Bảo hiểm BSH trốn tránh bồi thường hàng trăm triệu với lí do xe sai cỡ vành nhưng thực tế cỡ vành đó có trong hồ sơ thiết kế của nhà sản xuất.
Vào lúc 19h ngày 7/3 trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ xảy ra vụ va chạm giữa 2 xe chiếc xe hạng sang Audi Q5 và một chiếc xe Mercedes S-Class. Trao đổi với PV Báo Giao thông, chủ nhân chiếc Audi Q5 là anh Phan Hải Linh, khách hàng mua bảo hiểm của Công ty Bảo hiểm BSH Thăng Long với mức gần 20 triệu đồng/năm cho biết, ngay sau khi xảy ra tai nạn, cả 2 chủ xe đều lập tức thông báo cho bảo hiểm của mỗi bên.
“Khi chúng tôi liên lạc với bảo hiểm thì không hãng bảo hiểm nào cử người xuống hiện trường để giám định vụ tai nạn mà chỉ trả lời ngắn gọn “cứ báo công an, bảo hiểm sẽ làm việc theo biên bản hiện trường của công an”.
Phía công an sau đó xác định lỗi giao thông xuất phát từ phía chủ xe Audi. Theo quy định, chủ xe Mercedes S-Class (xe bị tông từ phía sau) sẽ được chủ xe Audi bồi thường toàn bộ chi phí sửa chữa.
Sau khi đưa xe vào gara chính hãng, chiếc Mercedes S-Class được gara báo giá sửa chữa gần 1 tỷ đồng nhưng khi đưa ra gara ngoài được báo giá 300 triệu đồng còn chi phí sửa chữa chiếc Audi Q5 là 120 triệu đồng (gara ngoài).
Tuy nhiên, điều bất ngờ là cả 2 chủ xe nêu trên đều bị 2 hãng bảo hiểm từ chối bồi thường. Với xe Audi, phía bảo hiểm BSH Thăng Long đưa ra lý do là xe đã nâng cấp cỡ vành nên bị từ chối bảo hiểm vật chất thân vỏ. Tuy nhiên, theo anh Linh, chiếc vành mà anh lắp cho xe là hàng chính hãng Audi, được đại lý chính hãng của Audi Việt Nam lắp và không hề ảnh hưởng đến các yếu tố an toàn, kỹ thuật của xe. “Nếu nói lý do nâng cấp cỡ vành để từ chối bồi thường thì bên bảo hiểm phải có trưng cầu giám định của cơ quan đăng kiểm. Tuy nhiên, đến thời điểm này bản thân tôi chưa nhận được bất cứ văn bản nào về việc này”, anh Linh cho biết.
Sau đó sự việc được báo giao thông phản ánh, sau khi bài viết được đăng lên giám đốc của công ty bảo hiểm BSH là ông Nguyễn Văn Đông cho biết chiếc xe Audi Q5 nói trên thuộc sở hữu của một doanh nghiệp là khách hàng lớn trong tệp khách hàng xe cơ giới của bảo hiểm BSH, nên không có việc đơn vị này "bới lông tìm vết" để bắt bí hay có thái độ gây ức chế cho khách hàng như phản ánh.
Lãnh đạo BSH Thăng Long cũng cho rằng, vì ô tô là "nguồn nguy hiểm cao độ" nên giấy đăng kiểm là căn cứ quan trọng chứng nhận điều kiện kỹ thuật vận hành của phương tiện tại thời điểm xảy ra sự kiện.
Viện dẫn điều khoản trong hợp đồng và các quy định trong bộ quy tắc bảo hiểm, phía BSH cho rằng giấy đăng kiểm sẽ hết hiệu lực khi phương tiện có sai khác về cỡ vành. Cụ thể nếu đối chiếu với giấy chứng nhận đăng kiểm thì cỡ vành của chiếc xe đã tăng từ 17 lên 19 inch.
Tuy nhiên khi được đặt câu hỏi, BSH Thăng Long đã tham vấn ý kiến của cơ quan đăng kiểm về trường hợp này hay chưa thì ông Đông vòng vo, không trả lời cụ thể vấn đề này.
