Có rất nhiều mẫu mô tô địa hình hạng nặng tại Việt Nam nhưng BMW R1250 GS và mẫu R1200 GS trước đây vẫn luôn được cộng đồng người chơi xe tin dùng.
Thị trường mô tô Adventure ở Việt Nam cũng như thế giới chứng kiến sự thay đổi lớn khi có thêm gương mặt mới Harley-Davidson Pan America. Sự hiện diện của mẫu xe Mỹ trong phân khúc vốn hội tụ nhiều tên tuổi lớn, lâu năm tăng thêm tính cạnh tranh và lựa chọn cho người chơi.
Tuy thế, BMW R1250 GS vẫn luôn là lựa chọn tốt nhất của đông đảo người chơi xe ở Việt Nam khi chinh phục những hành trình dài hàng nghìn kilomet.
Ưu thế giá bán
BMW R1200 GS là mẫu xe mở ra phân khúc mô tô Adventure hạng nặng đầu tiên ở Việt Nam. Xe được nhập về từ năm 2013 thông qua các đại lý tư nhân với mức giá hơn 800 triệu đồng. Tại thời điểm đó, người dùng Việt Nam không có nhiều lựa chọn khi tìm một mẫu mô tô đa địa hình có đặc tính ổn định, bền bỉ trong hành trình hàng nghìn kilomet.
Không có khác biệt giữa R1200 GS nhập khẩu từ Thái Lan và Đức.
Đến năm 2015 Euro Auto bắt đầu phân phối chính hãng mẫu R1200 GS và GS Adventure với giá bán lần lượt 719 triệu đồng và 778 triệu đồng. Mức giá này cho thấy ưu thế giá bán vượt trội giữa xe phân phối chính hãng và không chính hãng.
Tuy nhiên do nhập khẩu nguyên chiếc từ Đức nên 719 triệu đồng vẫn là mức giá cao. Bù lại tâm lý khách hàng yên tâm hơn về chất lượng xe.
Xe nhập Thái có giá bán thấp hơn rất nhiều so với xe nhập Đức mà chất lượng tương đương.
Năm 2018, BMW tiến thêm một bước gần hơn với khách Việt khi đưa R1200 GS nhập khẩu từ Thái Lan, thay vì Đức trước kia. Đặc biệt, chất lượng xe nhập Thái không hề thua kém xe nhập Đức. Hơn nữa, xe nhập Thái còn có giá bán tốt hơn nhiều so với trước. Cụ thể, mẫu R1200 GS có giá bán 599 triệu đồng, phiên bản GSA có giá 619 triệu đồng. Mức chênh lệch so với xe nhập Đức tới hơn 100 triệu đồng.
BMW R1250 và R1200 GS có một cộng đồng người chơi ở Việt Nam vô cùng đông đảo.
Với mẫu R1250 GS 2019, BMW vẫn duy trì nguồn gốc nhập khẩu Thái Lan nhưng giá bán tăng lên 629 triệu đồng. So sánh với các đối thủ có giá bán cao do nhập khẩu từ châu Âu, Mỹ như Ducati Multistrada, KTM Super Adventure 1290, Harley-Davidson Pan America mẫu xe của BMW lại càng hấp dẫn các tay chơi Việt. Một lần nữa phân khúc xe Adventure hạng nặng tại Việt Nam trở thành sân chơi của riêng BMW R1250 GS.
Đặc tính riêng biệt
Có 3 điểm chung dễ nhận thấy nhất ở các đời xe BMW R1200 GS đó là giảm xóc tay đòn xa (Telelever), cụm đèn pha bất đối xứng và động cơ Boxer.
Không chỉ có công dụng chiếu sáng, cụm đèn pha bất đối xứng còn là đặc điểm dễ nhận diện nhất ở BMW R1200 GS. Kiểu dáng đèn này được BMW ứng dụng lần đầu vào mẫu R1200 GS đời 2004.
Cho đến nay công nghệ chiếu sáng thay đổi và một số mẫu xe khác đã đổi thiết kế đèn pha như S1000RR hoặc F900R nhưng BMW vẫn kiên trì theo đuổi kiểu dáng đèn pha bất đối xứng ở R1200 GS trước kia và R1250 GS hiện nay. Trong dải sản phẩm mô tô của BMW, R1250 GS là mẫu xe duy nhất sở hữu cấu hình đèn pha bất đối xứng này.
Đèn pha ở R1250 GS là điểm độc đáo không lẫn vào đâu được.
Một nét đặc trưng độc đáo ở BMW R1250 GS chính là hệ thống giảm xóc tay đòn xa (Telelever). Đa phần các mô tô từ phổ thông cho đến các dòng xe hiện đại, tập trung nhiều công nghệ đều được lắp giảm xóc trước dạng ống lồng (Telescopic) hoặc giảm xóc hành trình ngược (Up Side Down). Tuy nhiên, riêng BMW trang bị cho giảm xóc trước một cánh tay đòn chữ A kèm lò xo giảm chấn.
Cách bố trí này giúp truyền lực tác động khi phanh hoặc lực từ mặt đường lên phần chịu lực khác trên khung xe thay vì chảng ba như trên các xe truyền thống. Ngoài ra, trọng lượng đầu xe cũng giảm xuống. Thực tế, telelever xuất phát từ nước Anh với ý tưởng ban đầu là kết hợp hệ thống giảm xóc ống lồng với một chảng ba riêng biệt là trung gian cùng một lò xo trụ giảm chấn.
BMW R1250 GS có nhiều phiên bản với các chiều cao yên khác nhau.
Động cơ Boxer với hai xy-lanh nằm ngang luôn là chi tiết nổi bật, dễ nhận biết nhất trên một chiếc R1250 GS. Sang phiên bản R1250 GS, động cơ Boxer này được trang bị thêm công nghệ Cam biến thiên shiftcam. Công nghệ này gồm một trục cam được thiết kế với 2 cặp cò, và điều khiển bằng điện, động cơ mới có thể tự chuyển đổi giữa 1 trong 2 cặp cò này vào tùy chỉnh của bướm ga. Khi bướm ga mở nhỏ, cặp cò ngắn hơn sẽ được kích hoạt, giới hạn độ mở của các xú-páp.
Động cơ Boxer, "đặc sản" của BMW.
Nếu bướm ga mở to, chiếc xe sẽ tự động chuyển sang cặp cò còn lại, mở hết hành trình của các xú-páp giúp xe đạt sức mạnh lớn nhất. Công suất máy trên R1250 GS đạt 143 mã lực, mô-men xoắn 136 Nm trong khi ở bản R1200 GS trước kia, công suất chỉ là 125 mã lực và mô-men xoắn 125 Nm. Ngoài ra, cam biến thiên còn giúp R1250 GS đạt mức tiêu thụ nhiên liệu và hàm lượng khí thải thấp hơn thế hệ động cơ trước đó.
Với những điểm mới hiện đại, liệu các bác có sẵn sàng bỏ ra hơn 600 triệu đồng sở hữu BMW R1250 GS?