Đại biểu Điểu Huỳnh Sang cho rằng yêu cầu hơn 6 triệu ôtô và 73 triệu xe máy trên cả nước phải lắp thiết bị giám sát hành trình là không khả thi và lãng phí.
"Yêu cầu lắp các thiết bị ghi hình ảnh người lái xe cũng vi phạm quyền riêng tư, quyền bảo vệ bí mật đời tư của công dân", Phó đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước Điểu Huỳnh Sang nói, khi góp ý vào dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, chiều 24/11.
Theo Điều 33 dự thảo luật, xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông phải có thiết bị giám sát hành trình; thiết bị thu thập dữ liệu, hình ảnh người lái xe, dữ liệu, hình ảnh bảo đảm an toàn hành trình theo quy định. Quy định này theo đại biểu Sang là khó bảo đảm khả thi.
"Tại nhiều quốc gia phát triển, người dân không phải lắp camera hành trình để chứng minh sự trong sạch. Thay vào đó, cơ quan chức năng phải chứng minh được chủ xe vi phạm giao thông thì mới có quyền xử phạt", bà nói.
Đại biểu Điểu Huỳnh Sang phát biểu chiều 24/11. Ảnh: Media Quốc hội
Nữ đại biểu cũng cho rằng các thiết bị lắp đặt vào xe phải được cấp phép trong khi số lượng phương tiện đang lưu thông quá lớn, cơ quan chức năng khó giám sát hết, chưa kể "lắp thiết bị là can thiệp vào hệ thống điện của xe, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn".
Theo đại biểu tỉnh Bình Phước, thu nhập của người dân còn thấp, nhất là vùng sâu. Họ mua được xe máy đã khó khăn, lại phải cõng thêm chi phí lắp camera hành trình là lãng phí. Với một số loại camera tích hợp phần mềm quản lý, lưu trữ dữ liệu thì người dùng có thể phải trả thêm chi phí hàng tháng.
"Cần xem xét lại nội dung này vì người dân vùng cao chỉ sử dụng phương tiện đi làm vườn, đi nương, rẫy thì liệu chính sách này có hiệu quả không? Không có quốc gia nào bắt xe máy lắp camera hành trình cả", bà nói, đề nghị Ban soạn thảo chỉ yêu cầu gắn camera hành trình với phương tiện kinh doanh vận tải; quy định cụ thể hơn về trung tâm dữ liệu để quản lý, sử dụng hiệu quả hình ảnh thu thập.
Đối với phương tiện cá nhân, "dự thảo nên điều chỉnh theo hướng khuyến khích người dân lắp thiết bị giám sát hành trình; nên tổ chức thí điểm và có lộ trình phù hợp".
Đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Phó đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng việc gắn thiết bị giám sát hành trình với phương tiện kinh doanh vận tải rất cần thiết. Dữ liệu từ các thiết bị giám sát hành trình giúp cơ quan chức năng xác định hành vi vi phạm của lái xe, của hành khách và các vi phạm về giao thông vận tải đường bộ.
Bên cạnh đó, dữ liệu khi chuyển về Trung tâm giám sát của cơ quan chức năng cũng phục vụ công tác bảo đảm an toàn trật tự giao thông, ngăn chặn, xử lý kịp thời hành vi nguy hiểm đến tính mạng của hành khách, người tham gia giao thông; đánh giá việc chấp hành pháp luật của doanh nghiệp và lái xe.
Tuy nhiên, bà Phúc có cùng quan điểm với đại biểu Sang, cho rằng "đối tượng áp dụng còn khá rộng". "Dự thảo quy định xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông" có thể hiểu là tất cả loại xe bao gồm cả xe cá nhân, không loại trừ xe thuộc các trường hợp có quy định riêng. Đề nghị cần cân nhắc tính phù hợp và thống nhất", đại biểu nói.
Đại biểu Huỳnh Thị Phúc. Ảnh: Media Quốc hội
Hồi tháng 9, đại diện Cục Cảnh sát giao thông giải thích, hiện nay nhiều chủ phương tiện cá nhân tự trang bị camera giám sát hành trình để ghi lại hình ảnh, sự cố xảy ra trên đường. Dựa trên thực tế này, Bộ Công an đề xuất ôtô cá nhân lắp camera giám sát hành trình.
"Tuy nhiên, đây không phải bắt buộc mà lực lượng chức năng chỉ khuyến khích người dân tự lắp camera hành trình trên ôtô cá nhân để bảo vệ mình trong các tình huống mất an toàn giao thông", đại diện Cục Cảnh sát giao thông nói.
Khi lắp camera hành trình, người điều khiển phương tiện có thể chứng minh được đúng, sai trong các tình huống bất ngờ xảy ra trên đường. Chủ xe cũng có thể lưu lại bằng chứng khi có kẻ gian xâm hại xe, cung cấp cho cơ quan chức năng xử lý, góp phần "bảo vệ sức khỏe, an toàn tính mạng của mình và người khác, đảm bảo trật tự an toàn giao thông".
"Cơ quan chức năng không thu thập dữ liệu của thiết bị giám sát hành trình, mà chỉ đề nghị người dân hợp tác, cung cấp khi xảy ra sự cố trên đường hoặc ghi nhận được sự cố của xe khác", đại diện Cục Cảnh sát giao thông nói.
Nghị định 47/2022 sửa đổi Nghị định 10/2020 về kinh doanh vận tải bằng ôtô quy định xe kinh doanh vận tải lần đầu phải lắp thiết bị giám sát hành trình có camera. Camera được lắp đặt phải có chức năng ghi, lưu trữ hình ảnh; hình ảnh từ camera lắp trên xe phải được truyền với tần suất truyền từ 12 đến 20 lần/giờ về đơn vị kinh doanh vận tải và cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
Dữ liệu phải được lưu trữ trong thời gian tối thiểu 72 giờ gần nhất; không được chỉnh sửa hoặc làm sai lệch trước, trong và sau khi truyền.
Hiện nay, chưa có văn bản nào quy định xe máy phải lắp thiết bị giám sát hành trình. Dự án Luật này dự kiến được Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp giữa năm 2024.
>>> Xem thêm:
Các bác thấy sao về vấn đề này?