Chủ đề tương tự
Ngày đăng:
Một trong những giải pháp ngắn hạn, theo tôi, là cần điều chỉnh lại lượt đèn tín hiệu giao thông tại các ngã tư có lưu lượng xe lớn.
Hiện nay tại ngã tư (tạm đặt tên hai đường A và B), nếu bên đường A đèn xanh thì bên đường B đèn đỏ. Khi đó dòng xe trên đường A rẽ trái sẽ gây xung đột giao thông ngay chính trên tuyến đường A đó. Tình huống này cũng xảy ra tương tự với tuyến đường B. Hậu quả là lưu lượng xe tại giao lộ chậm được giải phóng, dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông.
Chúng ta điều chỉnh lại nhịp đèn giao thông: thay vì đèn xanh cho hai hướng trên một tuyến cùng lúc, điều chỉnh thành đèn xanh bằng nửa thời lượng vốn có và chỉ cho một hướng di chuyển. Như vậy một giao lộ sẽ có tổng cộng bốn pha, tạm gọi là A1, A2, B1, B2. Ví dụ trên tuyến đường A, thay vì đèn xanh bật 60 giây cho cả hai hướng (đông - nam chẳng hạn), điều chỉnh lại thành bật 30 giây và chỉ cho hướng đông sang nam (pha A1). Tiếp theo sẽ là 30 giây cho hướng ngược lại (pha A2). Tương tự với tuyến đường B (pha B1, B2). Nghĩa là chỉ bật một trong bốn pha và tuần tự theo cặp.
Với phương án này, xung đột giao thông sẽ bị triệt tiêu trong khi tổng thời lượng của đèn tín hiệu trên một tuyến không thay đổi. Khi ấy lượng xe trên một tuyến có cảm giác sẽ bị ùn tắc rất nhiều vì pha đèn chỉ có 30 giây/120 giây thay vì 60 giây/120 giây. Nhưng một khi đã không bị xung đột giao thông do hướng rẽ trái gây nên thì tốc độ lưu thông sẽ lớn hơn. Và phương án này, trong tương quan với phương án hiện tại, cũng loại trừ luôn yếu tố cự ly giữa các giao lộ.
Tôi đã có nhiều dịp quan sát giao lộ Nguyễn Tri Phương - Ba Tháng Hai (Q. 10, TP. HCM). Giao lộ này có lưu lượng xe rất lớn. Vào giờ cao điểm chiều tối 9-10, sáng 21-10-2009, khi xung đột giao thông bị đẩy lên cao đến mức cả hai tuyến đều bị tắc thì tổ cảnh sát giao thông tại đây đã thông luồng bằng cách này (trực tiếp điều khiển kết hợp với dùng đèn tín hiệu). Trong điều kiện đường sá như hiện nay thì giải pháp này là tiết kiệm nhất (vì chỉ tốn mỗi kinh phí không đáng kể cho việc điều chỉnh pha đèn) và cũng không gây phiền hà cho người tham gia giao thông so với việc bỏ đèn đỏ thay bằng thiết lập tiểu đảo (vì phương án này vẫn chưa triệt tiêu được xung đột giao thông).
Vấn đề vướng mắc còn lại có lẽ chỉ là thói quen của người tham gia giao thông. Nhưng điều này không khó. Họ sẽ sớm thích nghi. Bằng chứng là cách bố trí hệ thống đèn tín hiệu giao thông trên đại lộ Nguyễn Văn Linh, nếu muốn rẽ trái thì phải dừng đèn đỏ hai nhịp (một ở tuyến chính và một ở vị trí “con lươn” bị ngắt quãng). Cách bố trí phức tạp như thế mà người tham gia giao thông vẫn thích nghi được thì việc cùng tuyến nhưng một bên di chuyển, còn một bên đứng yên cũng không khó chấp nhận.
Cuối cùng, việc quyết định có áp dụng phương án này hay không và áp dụng vào từng giao lộ cụ thể nào thì còn cần tính đến yếu tố lưu lượng rẽ trái vốn là đặc điểm riêng biệt của từng giao lộ.
HỒNG NHẬT (TP.HCM)
Theo Tuổi Trẻ Online