Bất chấp ảnh hưởng đại dịch Covid, thiếu chip, kinh tế gặp nhiều trắc trở, ngân hàng siết tín dụng tăng lãi vay, đã có tới hơn 500.000 xe ô tô được tiêu thụ trong năm qua tại Việt Nam, nhiều chưa từng có.
Cứ mỗi phút trôi qua người Việt lại mua 1 xe ô tô
Trong tháng 12/2022, doanh số bán hàng của VAMA đạt 35.301 xe, Hyundai đạt 9.545 xe và VinFast đạt 4.278 xe. Con số này đóng góp vào doanh số toàn thị trường, đạt tổng
509.139 xe.
Kết quả này giúp cho lần đầu tiên trong lịch sử, thị trường ô tô Việt Nam đạt ngưỡng trên 500.000 xe.
Một năm có 525.600 phút, thì có thể nói vui trung bình cứ mỗi phút trôi qua người Việt lại mua 1 xe ô tô.
Thị trường bùng nổ doanh số ngay từ đầu năm
So với các năm trước, năm 2022 có nhiều cột mốc doanh số khác biệt.
Một năm thông thường của thị trường ô tô Việt sẽ có
điểm rơi vào tháng Tết (tháng 2) và tháng Ngâu (tháng 8). Cùng với đó là các
điểm thăng hoa doanh số như tháng 3 và tháng 12.
Điểm rơi của thị trường 2022 khác hẳn, rơi vào tháng 6. Đó là kết quả của cuộc chạy đua hưởng ưu đãi phí trước bạ vào 5 tháng đầu năm và sự thiếu hụt linh kiện/chip của các nhà máy vào khoảng giữa năm.
Cụ thể trong năm 2022, sau điểm rơi vào tháng Tết âm lịch, doanh số của tất cả các xe trên thị trường đều tăng trưởng mạnh mẽ đến hết tháng 5. Lúc này, người dân và các đại lý đều đang chạy đua với chính sách ưu đãi phí trước bạ 50% đầy hấp dẫn.
Sau tháng 5, doanh số tháng 6 của thị trường trùng xuống đột ngột còn 31.927 xe. Dù vậy, đây là lúc việc khan hiếm xe, linh kiện và "bia kèm lạc" trở nên phổ biến, do đó người tiêu dùng lại tiếp tục duy trì mua xe bất kể đó có phải là thời điểm tốt hay không.
Tháng Ngâu năm 2022, doanh số toàn thị trường không giảm nhiệt quá lớn như nhiều dự báo trước đó. Bởi nhu cầu mua xe và nhận xe lúc này quá lớn, có thể khiến người dân tạm gác những yếu tố về tâm linh kiêng kỵ.
Vì sao doanh số xe tại Việt Nam cao nhất chưa từng có dù gặp nhiều khó khăn?
Sức mua tăng vọt sau nhiều tháng kìm nén vì đại dịch Covid là yếu tố đầu tiên được nhắc đến. Sau thời gian dài phong tỏa trong năm 2021, sự dồn nén về mua sắm ô tô được đẩy lên cao. Cộng với tâm lý biết trân trọng và tận hưởng cuộc sống hơn sau đợt đại dịch, nhu cầu di chuyển xe cá nhân tăng cao để tránh việc lây lan dịch bệnh của tầng lớp người Việt khá giả. Điều này khiến sức mua ô tô bùng nổ từ cuối năm 2021 và kéo dài sáng đầu năm 2022.
Chạy đua hưởng ưu đãi phí trước bạ vào 5 tháng đầu năm là yếu tố thứ hai, cộng với yếu tố đầu tiên khiến doanh số xe ngay sau Tết tăng vọt. Liên tiếp lập đỉnh vào tháng 3, 4, 5, cao chưa từng có so với cùng kỳ trong lịch sử thị trường ô tô Việt.
Hàng loạt mẫu xe mới hấp dẫn ra mắt là yếu tố thứ 3 được nhắc tới. Tính sơ bộ, thị trường năm qua đoán nhận gần tổng cộng 50 mẫu xe mới, bản nâng cấp, phiên bản mới ra mắt. Trong đó có nhiều mẫu xe có sức hút lớn về thị hiếu tiêu dùng của khách Việt như Mitsubishi Xpander, Ford Ranger, Hyundai Creta,...
Năm qua cũng ghi nhận số lượng xe điện, xe lai nhiều kỷ lục, đặc biệt là VinFast với 2 mẫu VF8 và VF9. Thaco, Hyundai, Nissan, Mercedes-Benz,... cũng bắt đầu bổ sung dòng sản phầm này.
Các hãng xe chủ động nguồn cung hơn là yếu tố thứ 4 giúp thị trường thăng hoa. Sau khoảng thời gian cuối năm 2021 và đầu năm 2022 nhiều hãng xe gặp khó về tình trạng cung không đủ cầu do thiếu chip, phụ thuộc vào việc nhập khẩu thì năm 2022 các hãng xe Việt đã chủ động nguồn cung hơn.
Corolla Cross được ưu tiên lượng xe nhập về lớn từ nhà máy tại Thái Lan. Xpander, Ranger, Veloz chuyển sang lắp ráp trong nước. Hyundai TC khánh thành nhà máy thứ 2 với công suất 100.000 xe/năm góp phần giúp các mẫu xe "Hot" như Accent, SantaFe, Tucson,... có nguồn cung dồi dào hơn.
Năm 2023 dự đoán sẽ khó khăn hơn
Có thể thấy, sau đại dịch Covid, sức mua ô tô của thị trường Việt trong năm 2022 đã tăng mạnh mẽ qua 4 yếu tố chính được phân tích kể trên. Đây là tín hiệu tích cực.
Tuy nhiên, thị trường ô tô Việt năm 2023 được dự đoán sẽ khó có sự tăng trưởng mạnh mẽ so với năm 2022 bởi các yếu tố khó khăn sau:
- Không còn chính sách kích cầu, giảm phí trước bạ.
- Ngân hàng siết tín dụng, tăng lãi suất cho vay.
- Tác động từ thị trường tài chính, bất động sản kém khởi sắc.
>>> Xem thêm:
Các bác nhận xét thế nào về thị trường ô tô Việt năm qua và dự đoán ra sao trong năm 2023?