Hạng D
19/6/10
1.139
395
113
Bơ vơ trong chiều Đông

Hình tôi chụp cây cột đèn đứng bơ vơ trong bãi đậu xe ở một siêu thị rộng lớn bao la. Thường thì cuối tuần tôi mới đi mua thức ăn một lần ở cái siêu thị được cho là chỉ quan tâm thứ gì mình cần chứ không cần quan tâm đến giá, vì nó rẻ đến mức không thể nào rẻ hơn được.

Hôm đó sau khi chất hàng hóa đầy vô cốp sau xe và trả xe đẩy hàng vào chổ của nó ngay bãi xe, ngồi vô xe tôi không đi ngay mà mở nhạc để nghe bài “Souvenir d'enfance” do danh cầm người Pháp Richard Clayderman trình diễn. Nhắm mắt lại tôi thả lòng để từng nốt nhạc thánh thót, ngọt ngào rót mật vào lòng. Những kỷ niệm vui buồn, cực khổ và cay đắng thời tuổi thơ cứ lần lượt hiện về như những thước phim không lời nhẹ nhàng và êm ái . Đây là bài mà tôi và mấy thằng bạn hồi nhỏ hay yêu cầu trong chương trình nghe nhạc theo yêu cầu của đài phát thanh vào tám giờ sáng ngày chúa nhật hàng tuần ở VN. Lý do để tôi nghe lại bản hòa tấu là do khi ở trong siêu thị tôi đã vô kho sữa để chọn mua. Do siêu thị quá lớn nên sữa tươi, bơ, phô mai và các sản phẩm từ sữa không để trong những tủ kiếng làm lạnh như ở những siêu thị khác mà để trong một kho lạnh, nằm trên những kệ với chiều cao hơn hai lần chiều cao của người lớn. Để vô đó phải áo có nón trùm đầu tôi mới chịu được. Khom người xuống chọn hai thùng sữa tươi chứa tám lít sữa với giá năm đồng bạc Mỹ trong một kho lạnh với những kệ chứa đầy các loại sữa làm tôi chạnh lòng nhớ đến hai đứa bạn năm nao ở quê nhà.

Hồi đó trong những năm tháng đói khổ sau biến cố và kéo dài trong thập niên tám mươi. Sữa là một thứ gì đó rất quí hiếm và đôi khi xuất hiện trong giấc mơ đối với chúng tôi. Chỉ có em bé chưa biết đi mới được uống sữa, nhiều nhà nghèo ở quê em bé còn phải uống thêm nước cơm chắt pha với đường chảy. Anh em thằng bạn tôi là thằng T. và con H. hồi đó nhiều khi tụi nó mong cho lâu, lâu được bệnh để được người lớn mua sữa cho uống.
Hè năm đó tôi về quê thằng T. chơi. Đang bắn bi với mấy thằng bạn thì thằng T. quay lại với vừa thở hổn hểnh vừa nói:

- Ê, nghỉ chơi. Đi ra quán bà Hai mua sữa với tao, con H. nó bị bệnh rồi.

Đến bây giờ dù ở trên đất Mỹ tôi vẫn không quên cái quán của bà Hai. Nói là quán nghe nó oai vậy chớ nó là một cái chòi lá do con trai lớn bà Hai cất thêm phía trước nhà, sát mé sông để người đi bộ hay ghe xuồng đều có thể mua hàng của bà. Trong chòi ngoài cái kệ đóng bằng nẹp tre bày hàng để bán chỉ có thêm một cái võng bà Hai hay nằm nghỉ trưa và tấm bản bằng tôn cũ, trên đó ghi gần như đầy đủ bằng phấn học trò tên của những người xóm trong, mua thiếu chịu bà Hai để đến mùa làm lúa thì trả. Sau này ở SG tôi cũng nhớ đến quán bà Hai khi thấy mấy tấm bảng ghi kết quả sổ xố kiến thiết dựng ở những bàn bán vé số ven vỉa hè đường phía trước sở thú
Mãi về sau này tôi mới biết, hồi đó con H. nó rất thương thằng anh của nó, nên đôi khi chỉ hơi mệt nó cũng nói là bệnh để má nó mua sữa cho uống để thằng T. lén uống ké. Lần đó tôi và thằng T. đang chơi bên nhà ông nội nó thì con H. từ bên nhà chạy qua với nét mặt sợ hãi:

- Chết rồi, anh Hai ơi về lẹ đi ba đánh anh đó.

Thằng T. nghe em nó nói liền đứng dậy phủi quần áo dính đầy bụi đất líu ríu cùng con H. chạy về bên nhà. Tôi không còn lòng dạ nào chơi tiếp với mấy đứa lối xóm của thằng T. nên ngồi lên thềm nhà nghe ngóng để chờ tiếng khóc của con H. Giống như được lập trình tự động hể ba thằng T. đánh nó nhiều chừng nào thì con H. gào thét, khóc dữ chừng nấy. Có lẽ vì vậy mà có lần con H. nó giấu cây roi của ba nó, làm lần đó thằng T. bị đòn muốn nát đít vì ba nó không chịu tin là con H. giấu.
Ngồi lắng tai nghe mà không thấy tiếng con H. khóc mà chỉ có tiếng la hét rất dữ của ba thằng T. Đang thắc mắc không biết chuyện gì đã xảy ra thì thằng T. thất thểu từ bên nhà nó đi qua với nét mặt buồn xo hơn là sợ như mọi lần:

- Tao làm đổ hết chơn lon sữa của con H. rồi.
- Rồi mầy có bị đòn không?
- Mầy có thấy con H. có khóc hong?

