Tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, bên cạnh những phương tiện cơ giới chiến đấu hầm hố, nổi bật lên trong khu trưng bày hiện vật kháng chiến chống Mỹ trong nhà là một chiếc ô tô Renault Juvaquatre.
Vậy điều gì khiến một chiếc ô tô không có gì nổi bật được đặt ở vị trí trang trọng như vậy? Juvaquatre là nhân chứng lịch sử trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968, chiến sĩ biệt động Nguyễn Tấn Miêng đã dùng chiếc xe này để chở các chiến sĩ quân giải phóng từ Ấp Mới, Gò Vấp vào đánh Bộ Tổng tham mưu Quân đội Sài Gòn.
Juvaquatre lần đầu tiên được giới thiệu tải triển lãm Paris Motor năm 1937, Juvaquatre là chiếc xe được Renault thiết kế hướng tới việc tạo ra lớp khách hàng tiêu dùng mới có mức thu nhập thấp hơn.
Chiến sĩ biệt động Sài Gòn Renault Juvaquatre
Juvaquatre được cho là chịu nhiều ảnh hưởng bởi chiếc xe Opel Olympia của người Đức mà Louis Renault – người thiết kế Juvaquatre có dịp quan sát trong chuyến thăm Berlin năm 1935.
Những chiếc Juvaquatre 2 cửa Sedan/Salon đầu tiên đến tay người dùng năm 1938. Tới năm 1939, Renault đưa thêm ra thị trường phiên bản Juvaquatre 4 cửa để cạnh tranh với các dòng Peugeot và Simca.
Đuôi xe Juvaquatre, có thể thấy các cụm chi tiết đèn đều đã không còn nguyên vẹn
Renault Juvaquatre có chiều dài 3,720m, các phiên bản được trang bị ba kiểu động cơ xăng 4 thì 845 cc 5CV, 747 cc 4CV và 1003 cc6CV, hộp số 3 cấp.
Không may cho Juvaquatre, thời điểm nó ra đời đúng vào những năm tình hình thế giới cực kỳ căng thẳng. Năm 1939, Đức tấn công Ba Lan, mở màn cho cuộc đại chiến thế giới lần thứ hai. Chỉ vài ngày sau, Pháp – Anh lần lượt tuyên bố chiến tranh với phát xít Đức.
Bước vào chiến tranh, tỉ lệ sản xuất Juvaquatre giảm đáng kể nhưng nó vẫn cao hơn so với một số hãng xe Châu Âu đã gần như hoàn toàn chuyển sang sản xuất thiết bị quân sự.
Năm 1940, nước Pháp thất thủ, thủ đô Paris nằm dưới gót giày quân phát xít, lúc này Renault chỉ còn sản xuất nhỏ giọt Juvaquatre. Trong năm 1941 chỉ có vài trăm xe được xuất xưởng, trong các năm 1942-1943, số lương Juvaquatre sản xuất chủ yếu đáp ứng cho lực lượng chiếm đóng và dùng cho chính phủ bù nhìn Pháp.
Buồng lái chiếc Juvaquatre, chiếc xe đã bị tàn phá nặng nề bởi thời gian, thậm chí cửa xe còn không thể đóng được mà phải buộc sợi dây vào vô lăng
Đại chiến thế giới lần thứ 2 kết thúc năm 1945, dây chuyền sản xuất Juvaquatre nhanh chóng khôi phục trở lại từ năm 1946, lúc này Renault thuộc quyền điều khiển của chính phủ Pháp.
Tuy nhiên, Juvaquatre tiếp tục không gặp may, khi nhà máy Renault Billancourt chuyển sang đầu tư sản xuất hàng loại loại xe mới Renault 4CV – chiếc xe đã trở thành mẫu ô tô bán chạy nhất nước Pháp thời điểm đó. Còn công việc sản xuất Juvaquatre đã ngừng lại năm 1948.
Dù vậy, phiên bản Juvaquatre 4 cửa Saloon/Sedan được sản xuất lại tại nhà máy mới của Renault ở Flinx, dây chuyển hoạt động tới tháng 11/1952 thì ngừng hẳn.
Một phiên bản khác là Juvaquatre kiểu station wagon sản xuất từ 1950-1953 tới tận năm 1960 thì chính thức dừng hoàn toàn. Lịch sử dòng xe gia đình Juvaquatre kết thúc tại đây.
Một chiếc Juvaquatre trên đường phố Sài Gòn trước năm 1975.
Đáng lý, Juvaquatre có thể trở thành dòng xe bán chạy của nước Pháp nếu như nó không ra đời đúng vào thời điểm thế giới chuẩn bước vào cuộc chiến tranh đẫm máu nhất của thế kỷ 20, cướp đi sinh mạng của 60 triệu người, làm nền kinh tế của những cường quốc Châu Âu Anh – Pháp – Liên Xô bị tàn phá nặng nề.
Trở lại Việt Nam, không rõ thời điểm những chiếc Juvaquatre đầu tiên xuất hiện vào khi nào. Nhưng Renault Juvaquatre đã sử dụng phổ biến ở miền Nam Việt Nam trước năm 1975.
Và một trong số chúng (có thể là nhiều hơn) đã được chiến sĩ biệt động sử dụng đưa quân giải phóng xâm nhập thành phố, đánh cho lính Sài Gòn – lính Mỹ thua liểng xiểng, để rồi năm 1973 toàn bộ quân Mỹ cuốn gói rời khỏi Việt Nam. Tháng 4/1975, tới lượt chế độ Sài Gòn sụp đổ theo, đất nước Việt Nam sau 21 chia cắt đã hoàn toàn thống nhất.