</h1>Chỉ một hỏng hóc nhỏ cũng làm cho chuyến đi mất thú vị, như cần gạt nước không hoạt động, ắc-quy không đủ điện. Vì vậy cần bỏ ra chút công sức và thời gian để kiểm tra, giúp phần nào yên tâm khi lên đường.</h2>Trên xe có một số bộ phận có thể kiểm tra bằng mắt, còn những hệ thống khác như phanh, hệ thống treo lại cần tới gara chuyên nghiệp. Nên nhớ, an toàn là quan trọng nhất.
Kiểm tra xe trước chuyến đi.
Dầu máy
Nên đỗ xe trên nền đất bằng phẳng, cho máy chạy nóng rồi tắt máy. Đợi vài phút cho dầu chảy xuống hết cácte dầu. Que thăm dầu có ghi "engine oil". Rút que thăm ra lau bằng vải sạch, sau đó cắm ngập que thăm vào bình rồi rút ra, kiểm tra mức dầu trên que. Nếu dầu có màu đen sẫm thì đã đến lúc thay dầu. Nếu có màu vàng, nhưng mức dầu còn quá ít, chỉ cần đổ thêm dầu cùng loại vào. Cách khác, kiểm tra theo kinh nghiệm: quệt dầu lên tay, miết giữa hai ngón tay xem dầu có mạt không.
Dầu hộp số tự động
Kiểm tra dầu hộp số chủ yếu ở trạng thái nóng. Tùy từng loại xe mà cách kiểm tra dầu hộp số cũng khác nhau. Ban đầu dầu hộp số tự động có màu đỏ. Sau thời gian sử dụng dưới nhiệt độ cao và tải trọng lớn, dầu bị ôxy hóa, chất lượng kém đi chuyển dần sang màu nâu.
Nếu có màu hồng, chứng tỏ dầu bị loãng, có thể do nước trong bộ tản nhiệt rò ra. Khi đó phải kiểm tra két nước. Nếu dầu có màu nâu là do nhiễm bẩn, nên thay dầu. Nếu dầu ở dưới mức "hot" thì cần bổ sung thêm, nhưng không được đổ đầy quá mức quy định, sẽ làm cho ly hợp và đai phanh bị trượt, gây cháy.
Nước làm mát
Mức nước làm mát có thể nhìn được từ bên ngoài và phải luôn nằm ở giữa mức thấp nhất và cao nhất. Không nên mở nắp két nước khi đang nóng. Nếu mức nước còn ít thì có thể bị rò rỉ, kiểm tra kỹ nếu có phải đi sửa ngay.
Ắc-quy
Thông thường một ắc-quy mới có thể sử dụng từ 2 đến 5 năm. Không có cách nào để biết trước khi nào ắc-quy sẽ hết điện. Hiện tượng có thể là tốc độ của máy chậm đi so với trước. Nếu đã dùng được từ 4 đến 5 năm thì nên thay mới. Nên kiểm tra xem ắc-quy có bị rò rỉ hoặc các vết nứt hay có dầu hiệu của sự ăn mòn không, nếu có nên thay mới. Kiểm tra các đầu điện cực, nếu bị ăn mòn thì ắc-quy rất dễ bị hỏng, nhất là khi đang đi trên đường.
Dưới nắp ca-pô
Kiểm tra các dây đai dẫn động, nếu có rạn nứt nên thay thế. Kiểm tra dầu phanh, dầu trợ lực tay lái, đổ thêm nước vào bình nước rửa kính. Nếu không nhớ lọc gió thay khi nào thì nên thay luôn, vì lọc gió bẩn sẽ gây tốn xăng và tiêu hao nhiều năng lượng. Cũng nên kiểm tra các đường ống gấp khúc và xoắn.
Lốp xe và phanh
Kiểm tra áp suất, độ mòn của lốp. Nên bơm lốp theo đúng tiêu chuẩn của nhà sản xuất và độ mòn của lốp cũng không vượt quá mức tiêu chuẩn quy định. Nên kiểm tra áp suất của cả lốp dự phòng, kiểm tra cả bộ kích xem còn hoạt động tốt không. Nếu có nắp khóa bánh xe, nên nhớ là phải luôn có chìa và cờ-lê để tháo. Nên đưa xe đến các trung tâm lốp xe có uy tín để kiểm tra phanh và láng, cân bằng đĩa phanh.
Láng và cân bằng đĩa phanh.
Hệ thống treo và tay lái
Khi đi xa, xe phụ thuộc rất nhiều vào hệ thống treo và tay lái. Để kiểm tra các bộ phận này một cách chính xác, nên đưa xe ra gara. Tuy nhiên, nếu có hỏng hóc gì thì vẫn có thể biết được qua dấu hiệu như xe bị rung, có tiếng động lạ, tiếng gõ lạch cạch khi đi qua chỗ xóc...
Nếu giảm xóc bị thiếu dầu, đi xe có cảm giác như đang cưỡi ngựa. Nên kiểm tra các thanh giảm xóc ở gần bánh xe xem có vết dầu rỉ ra không. Nếu đi trên đường cao tốc xe bị lạng từ bên này sang bên kia là do xe bị lệch thước lái, nên đưa xe đến gara để chỉnh lại.
Các bộ phận cần thiết khác cũng cần kiểm tra như còi xe, cần gạt nước, tất cả các đèn. Nếu cần gạt nước không lau sạch được kính thì cũng nên thay. Nếu là loại zin theo xe thì chỉ cần thay lớp cao su mới. Cần kiểm tra thêm máy lạnh, máy sưởi và gương chiếu hậu.
Ngoài ra, cần trang bị thêm dây câu điện, bộ kích điện ắc-quy, dầu máy, nước làm mát, đèn pin và bộ dụng cụ thông dụng. Cũng cần lưu giữ số điện thoại của đội cứu hộ, hay số điện thoại cần thiết khác của nơi đến.
Dũng Lương
Ảnh:
Đại Benmar