Cứ đến thời điểm nhận được thông tin tổng kiểm tra phương tiện, người dân lại ồ ạt kéo nhau đi mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc để đối phó.
Không khó để bắt gặp cảnh một số quầy tạm bày bán Bảo hiểm Trách nhiệm dân sự bắt buộc (BHTNDS) trên vỉa hè, lề đường tại các trục đường chính ở các thành phố lớn của nước ta. Thậm chí, có những thời điểm, một vài “chợ bảo hiểm xe máy” mọc lên nhan nhản phục vụ nhu cầu khách mua BHTNDS bắt buộc để đối phó với các đợt kiểm tra phương tiện xe cơ giới.
Người dân mua bảo hiểm bán tràn lan ở vỉa hè để đối phó lực lượng chức năng
Tại các quầy tạm bán bảo hiểm này, chi phí cho mỗi giấy chứng nhận bảo hiểm này được bán với giá chỉ từ 10.000 đồng đến 20.000 đồng. Trong khi đó, theo quy định Nhà nước, mức phí bảo hiểm bắt buộc TNDS đối với xe phân khối 50cc trở lên có mức từ 66.000 đồng. Nhiều người vì để đối phó với lực lượng chức năng nếu bị kiểm tra đã “mua đại” mà không tìm hiểu liệu có đúng loại bảo hiểm cần phải mua hoặc đó có phải là giấy chứng nhận bảo hiểm thực sự được các doanh nghiệp được quyền bán BHTNDS phát hành hay là giấy chứng nhận giả.
Tìm hiểu thực tế, hầu hết tất cả các điểm bán bảo hiểm này đều in quảng cáo bán bảo hiểm với giá 10.000đ hoặc 20.000đ/ năm, nhưng khi hỏi kỹ lại thì đây chỉ là bản hiểm tự nguyện cho người ngồi trên xe, hoàn toàn không phải là loại hình bảo hiểm bắt buộc TNDS theo quy định. Chính vì vậy, mỗi người dân cần nêu cao cảnh giác, không nên ham rẻ mà rơi vào cảnh “tiền mất tật mang”.
Thống kê chưa đầy đủ của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam những năm gần đây cho thấy, gần như toàn bộ xe máy đang lưu hành không mua bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự. Đây là điều đáng lo ngại khi mà tình hình tai nạn giao thông hiện nay vẫn đang ở mức báo động cao. Trong khi đó, những người gây tai nạn giao thông lại thường rất khó khăn về tài chính, không đủ năng lực đền bù cho người bị nạn. Đó cũng chính là lý do để BHTNDS trở thành bắt buộc với mục đích nâng cao an sinh xã hội, san sẻ gánh năng về tài chính cho người gây tai nạn, đảm bảo quyền lợi cho người bị nạn.
Trên thực tế, mức BHTNDS dành cho xe cơ giới không phải quá cao, đặc biệt đối với xe máy. Nhưng người dân còn rất thờ ơ với loại bảo hiểm này, hoặc nếu mua cũng chỉ là để đối phó chứ không hoàn toàn hiểu giá trị thực của nó.
Chia sẻ vấn đề này trên tờ Vnexpress, luật sư Vũ Tiến Vinh (đoàn luật sư TP Hà Nội) nhìn nhận "trong thực tế, khi xảy ra tai nạn xe máy người dân thường tự hòa giải, thương lượng với nhau". Theo luật sư Vinh, nhiều người cho rằng thủ tục yêu cầu chi trả khi phát sinh trách nhiệm bảo hiểm khá rắc rối nên họ chưa quan tâm đến lợi ích của nó.
Luật pháp quy định rất rõ về trách nhiệm của nhà cung cấp dịch vụ BHTNDS bắt buộc phải tạo điều kiện thuận lợi, đơn giản hoá thủ tục hỗ trợ chi trả cho các trường hợp phát sinh trách nhiệm bảo hiểm.
Hiện nay, do tính cạnh tranh cao giữa các nhà cung cấp bảo hiểm, thủ tục này đã đơn giản hơn rất nhiều. Chỉ cần các cá nhân/đơn vị mua bảo hiểm liên lạc sớm nhất (trong vòng 24 giờ đồng hồ) kể từ khi phát sinh trách nhiệm bảo hiểm, các công ty bảo hiểm sẽ hướng dẫn, hỗ trợ thủ tục và xét duyệt thông qua việc chi trả bảo hiểm hay không.
Đồng thời, những người mua BHTNDS cũng cần nhận thức rằng, việc mua bảo hiểm là để phòng ngừa những rủi ro không ngờ tới trong cuộc sống. Đặc biệt, với BHTNDS bắt buộc, trong trường hợp nguyên nhân gây tai nạn là lỗi của mình, giao kết bảo hiểm sẽ giúp người mua giảm thiểu những khoản chi phí đền bù, tránh ảnh hưởng đến tài chính cá nhân.
Thêm vào đó, quy định tài xế phải mua bảo hiểm bắt buộc TNDS khi tham gia giao thông đã có lâu nay. Không chỉ các đợt kiểm tra mà khi lưu thông trên đường, trong bất cứ trường hợp nào chủ phương tiện cũng có thể bị dừng lại để kiểm tra việc tuân thủ quy định này.
Mức phạt hành chính nếu chủ xe cơ giới không mang theo Giấy chứng nhận Bảo hiểm trách nhiệm dân sự:
- Mức phạt đối với xe ô tô: Theo điểm b khoản 4 Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi bởi Khoản 11 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP, trường hợp không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực bị phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng.
- Theo điểm a khoản 2 Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, mức phạt đối với xe mô tô, xe gắn máy: Trường hợp không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng. |