Những đứa trẻ bán báo, đánh giày trò chuyện với người nước ngoài tự tin hơn nhiều sinh viên.
Thầy giáo tiếng Anh Quang Nguyen chia sẻ về mục đích giao tiếp khi học tiếng Anh.
Suốt những năm ở Đại học Hà Nội, tôi có một sự ghen tị và ngưỡng mộ nghe có vẻ rất vô lý. Tôi thầm hâm mộ tiếng Anh của những đứa trẻ đánh giày và bán báo trên Hồ Gươm.
Quả là kỳ lạ phải không? Tôi được học trường tốt,với những
giáo viên bản ngữ xuất sắc, bạn bè đồng lứa toàn những người tài giỏi và cũng là một sinh viên “không đến nỗi nào”. Nhưng sự thật là, tôi khá tự ti giao tiếp với người nước ngoài, giống như những em bé bán báo kia.
So sánh giữa tôi và họ, rõ ràng là tôi có điều kiện hơn hẳn. Tôi nhiều từ mới hơn, nhiều ngữ pháp hơn, được rèn nghe nhiều hơn trong những bối cảnh phức tạp hơn. Nhưng điều đó không khỏa lấp được sự thực là tôi không giao tiếp tốt hơn các em bán hàng rong. Và tôi nói điều đó một cách chân thành.
Lý do thì vô số, nhưng một trong số đó là thái độ (attitude) trong giao tiếp. Ở trường học, tôi được dạy phải viết chính xác, nói chuẩn. Thế nên khi ra ngoài, chỉ cần nghe người bản địa nói là tôi đã nổi hết cả da gà. Tôi sợ! Tôi sợ vì sự khác biệt quá lớn trong cách nói của họ với mình. Họ luyến láy, lên xuống, nhấn nhá nối âm cứ như đang hát vậy. Tôi cố gắng “hát” giống họ, nhưng càng cố càng tự ti, nên lâu dần thấy nản, gặp Tây là... lảng.
Những đứa trẻ bán hàng rong thì không giống vậy. Với vốn tiếng Anh rất cơ bản, các em lại trò chuyện vô cùng hiệu quả. Lý do là mục tiêu của các em không phải để show một thứ tiếng Anh hoàn hảo, mà là để đánh được một đôi giày, bán được một tờ báo. Vì thế, các em cứ thấy "Tây" là đến mời chào, giới thiệu sản phẩm. Dần dần, tiếng Anh cải thiện nhiều, nghe hiểu cơ bản đều ổn, giao tiếp tốt.
Có người đã so sánh rất hay hai cách học tiếng Anh. Thứ nhất là học kiểu hàn lâm, giống như học piano. Sinh viên rất sợ mắc lỗi, và họ thấy quá trình để trở nên hoàn hảo của mình xa vời vợi. Cách tiếp cận thứ hai giống như chơi game, không cần biết người chơi mắc bao nhiêu lỗi, mục tiêu quan trọng nhất là qua bài.
Sự thực thì trò chuyện tiếng Anh giống với chơi game hơn là học đàn. Điểm thiết yếu nhất là bạn diễn đạt được ý tưởng của mình: “I student, you teacher. I learn you”. Sẽ không có chuyện gì quá lớn khi bạn viết “environment” thành “envirnmt”, miễn người đọc vẫn hiểu được ý của bạn. Và tốt nhất, người học ngoại ngữ nên có tinh thần của một game thủ hơn là một người học piano.
Đó là nguyên nhân tại sao khi dạy giao tiếp, một mặt tôi vẫn chỉ ra chỗ sai của học viên để họ cải thiện, mặt khác luôn nói với họ không cần quá để tâm vào những lỗi đó để tập trung vào việc nghe và hiểu trong giao tiếp.
Today Education - Cung cấp nguồn giáo viên nước ngoài