Chưa ra mắt các anh em FFC..thèm rượu quá..và được dịp sáng nay rảnh..3Gà mạn phép "bàn" về RƯỢU cho đỡ thèm..
Rượu chữ nho gọi là tửu.
“ Nam vô tửu như kỳ vô phong.”
Cờ không gặp gió,cờ rũ xuống, xem chẳng oai hùng chút nào .đàn ông thiếu rượu, giống như lá cờ rũ, như "kim đồng hồ" thường chỉ sáu giờ, trông phát nản.
Rượu cất bằng gạo nếp, nấu xong dùng men ủ, vài ngày sau mới đem ra cất. Rượu ngon hay dở còn tuỳ vào bí quyết và kinh nghiệm nấu. Rượu là lộc Trời cho.Bậc vua chúa ngày xưa, đã biết dùng rượu để di dưỡng thiên hạ, dùng vào việc tế Trời, lễ đất, cầu phúc, cầu lợi.
"Vô tửu bất thành lễ".
Các bậc thánh nhân ngày xưa không ai không uống rượu, do đó 3Gà...cũng vậy...
Lưu Bang Hán Cao Tổ nhân lúc rượu say, cầm gươm chém rắn bạch, khởi nghĩa, lập nên cơ đồ nhà Hán.
Phàn Khoái dự tiệc Hồng Môn Phàn, lấy cao cắt thịt, uống rượu, thi đua múa gươm, mưu đồ đại sự .
Khổng Tử lúc hứng uống cả ngàn chung.
Tử Lộ uống như hũ chìm.
Lã Bạch càng uống, làm thơ càng hay. Nhiều người không quen mùi rượu, đọc xong thơ của Lã Bạch cũng lăn quay ra say khước.
Một lần Kinh Kha rượu đã ngà ngà, uống thêm một chén rượu tiễn đưa, rút gươm chỉ xuống dòng sông Dịch chửi thề: - Mẹ kiếp! Chuyến này không thành công thì ông đíu thèm qua sông này nữa.Và lần đó Kinh Kha đã hát bài nhạc Pháp “Aller Sans Retour,” mua tấm vé tàu suốt rong chơi miền tiên cảnh.
Người tài hoa phải biết đủ cầm, kỳ, thi, hoạ, nhưng chưa sành sọi về rượu thì chưa trọn vẹn.
Người sành rượu không phải chỉ biết vị, biết hương của rượu mà còn phải nhập vào linh hồn của rượu nữa.
Rượu giúp con người thêm can đảm. Nếu không say rượu thì có cho kẹo, Lưu Bang cũng không khi nào dám chơi dại cầm gươm chém rắn. Chỉ nhờ lúc có rượu làm liều mà dựng nên sự nghiệp.
Rượu gây thêm hào hứng cho kẻ anh hùng đàn ông có rượu vào, khí thế oai minh, thái độ hùng dũng như cờ gặp gió, như lân gặp pháo.
Dân nhậu có tính thảo ăn. Có thức ăn ngon thì nghĩ ngay đến bạn hiền. Nếu trong lòng tâm sự đa mang, có được người bạn hiền để chén chú, chén anh, nỉ non tâm sự thì còn gì bằng:
"Một ly nhâm nhi tình bạn
Hai ly uống cạn lòng sầu
Ba ly mũi chảy tới râu
Bốn ly ngồi đâu gục đó
Năm ly cho chó ăn chè
Sáu ly vợ đè cạo gió."
Giai thoại về rượu rất nhiều, không sao kể xiết. Mỗi quốc gia có vài thứrượu đặc biệt. Rượu Pháp nổi tiếng nhất thế giới như rượu vang Champagne . Ai cũng biết Champange là loại rượu sủi bọt (Sparkling wine) thường dùng trong các cuộc vui như đám cưới, sinh nhật v...v... Napoléon, Hoàng đế nước Pháp đã nói một câu để đời về rượu Champange:
"Khi thắng trận ta uống Champange để mừng chiến thắng.
Khi bại trận ta càng cần phải uống Champange để giải sầu."
Nho để làm rượu Champange phải là loại Chardonnay (chát trắng) và loại Pinot noir (chát đỏ) của vùng Bourgonge mới số dzách. Mở Champagne cũng là một nghệ thuật. Mở thế nào cho rượu nổ một tiếng pop khá lớn mà rượu không vọt ra ngoài do áp suất của khí carbonique trong chai. Lan man về Champange đã hơi nhiều,3Gà xin nói về rượu Pháp. Ngoài Champange còn rượu khai vị như Cointreau, Grand Marnier, rượu mạnh có Martell, Hennessy, Courvoisier, Remy Martin, thứ nào cũng hết xảy nhưng phải loại XO mới tuyệt cú mèo. Đó là rượu Tây.
Người Tàu coi trọng vấn đề ăn uống. Gặp nhau câu hỏi đầu tiên là: - Lứ chía pừng b.i? hay Nị xực phàn m.? hoặc Nị sứ phán mĩ dầu? có nghĩa là Anh ăn cơm chưa? ..Mấy câu tiếng Tàu này, 3Gà học từ 1 người anh lớn(James Khưu). Vì quí trọng miếng ăn nên người Tàu chủ trương miếng ăn, thức uống phải ngon và bổ nên người Tàu nghĩ ra rượu thuốc, thứ nào cũng số dzách..ông uống bà khen, cường dương bổ thận, tráng kiện minh mẫn...
Nhật bản có Sa-kê. Nga có Vodka, Việt Nam có Whiskyson.(Cái kiến thức này 3Gà học lóm được từ Cụ thân sinh của 3Gà) Nói lái hai âm ky-song là công xi. Rượu công xi Bạc Liêu thì hết xảy. Rượu đế Phước Long rất nổi tiếng. Chất rượu trong như nước mưa, rót ra, bọt nổi vòng quanh miệng ly, uống vào nóng muốn cháy cổ. Thở ra nếu ngồi gần vách lá có thể làm cháy nhà như chơi. Ngoài ra còn rượu Bình tây, rượu nếp than. Sau năm 1975, người miền Bắc mang vào Nam loại rượu cà-phê và rượu chanh, 2 loại này 3Gà chưa được dùng thử, dù đã nhiều lần lục tung hang cùng ngõ phố trên đất Hà Thành, có lẽ nó đã thất truyền...tiếc lắm thay.
Rượu ngon, thức nhấm ngon, chỗ ngồi nhậu thoải mái, lại có thêm bạn hiền thì uống ngàn chung cũng còn quá ít.
(A3G-10/7/13, HCM)