ở bản cao cấp Calya G thì có thêm đèn sương mù, gập gương điện tử, xi nhan tích hợp trên gương chiếu hậu, viền bạc ở cửa và khu điều khiển trung tâm, cũng như viền chrome ở các khe điều hòa và cần số. Bản E chỉ có khe CD, USB, AUX đi cùng với 2 loa. Trong khi đó bản G có thêm kết nối Bluetooth và 4 loa.
Tất cả xe Calya sẽ sở hữu 2 túi khí phía trước. Bản G có chống bó cứng phanh ABS. Chỉ bản E chạy số tự động mới có ABS, còn bản E số sàn thì không.
Ảnh: Paultan