Các chuyên gia bất động sản cho rằng đánh thuế căn hộ sẽ tác động đến tâm lý khách hàng, nhà đầu tư nên cần có đánh giá lại một cách toàn diện. Đồng thời, việc đánh thuế nên xác định theo tổng giá trị tài sản sẽ phù hợp hơn, thay vì tính theo mức giá 1m2.
Đề xuất đánh thuế căn hộ
Bộ Tài chính vừa đề xuất thực hiện điều tiết cao đối với căn hộ chung cư có mức giá trên 50 triệu đồng/m2, nhằm góp phần đảm bảo công bằng trong điều tiết thu nhập dân cư.
Theo đó, Tại đề xuất ban hành Luật Thuế bất động sản đang được Bộ Tư pháp tổng hợp lấy ý kiến, cơ quan có thẩm quyền đã đề nghị đánh thuế cao đối với căn hộ chung cư giá trên 50 triệu đồng/m2. Đồng thời tách riêng đất ở và nhà ở để đánh thuế bất động sản.
Cụ thể, Bộ Tài chính đề xuất giá tính thuế là giá theo hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất, hợp đồng mua, bán nhà hoặc giá theo bảng giá của UBND cấp tỉnh ban hành, được xác định bao gồm cả giá trị đất và giá trị nhà chung cư.
Về thuế suất, với nhà chung cư, giá tính thuế được xác định bao gồm giá trị đất và giá trị nhà. Theo đó, để đảm bảo công bằng với đất ở, nhà ở riêng lẻ, đề nghị quy định mức thuế suất đối với nhà chung cư được áp dụng từ giá trị đầu tiên, nhưng mức thuế suất sẽ thấp hơn đối với đất.
Đề xuất trên được khảo sát trên báo , ngay lập tức đã nhận được nhiều ý kiến không đồng tình. Có ý kiến cho rằng, giá thì không cố định, hôm nay thấp hơn 50 triệu đồng/m2, ngày mai cao hơn, ngày mốt lại thấp hơn rồi tính thuế thế nào?
Đối với đất, Bộ Tài chính đề nghị nâng mức thuế suất (đánh thuế trên toàn bộ diện tích đất ở). Để tránh tác động lớn đến người dân và doanh nghiệp, cần thiết nghiên cứu mức thuế suất và lộ trình tăng thuế suất phù hợp. Đối với nhà, giá tính thuế được xác định bằng diện tích nhà tính thuế nhân (x) với giá của 1 m2. Khi thực hiện đánh thuế sẽ loại bỏ các loại nhà ở có mức đầu tư thấp (nhà tạm, nhà thiếu kiên cố, nhà bán kiên cố...) để tránh gây gánh nặng thuế đối với đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, hoặc nhà chất lượng thấp.
Về thuế suất, để đảm bảo công bằng với đất ở, nhà ở riêng lẻ, Bộ Tài chính đề nghị quy định mức thuế suất nhà chung cư được áp dụng từ giá trị đầu tiên, nhưng mức thuế suất sẽ thấp hơn đối với đất.
Bộ Tài chính lý giải, hầu hết các quốc gia đều đánh thuế trong quá trình sử dụng đối với đất, nhà, công trình xây dựng (gọi chung là nhà), chỉ một vài quốc gia chỉ đánh thuế đất, trong đó có Việt Nam. Đánh thuế đối với nhà nhằm khuyến khích sử dụng đất, nhà có hiệu quả, góp phần hạn chế đầu cơ, minh bạch thị trường bất động sản, tăng thu ngân sách… Bộ Tài chính cũng đề nghị không đánh thuế đối với phần giá trị nhà ở dưới ngưỡng. Riêng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân sẽ thuộc đối tượng miễn thuế.
Lo ngại giá nhà tăng và mất thanh khoản
Liên quan về giá căn hộ chung cư cao cấp, trong báo cáo thị trường bất động sản mới đây, Bộ Xây dựng cho biết, Hà Nội và TPHCM có nhiều dự án mới được chào bán với mức giá cao.
Cụ thể, dự án Moonlight 1 - An Lạc Green Symphony (Hoài Đức, Hà Nội) có mức giá khởi điểm từ 50 triệu đồng/m2; dự án căn hộ chung cư Celadon City (Tân Phú, TPHCM) có giá khoảng 80 triệu đồng/m2; dự án Masteri Thảo Điền (Quận 2, TPHCM) có giá khoảng 57,25 triệu đồng/m2; dự án Empire City Thủ Thiêm (Quận 2, TPHCM) có giá khoảng 105 - 221 triệu đồng/m2.
Ở góc nhìn chuyên gia, ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam - bày tỏ quan điểm đồng tình, bởi nhiều nước trên thế giới đã áp dụng đánh thuế nhà đất cao. Tuy nhiên, ở Việt Nam cần cân nhắc tới việc đánh thuế thế nào cho hợp lý, bởi đang có quá nhiều loại thuế và chi phí khiến giá nhà ở quá cao.
Theo ông Đính, mục tiêu của đánh thuế cao với căn hộ trên 50 triệu đồng/m2 để hạn chế số lượng nhà ở cao cấp, giúp phân bổ hợp lý các dòng sản phẩm từ thấp cấp đến cao cấp. Nhưng nếu đánh thuế mà lại làm giá nhà tăng cao hơn nữa, cuối cùng người tiêu dùng phải gánh hậu quả. Cùng với đó, việc đánh thuế được áp dụng sẽ tăng thêm khó khăn cho các chủ đầu tư trong khi giỏ hàng bất động sản đang quá nhiều sản phẩm cao cấp.
Do đó, việc đánh thuế cao với căn hộ trên 50 triệu đồng/m2 cần tính toán tới yếu tố thời điểm. Bởi thị trường bất động sản đang có rất nhiều khó khăn, doanh nghiệp làm nhà ở xã hội không tham gia được vì có nhiều điểm nghẽn, còn nhà ở thương mại thì không bán được hàng.
"Hiện nay, doanh nghiệp làm nhà ở xã hội, nhà ở công nhân thì gặp khó khăn về pháp lý. Còn làm nhà ở thương mại cao cấp mà đánh thuế cao sẽ làm khó khăn cho doanh nghiệp vì không bán được hàng nhưng bị đội thêm chi phí khiến giá tiếp tục tăng", ông Đính nói.
Cũng theo ông Đính, nếu các căn hộ cao cấp chỉ bị đánh thuế không quá cao sẽ không ảnh hưởng lớn tới nhu cầu của thị trường nhưng nếu bị đánh cao sẽ khiến giá nhà trên 50 triệu đồng/m2 tiếp tục tăng cao và nhu cầu xuống thấp.
"Theo tôi, trước khi làm điều này cần có những giải pháp cụ thể, tháo gỡ khó khăn trong thủ tục xây dựng nhà ở xã hội giúp thu hút chủ đầu tư quay trở lại phân khúc này. Khi đó mới tính toán tới việc đánh thuế căn hộ cao cấp", ông Đính nhấn mạnh.
Từng chia sẻ về vấn đề này, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) - cho rằng, khi đánh thuế cần chú ý tài sản đang được sử dụng. Với những người có nhiều nhà nhưng đã đưa vào cho thuê kinh doanh thì không nên thuế chồng thuế do họ đã chịu thuế kinh doanh cho thuê.