Để xác minh chiếc xe Audi Q5 của anh Phan Hữu Linh có đảm bảo các thông số cỡ vành hay không, ngày 23/7, PV Báo Giao thông đã trực tiếp đến gara ô tô Đức Tùng (số 2 Lãng Yên, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) nơi chiếc xe này đang nằm chờ sửa chữa, khắc phục sau vụ tai nạn. Ngay sau khi mở cánh cửa xe phía bên lái, phóng viên dễ dàng nhận thấy bảng thông tin lốp xe được nhà sản xuất dán trên cánh cửa. Theo đó mẫu xe Audi Q5 này có tới 5 lựa chọn cỡ vành (như hình ảnh bên dưới). Và cỡ vành 235/55 R19 101 W mà chiếc Audi Q5 của anh Linh đang sử dụng khi xảy ra tai nạn là 1 trong số 5 lựa chọn vành của chiếc xe này. Như vậy có thể thấy việc anh Linh nâng cấp cỡ vành như vậy vẫn trong phạm vi cho phép, hoàn toàn không ảnh hưởng đến an toàn kỹ thuật.
BSH cố tình không hiểu quy định cỡ vành?
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Khánh Tùng, Giám đốc Trung tâm đăng kiểm 2902S (Gia Lâm, Hà Nội) - đơn vị đăng kiểm cho chiếc xe Audi Q5 cho hay: "Để xác định một bộ lốp, vành có tương đương với tiêu chuẩn nhà sản xuất hay không, có 3 thông số quan trọng là đường kính làm việc, bản rộng bề mặt lốp, chỉ tiêu tải trọng tốc độ của lốp nằm trong biên độ cho phép. Tất cả những thông số này được quy định trong quy chuẩn 34 (QCVN 34:2017/BGTVT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lốp hơi dùng cho ô tô). Trong trường hợp nếu xe được thiết kế lắp nhiều loại vành - lốp thì phải đối chiếu bộ hồ sơ kiểu loại của phương tiện lưu giữ trên Cục Đăng kiểm Việt Nam".
Theo ông Tùng, trong trường hợp trên cánh cửa bên lái có ghi thông tin nhiều cỡ vành lốp khác nhau thì trước hết cần tra cứu hồ sơ kiểu loại phương tiện trên Cục Đăng kiểm Việt Nam để có nhận định chuẩn nhất về các cỡ vành lốp được nhà sản xuất gốc phê duyệt cho phương tiện đó.
Ông Tùng cũng phân tích thực tiễn ngay tại trung tâm 2902S: "Có những xe đầu kéo của Mỹ khi nhập về, hồ sơ kiểu loại phương tiện đó cho phép lắp đến hơn chục cỡ lốp khác nhau, chúng tôi thường gọi là dải cỡ lốp, trong khi giấy đăng kiểm khuôn khổ có hạn, không thể nào ghi hết tất cả thông tin đó. Bởi vậy chúng ta nên hiểu cái giấy đăng kiểm nó là khung khổ cơ bản thôi".
Được biết, hôm 22/7/2019, giữa BSH Thăng Long và đơn vị chủ xe Audi Q5 tiếp tục có cuộc làm việc để tìm phương án giải quyết, tuy nhiên câu chuyện tranh cãi về cỡ vành lốp vẫn chưa dừng lại. Tuy nhiên với những thông tin kể trên có thể thấy, việc Công ty Bảo hiểm BSH Thăng Long chưa tìm hiểu hoặc cố tình không hiểu về thông số cho phép về cỡ vành của chiếc xe Audi Q5 đã từ chối bồi thường bảo hiểm cho khách hàng của mình. Đặc biệt khó hiểu là dù mức độ thiệt hại trong vụ việc này khá lớn đồng thời có những khiếu nại, phản ứng gay gắt từ khách hàng nhưng Bảo hiểm BSH Thăng Long vẫn không tham vấn ý kiến của cơ quan đăng kiểm để làm rõ đúng sai?
Theo báo giao thông.