Thiết kế là một công việc khó khăn, thiết kế lại một biểu tượng đã tồn tại hàng chục năm trời lại càng khó khăn hơn. Dù vậy, theo xu thế toàn cầu, các hãng xe đang lần lượt thay đổi bộ nhận diện của họ. Dễ thấy nhất chính là hàng loạt logo mới.
Nhưng logo nào đẹp, logo nào xấu, logo nào thay đổi nhiều, logo nào chỉ tinh chỉnh đôi chút? Hãy cùng tìm hiểu qua danh sách liệt kê dưới đây.
Aston Martin (2022)
Aston Martin với logo đôi cánh mang tính lịch sử và đầy khát vọng. Nó còn tượng trưng cho "cảm giác tự do thực sự”. Nhưng ở phiên bản mới, đôi cánh này đã được điều chỉnh lại với ít đường nét hơn và dòng chữ "Aston Martin" được viết rõ ràng hơn.
Audi (2022)
Vẫn là 4 hình tròn biểu trưng cho công ty từ 1969, thiết kế logo của Audi năm 2022 đã chỉnh lại theo xu hướng 2D. Theo đó, các cạnh nổi của vòng tròn cũng đã biến mất.
BMW (2021)
Logo vòng tròn BMW chẳng có nhiều thay đổi kể từ khi ra mắt vào năm 1917. Logo BMW gợi nhớ đến cánh quạt máy bay dù thiết kế gốc lấy cảm hứng từ cờ Bavaria
Nhưng hình dạng mới được chỉnh sửa vào năm 2021 được khen ngợi rất nhiều nhờ việc loại bỏ các mảng đen và bóng không cần thiết, đồng thời tạo nên một logo tươi sáng, trong suốt, phẳng và đậm chất tương lai hơn.
Buick (2022)
Loại bỏ hình tròn bao quanh và thay đổi gần như hoàn toàn các chi tiết ở bên trong, Buick sở hữu logo mới mẻ và đột phá hàng đầu trong danh sách này.
Cadillac (2021)
Logo Cadillac mất các mảng màu đỏ, xanh và vàng để thay bằng phong cách đen trắng thời trang. Hình dạng tổng thể không thay đổi, nhưng nhìn chung, nhà thiết kế đã làm phẳng biểu trưng để có hiệu ứng 2D thay vì tạo hiệu ứng nổi như cũ.
FCA / Stellantis (2020)
FCA là một câu chuyện hoàn toàn khác. Thương hiệu này không chỉ đổi logo mà còn đổi tên và cả định vị của mình. Stellantis là thương hiệu lớn, bao gồm cả FCA và PSA.
Yếu tố tương lai, công nghệ và các công ty vệ tinh của hãng được thể hiện ở vòm chữ A.
Citroen (2016)
Citroen đã đơn giản hóa biểu trưng của mình trong khi đồng thời khôi phục một số dấu hiệu lịch sử. Hai mũi tên hướng lên - với ít viền vát hơn. Tổng thể được đặt trong một huy hiệu hình oval gợi nhớ lại biểu trưng Citroen ban đầu từ năm 1919.
General Motors (2021)
GM đã cập nhật logo của họ vào năm 2021, loại bỏ các cạnh sắc và chữ viết theo kiểu khối cho thiết kế truyền thống hơn, hiện đại hơn.
Các cạnh màu xanh nhạt đại diện cho "bầu trời trong sạch" khi công ty tiếp tục thúc đẩy điện khí hóa. Logo mới với phần gạch ngang dưới chữ "m" còn nhấn mạnh vào nền tảng Ultium (hệ thống khung gầm mới của GM) và hệ pin tương lai.
Đi cùng bộ nhận diện thương hiệu mới là chiến dịch quảng bá với tên gọi "Everybody In" đã được triển khai trên diện rộng.
Mục đích của chiến dịch này là kêu gọi tất cả mọi người cùng hành động, hướng đến mục tiêu xe tự lái và tự tái tạo năng lượng. Theo đó, nó sẽ tạo ra một thế giới tương lai lý tưởng không có tai nạn gia thông, không có khí thải và không có kẹt xe.
Jaguar Land Rover / JLR (2023)
Các thương hiệu riêng lẻ Jaguar và Land Rover không thay đổi logo của mình (ít nhất là theo thông tin hiện có), tập đoàn mẹ thì đổi tên và cả thiết kế logo mới. \
Từ tên gọi trước đây là Jaguar Land Rover, hãng này đổi tên thành JLR, đơn giản và gọn gàng hơn.
Kế hoạch đổi tên đã được thực hiện từ tháng 4, đi kèm với kinh phí là 18,6 tỷ USD để tái định vị các thương hiệu của JLR. Kinh phí này không chỉ dùng để thay đổi tên và thiết kế logo mới, mà hãng sản xuất xe hơi người Anh còn dùng để cải tiến nhà máy và định hướng sản xuất xe điện với nền tảng mới cho Range Rover EV từ năm 2025.
Kia (2021)
Muốn làm mới mình, Kia không chỉ tập trung vào phát triển xe mà còn ban cho chúng bộ nhận diện mới - logo KIA hoàn toàn mới.
Công ty đã bỏ bớt hình oval lâu đời và cả màu đỏ cũ để chọn một ký hiệu mượt mà, hiện đại hơn.
