Theo nhận định của HoREA, hiện nay, thị trường bất động sản đã có dấu hiệu giảm tốc, trầm lắng. Do doanh nghiệp và cả nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính lớn, thường chiếm đến 50-70% nên sức chịu đựng có hạn, đến lúc không chịu đựng nổi có thể đành “xả hàng”, thậm chí chấp nhận bán lỗ để cắt lỗ.
Ngày 21-10, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) có báo cáo đánh giá thị trường bất động sản 9 tháng của năm 2022, và kiến nghị một số giải pháp để thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững gửi đến Chính phủ.
Thị trường lệch pha cung - cầu
Theo HoREA, sau 9 tháng đầu năm 2022, thị trường bất động sản có đã có dấu hiệu dần phục hồi trở lại với nguồn cung 11.600 căn nhà, tăng 70,5 % so với 09 tháng đầu năm 2021, nhưng số lượng nhà ở này cũng chỉ bằng khoảng 36% so với cùng kỳ năm 2017 chưa đáp ứng nhu cầu nhà ở rất lớn của thị trường.
Nhận định thị trường TP.HCM đã có dấu hiệu dần phục hồi nhưng theo HoREA, tổng thể vẫn còn nhiều khó khăn. Cụ thể, nguồn cung 9 tháng có 11.600 căn nhà, tăng 70,5% so với cùng kỳ 2021, nhưng số lượng nhà ở này cũng chỉ bằng khoảng 36% so với cùng kỳ năm 2017.
Thị trường bất động sản TP.HCM đã xuất hiện tình trạng "lệch pha cung - cầu", thiếu nguồn cung dự án dẫn đến rất thiếu nguồn cung nhà ở, nhất là nhà ở vừa túi tiền. Trong 9 tháng đầu năm 2022, TP.HCM có 21 dự án đủ điều kiện huy động vốn với tổng số 11.600 căn nhà, trong đó có 10.166 căn hộ chung cư chiếm 87,6% và 1.434 căn nhà thấp tầng chiếm 12,4% tổng số nhà ở đưa ra thị trường.
Nhà ở vừa túi tiền, nhà ở bình dân có giá dưới 2 tỷ đồng/căn (dưới 30 triệu đồng/m2) và nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu nhà ở cho đa số người yếu thế trong xã hội là người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp đô thị, góp phần đảm bảo an sinh xã hội về nhà ở. Trong đó, loại nhà ở bình dân năm 2020 chỉ có 163 căn hộ, chiếm 1%; năm 2021 và 09 tháng đầu năm 2022 không còn nhà ở bình dân (0%).
Đặc biệt, do quy định dự án phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà nhiều năm qua hoạt động chuyển nhượng dự án bất động sản tại TP.HCM tiếp tục bị "ách tắc". 9 tháng đầu năm 2022, TP.HCM chỉ 1 dự án được phép chuyển nhượng.
HoREA cũng cho rằng dù thị trường có dấu hiệu "giảm tốc", trầm lắng, giao dịch nhà đất sụt giảm trên dưới 50% nhưng giá nhà đất vẫn còn "neo giữ mức giá cao". Tuy vậy, do sử dụng đòn bẫy tài chính cao (50%-70%) mà sức chịu đựng có hạn, đến một thời điểm không chịu đựng nổi thì có thể đành phải "xả hàng", thậm chí chấp nhận "bán lỗ để cắt lỗ" để bảo tồn phần vốn còn lại.
Thị trường "lệch pha tín dụng"
Theo HoREA, hiện có tình trạng "lệch pha tín dụng" với các phân khúc và nhu cầu của thị trường. Cụ thể, tổng giá trị cần huy động vốn của các dự án nhà ở thương mại 9 tháng tại TP đã lên đến 103.780 tỉ đồng (tăng 654%), cao hơn 6,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái (15.880 tỉ đồng).
Trong khi đó, tổng giá trị cần huy động vốn của phân khúc nhà ở cao cấp 9 tháng chiếm khoảng 80,2%, trong đó ngân hàng thương mại thường cho vay 60-70%, điều này sẽ hút một lượng vốn tín dụng rất lớn khoảng 49.938 - 58.261 tỉ đồng vào phân khúc nhà ở cao cấp.
Đáng chú ý, giá trị căn nhà cao cấp thường cao gấp nhiều lần giá trị căn nhà vừa túi tiền nên dẫn đến tình trạng "lệch pha tín dụng" về phân khúc nhà ở cao cấp, trong khi 70% khách hàng đầu tư vào phân khúc này lại là nhà đầu tư thứ cấp, mua để cho thuê hoặc nhằm để bán lại.
Trên thực tế, giá nhà cao cấp có thể cao gấp hàng chục lần so với giá nhà vừa túi tiền.