Thằng T. nó không trả lời mà hỏi ngược lại tôi. Tôi xuống giọng hỏi nó:

- Vậy là sao T.?
- Ba tao cho thiếu năm roi.

Thằng T. chỉ nói bấy nhiêu rồi im lặng, tôi hỏi mãi nó mới chịu kể lại sự việc.
Hồi đó ở quê không có sữa bột hay sữa tươi nhiều dinh dưỡng như thời nay. Sữa mà anh em thằng T. được má nó cho uống là sữa đặc có đường hiệu ông thọ, đựng trong cái lon thiếc. Khi mua về người ta hay dùng dao lớn có mũi nhọn đâm hai cái lỗ và nạy lên để rót ra mỗi khi pha với nước sôi. Thằng T. hôm đó chơi bắn bi với tôi mà thỉnh thoảng nó chạy về bên nhà mở tủ chén lén cầm hộp sữa đặc có đường kê lên miệng hút một cái để ăn vụn sữa của em nó. Mọi chuyện sẽ không có gì xảy ra nếu thằng T. không vì mê chơi mà quên nên để ngược cái lon sữa vô cái dĩa nhỏ có nước ngăn không cho kiến bò vô hộp. Hai cái lổ bấy giờ nằm xuống phía dưới do bị để ngược nên bao nhiêu sữa trong hộp chảy đầy ra dĩa nhỏ sau đó chảy tràn xuống dưới nền nhà bằng đất nện.
Lần đó tôi có trách nó:

- Sao mà mầy ẩu quá vậy T. ?

Nó trừng mắt nhìn tôi và nói như trút giận:

- Mày nói hay quá ha! Sữa gì đặc quẹo, tao hút muốn mớm xọm luôn mà nó còn hong muốn ra thì khi để nó có chảy ra liền đâu mà biết?!

Mà thiệt, sữa ông thọ thời đói khổ nó trộn bột hay trộn cái giống ôn gì vô mà nó đặc cứng chớ hông như sữa ông thọ mà tôi thường hay mua ở chợ Hòa Bình chuyên bán đồ VN ở Mỹ này…

Hồi đó còn nhỏ thấy ba thằng T. hay đánh đòn nó mà không bao giờ đánh con H. nên nghĩ là ba nó không thương nó. Sau này khi thằng T. trốn đi vượt biên bỏ lại ba má nó và con H. ở lại VN tôi mới biết lý do tại sao mà ba nó hay đánh nó dữ thần ôn vậy. Hồi đó đi vượt biên dù sống hay chết thì cũng đâu bao giờ biết tin liền. Do vậy sau khi thằng T. đi gần một tuần ba nó bệnh nằm nhà thương và tôi đã có đến thăm ông ấy. Ba nó nói là không giận khi nó trốn đi vượt biên. Mà thật ra nó không phải trốn mà không cho gia đình hay, hồi đó ban ngày nó đi học, khuya nó đi chèo đò dọc để đưa đón người đi buôn bán trên sông Hậu. Cái đêm hôm định mệnh của thằng T. nó được người ta mướn chở người xuống “ taxi “ để lên tàu lớn đi vượt biên. Biết được những người trên ghe của nó là những ai và họ đang muốn làm gì nên thằng T. đã đạp cho ghe nó trôi trên sông Hậu để theo những người đi vượt biên leo lên tàu nhỏ đổ người lên tàu lớn đậu chờ ở nơi bí mật nào đó. Ông nói hồi ông nội thằng T. mất, khi lau mình để khâm liệm, ông thấy tay chân ông nội thằng T. khi chết còn dính đầy bùn đất nên rất tủi thân. Từ đó ông hứa với lòng là bằng mọi giá phải lo cho hai anh em thằng T. được ăn học cho tới nơi tới chốn nên ông mới hay la rầy vì sợ thằng T. và em nó không thoát khỏi cái nghiệp làm ruộng, làm rẫy. Tội nghiệp con H. hôm đó nó ngồi ở góc phòng khóc rấm rức, còn tôi phải làm bộ chạy ra ngoài để giấu đi những giọt nước mắt…

Trở lại vô xe sau khi xếp lại hai bình sữa sau cốp vì sợ nó lật khi tôi chạy quẹo cua. Tôi lái xe về, trên đường tôi thầm nghĩ, không biết bây giờ bên Canada thằng T. và con bé H. có uống nhiều sữa như tôi không, chớ còn tôi thì uống sữa như thay nước. Mà nếu thật sự con người ta có thể tắm cho trắng da bằng sữa như trong chuyện cổ tích mà tôi và anh em thằng T. phải hít hà khi đọc hồi còn nhỏ thì tôi cũng dám lấy sữa tươi tắm cho thỏa cái sự thèm khát trong tiềm thức…
Bơ vơ trong chiều đông
 

Attachments