Hãng xe Hàn chia sẻ:
"Đường nét nhịp nhàng, không đứt đoạn của logo mới truyền tải cam kết của Kia trong việc mang lại những khoảnh khắc đầy cảm hứng, đồng thời sự cân xứng của nó thể hiện sự tự tin. Những nét bay bổng của biểu tượng mới còn thể hiện tham vọng vươn lên của Kia đối với thương hiệu và quan trọng hơn là những gì hãng mang lại cho khách hàng."
Logo mới nói trên cũng sẽ giúp hãng xe Hàn rũ bỏ hình ảnh cũ là một thương hiệu xe giá rẻ và bình dân.
Lancia (2022)
Lancia, hãng sản xuất ô tô Ý trước đây nổi tiếng với các mẫu xe đua biểu tượng như Delta Integrale và O37, đang muốn quay lại đường đua ô tô thế giới bằng logo mới.
Một mẫu xe concept mới với logo Lancia mới đã ra mắt vào cuối năm ngoái, khởi đầu kỷ nguyên ô tô điện của thương hiệu này.
Lotus (2019)
Logo mới của Lotus chỉ như một phiên bản 2D cập nhật của logo cũ. Nó không khác biệt quá nhiều so với mẫu cũ nhưng logo mới trông gọn gàng, bắt mắt và nhẹ nhàng hơn.
Mini (2015)
Mini có thể xem làm hãng tiên phong, mở đường cho các hãng khác thay đổi logo trong thời đại mới. Logo của hãng thực tế đã được làm mới khá sớm từ năm 2015.
Logo cánh chim của Mini mất đi các cạnh bạc, thiết kế đơn màu, tối giản và hiện đại.
Nissan (2021)
Logo cũ của Nissan đơn giản và nhạt nhòa, nay đã được thay bằng biểu tượng mới thú vị hơn. Logo 2D mới là chữ viết tên đơn giản đi cùng 2 vòm bao quanh.
Peugeot (2021)
Logo mới nhất là logo thứ 11 của Peugeot kể từ khi ra mắt vào năm 1850 đến nay. Nếu như logo cũ là hình ảnh chú sư tử chồm lên dũng mãnh thì logo mới nhất của hãng xe Pháp tập trung vào phần đầu sư tử, để nhấn mạnh vào sự uy phong khi gầm.
Các đường viền xung quanh biểu trưng đã được gỡ bỏ, chuyển đổi nó từ một thiết kế tròn sang hình dạng tam giác cắt giữa.
Giám đốc thiết kế của Peugeot, Matthias Hossann, cho biết bộ nhận diện thương hiệu mới là cầu nối giữa lịch sử thương hiệu và tầm nhìn về tương lai của Peugeot.
Porsche (2023)
Porsche là hãng xe độc đáo hàng đầu trên thế giới. Trong thời đại mới, Porsche cũng thay đổi logo của mình nhưng không theo xu hướng thông thường. Nếu chỉ nhìn thoáng qua, có lẽ không thấy được sự thay đổi của Porsche.
Tập trung vào việc mang đến một biểu tượng mới đậm chất thể thao, Porsche đã tỉ mỉ khám phá và khai thác những đường nét sắc sảo và tối giản. Biểu trưng huyền thoại vẫn được giữ nguyên, nhưng giờ đây nó có chữ viết "Stuttgart" ở phần trên rõ hơn, các vết cắt dọc mới giống lưới ong và ít vết trét hơn trên các yếu tố đồng màu đồng. Thiết kế kết hợp cấu trúc tổ ong tinh tế, tượng trưng cho sự gắn kết và sự chắc chắn của thương hiệu.
Renault (2021)
Renault thực sự đơn giản hóa logo của họ ở lần thiết kế lại vào năm 2021. Tên Renault đã bị loại bỏ hoàn toàn và hình kim cương màu bạc giờ đây được thay thế bằng hai đường góc tạo thành hình dạng tương tự và khớp nối vào nhau.
Volkswagen (2019)
Logo mới của Volkswagen vẫn có thiết kế chữ V và W lồng ghép nhau, nhưng nó sẽ tạo hình kiểu 2D như xu hướng hiện nay. Xu hướng thiết kế hiện nay hướng tới yếu tố tối giản và 2D.
Thật ra, logo mới có phong cách giống với logo những năm 1960-1970. Chỉ khác là các ký tự V và W trông mỏng và hiện đại hơn.
Hãng xe Đức thay đổi logo của mình lần gần đây nhất vào năm 2012. Logo 2019 mới của VW không chỉ là bước chuẩn bị cho kỷ nguyên xe điện mà hãng sắp tiến tới, mà còn đồng thời làm phai nhạt bớt tai tiếng mà họ gặp phải do sự kiện Dieselgate.
Volvo (2021)
Đi theo con đường tối giản, Volvo đã lặng lẽ thay đổi logo của họ vào năm 2021. Logo mới trở nên phẳng hơn, sạch sẽ và đơn giản hơn so với biểu trưng màu bạc từ giữa những năm 2000. Thậm chí, công ty đã gỡ bỏ khung hình chữ nhật cho từ "Volvo".
Thiết kế này gọi là Iron Mark, một biểu tượng cổ xưa cho sắt. Ở logo mới, mũi tên và vòng tròn không được khép kín như logo cũ.
Xem thêm:
Các bác thích việc thay đổi logo ở hãng nào nhất?