Tin tức Thông tin sức khỏe
Trầm cảm nặng: Dấu hiệu và nguy cơ tự sát
21/06/2019
Bài viết được viết bởi ThS.BS Nguyễn Thành Long - Chuyên gia tư vấn tâm thần, Phòng khám tâm lý - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City
Xem đầy đủ
Trầm cảm gây ảnh hưởng lớn đến tinh thần cũng như sức khỏe của người bệnh và những người thân xung quanh. Nghiêm trọng hơn, bệnh nhân trầm cảm nặng có thể nghĩ quẩn và có nguy cơ tự sát.
1. Trầm cảm nặng
Bệnh trầm cảm được phân chia thành 3 mức độ:
- Trầm cảm nhẹ
- Trầm cảm vừa
- Trầm cảm nặng
Trong đó
trầm cảm nặng là giai đoạn khó chữa và nguy hiểm nhất, bệnh nhân có thể có ý định tự sát hoặc hành động tự sát, cần phải kiên trì điều trị.
Bệnh trầm cảm là nguyên nhân của hơn 50% trường hợp tự sát. Theo các thống kê, tuy nam giới ít bị trầm cảm hơn, nhưng khi rơi vào trầm cảm, xu hướng tự sát lại cao hơn.
Những bệnh nhân trầm cảm nguy cơ tự sát cao đa số ở hai nhóm chính:
- Nam giới, trên 50 tuổi, sống ở nông thôn.
- Nữ giới, trẻ tuổi, sống ở thành thị.
Ý đồ tự sát nhiều hơn khoảng 10 - 12 lần so với hành vi tự sát. Nguy cơ cao ở những người đã từng tự sát hoặc người cùng huyết thống từng tự sát, trầm cảm, nghiện rượu, cũng như ở những người sống cô lập với xã hội. Tự sát có thể đột ngột hoặc được chuẩn bị trước, âm thầm hoặc báo trước.
2. Dấu hiệu của trầm cảm nặng
Người bị trầm cảm nặng có 2 triệu chứng chính cốt lõi và hầu hết (hoặc tất cả) các triệu chứng liên quan của bệnh trầm cảm và có thể có thêm một số dấu hiệu khác.
2 triệu chứng chính
- Tâm trạng buồn bã, có hoặc không kèm theo triệu chứng hay khóc, bi quan trước mọi việc.
- Không có động lực, giảm hứng thú trong mọi việc, kể cả những hoạt động nằm trong sở thích trước đây.
7 triệu chứng liên quan
- Rối loạn giấc ngủ
- Thay đổi khẩu vị
- Chuyển động chậm chạp hoặc dễ bị kích động
- Cảm giác tội lỗi, thất vọng về bản thân.
- Mệt mỏi.
- Khó khăn trong việc tập trung hoặc giải quyết các vấn đề đơn giản hàng ngày.
- Suy nghĩ về cái chết hoặc có ý định tự tử.
Dấu hiệu khác
- Ở giai đoạn này người bệnh thậm chí không thể thực hiện các hoạt động sơ đẳng nhất trong sinh hoạt hàng ngày.
- Một số trường hợp còn mắc thêm các chứng bệnh hoang tưởng, bệnh ảo giác.
Đánh giá các triệu chứng của một giai đoạn trầm cảm chủ yếu là rất khó khi bệnh nhân có một bệnh lý khác (ung thư, nhồi máu cơ tim, đái đường,.... Ví dụ: trong bệnh đái đường bệnh nhân luôn mệt mỏi, sút cân. Các triệu chứng này là hậu quả tất yếu của bệnh đái đường, vì thế không được tính là triệu chứng trầm cảm.
Tâm trạng buồn bã, rối loạn giấc ngủ là những biểu hiện thường gặp ở bệnh nhân trầm cảm
3. Nguyên nhân gây ra trầm cảm nặng
- Trầm cảm vừa và nhẹ, nếu không được điều trị kịp thời có nguy cơ phát triển thành trầm cảm nặng. Đây là nguyên nhân chính và trực tiếp nhất.
- Yếu tố di truyền: Nếu bố mẹ mắc bệnh trầm cảm thì nguy cơ mắc bệnh ở con cái cũng cao hơn người bình thường.
- Giới tính: Theo các nghiên cứu, tỷ lệ phụ nữ mắc bệnh trầm cảm cao gấp 2 lần so với nam giới. Nguyên nhân là do phụ nữ thường phải gánh vác nhiều hơn như công việc xã hội, gia đình, áp lực dồn nén, con cái không có thời gian chia sẻ, cũng như thời gian chăm sóc bản thân,...
- Stress kéo dài: Căng thẳng và stress kéo dài sẽ làm mất cân bằng tâm lý, gặp phải sang chấn về tâm lí như mất người thân hay gặp phải những chuyện quá shock cũng là nguyên nhân gây ra căn bệnh này.
- Do ảnh hưởng bởi một số bệnh: Chấn thương sọ não, tai biến mạch máu não, u não, sa sút trí tuệ,...cũng dễ mắc bệnh trầm cảm.
- Mất ngủ thường xuyên: Khi đã bị bệnh trầm cảm đến giai đoạn nặng cần phải được điều trị bệnh để tránh những hậu quả xấu xảy ra.
4. Dấu hiệu và nguy cơ tự sát
Hầu hết bệnh nhân trầm cảm đều có ý nghĩ về cái chết
Hầu hết bệnh nhân trầm cảm chủ yếu đều có ý nghĩ về cái chết, nặng hơn là có ý định hoặc hành vi tự sát.
Lúc đầu bệnh nhân nghĩ rằng bệnh nặng thế này (mất ngủ, chán ăn, sút cân, mệt mỏi...) thì chết mất. Dần dần, bệnh nhân cho rằng chết đi cho đỡ đau khổ. Các ý nghĩ này biến thành niềm tin rằng những người xung quanh có thể sẽ khá hơn nếu bệnh nhân chết, từ đó dần dần hình thành ý nghĩ, hành vi tự sát. Khi phát hiện ra ý định tự sát ở bệnh nhân trầm cảm, buộc phải cho bệnh nhân điều trị nội trú trong các khoa tâm thần của bệnh viện.
Mật độ và cường độ của ý định tự sát có thể rất khác nhau. Một số
bệnh nhân tự sát ít nghiêm trọng có thể ý định tự sát mới chỉ ập đến (chỉ 1 - 2 phút trước đó) mà trước đó bệnh nhân chưa hề nghĩ đến cái chết. Trường hợp nặng hơn, ý nghĩ tự sát tái diễn (1 hoặc 2 lần/tuần), họ có thể cân nhắc kỹ càng trước khi hành động.
Bệnh nhân có ý định tự sát có thể chuẩn bị vật chất (vũ khí, dao, dây thừng, chất độc, thuốc an thần, thuốc ngủ, thuốc trừ sâu, thuốc diệt chuột,...) để sử dụng cho hành vi tự sát, địa điểm và thời gian mà họ chỉ có một mình để tự sát thành công.
Một số bệnh nhân có thể lập kế hoạch thực tế kỹ càng để đảm bảo tự sát sẽ kết thúc bằng cái chết. Có nhiều bệnh nhân thậm chí còn viết thư tuyệt mệnh, thông báo cho bạn bè hoặc người thân về ý định tự sát của họ. Các hành vi này phối hợp với hành vi tự sát được sử dụng để xác định các bệnh nhân có nguy cơ tự sát cao nhằm có biện pháp xử lý.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng không thể dự đoán một cách chính xác được bệnh nhân trầm cảm có cố gắng tự sát hay không và khi nào tự sát.
Động cơ tự sát của bệnh nhân là mong muốn cao độ chấm dứt một trạng thái cảm xúc đau khổ, sự tra tấn đang hành hạ cơ thể bệnh nhân trầm cảm. Về mặt lâm sàng, các bệnh nhân trầm cảm có hành vi tự sát và không có hành vi tự sát có triệu chứng giống hệt nhau. Điểm duy nhất khác biệt ở 2 nhóm bệnh nhân này là những bệnh nhân có ý định tự sát thường có các hành vi tự sát trong tiền sử.
Việc hỗ trợ điều trị bệnh trầm cảm nặng cần thời gian và kết hợp với rất nhiều các phương pháp như dùng thuốc, liệu pháp tâm lý, vận động, chế độ ăn uống.
Bệnh nhân trầm cảm cần được hỗ trợ từ bác sĩ tâm lý
Nguy cơ tự sát cao nhất ở bệnh nhân trầm cảm nặng, nhưng hoàn toàn có thể gặp ở bệnh nhân bị trầm cảm ở mức độ nhẹ hoặc vừa. Hơn nữa, bệnh nhân trầm cảm nặng có nguy cơ tự sát thường là do trầm cảm ở thể nhẹ hơn, có nhiều dấu hiệu bệnh nhưng lại không được điều trị kịp thời.
Do đó, nếu bệnh nhân có biểu hiện của bệnh trầm cảm, cần đưa người bệnh đi khám ngay để xác định được mức độ bệnh cũng như phương án xử lý. Các chuyên gia tâm lý, tâm thần sẽ sử dụng nhiều biện pháp đánh giá trắc nghiệm tâm lý, liệu pháp tâm lý kết hợp với một số xét nghiệm cận lâm sàng.
XEM THÊM:
Xem đầy đủ
Bài viết này được viết cho người đọc tại Hà Nội.
TRÍCH NGUỒN :
https://www.vinmec.com/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/tram-cam-nang-dau-hieu-va-nguy-co-tu-sat/