RE: Cách đi xe ít hao xăng nhất.
Em xin tiếp bác VNĐ cái:
Một khái niệm rất quen thuộc trong kỹ thuật lái xe là khái niệm 'LÀM CHỦ TỐC ĐỘ'. Xin không bàn đến từ ngữ của các chú xxx khi phán về các tình huống tai nạn giao thông, mà ở đây, là một kỹ thuật sử dụng hợp lý chân ga (đi ga), có ý nghĩa rất lớn trong việc tiết kiệm xăng, lái xe an toàn và tăng tuổi thọ cho xe cộ.
Một cách đơn giản, việc làm chủ tốc độ là việc kết hợp của những nguyên tắc sau đây. Các bác tài nếu chú ý thực hiện trong một thời gian ngắn sẽ có thể hình thành được những thói quen rất hiệu quả:
1. Luôn quan sát tình trạng lưu thông, tình hình đường xá và tín hiệu điều khiển giao thông để hình thành thói quen tính toán và phán đoán các tình huống sẽ và có thể sẽ xảy ra, vị trí của các xe cộ lưu thông ở xung quanh từ mọi hướng trong vòng vài giây kế tiếp nhằm tăng tối đa mức độ chủ động khi điều khiển chân ga. Nói một cách hình tượng, nếu tài xế không cần phải sử dụng đến chân phanh hoặc chỉ cần phanh rất ít trên toàn bộ hành trình thì có thể coi là lý tưởng. Các tài xế làm chủ tốc độ do đã hình thành khả năng phán đoán trước cơ bản các diễn tiến sắp xảy ra sẽ có thể chủ động cảnh báo cho các phương tiện khác bằng đèn hoặc còi để giảm thiểu rủi ro.
2. Tập thói quen quan sát các gương chiếu hậu trong và ngoài xe để có thêm các thông tin cần thiết khi xử lý chân ga. Nhiều tài xế thường quan niệm đơn giản ‘đầu xuôi đuôi lọt’ nên chỉ quan tâm đến phía trước mà không chú ý tới các tình huống phía sau vốn có thể cung cấp những thông tin rất quan trọng để quyết định tốc độ (xe khác đang xin vượt, xe chạy quá sát sau xe mình…). Hãy nhớ câu ‘Out of sight, out of mind’.
3. Nắm vững kỹ thuật sang số và luôn luôn sử dụng số phù hợp với tốc độ (nếu xe bạn không phải là xe có hộp số tự động). Rất nhiều tài xế lười sang số khiến động cơ và hộp số luôn phải làm việc quá tải. Điều này đồng nghĩa với việc làm giảm nhanh chóng tuổi thọ của xe và tiêu hao nhiều nhiên liệu hơn. Bạn nên tập luyện thường xuyên để hoàn thiện kỹ thuật đi số của mình. Nhiều tài xế thậm chí ngại việc sang số ngay cả khi chạy trong nội thành vì … sợ xe bị giật cục. Hãy để ý để hình thành cảm giác của bạn về tốc độ xe và sức đẩy (kéo) của động cơ ở mỗi số. Sau khi đã ước lượng được số phù hợp cho tốc độ hiện tại và vài giây sắp tới, nhanh chóng sang số và nhả côn thật từ từ cho đến khi côn ‘bắt’ (xe sẽ có cảm giác rướn nhẹ tới hoặc khựng tí chút) thì nhả côn nhiều và nhanh hơn cho đến khi nhả hết côn. Sau khi nhả hết côn, bạn hoàn toàn có thể đạp ga ở mọi mức bạn muốn mà không sợ xe bị giật cục. Hãy tưởng tượng khi bạn bắn súng trường, lực giật, va đập của khẩu súng có thể làm bạn chấn thương nếu báng súng không tì sát vào vai. Điều này cũng tương tự như khi bạn buông chân côn vội vàng quá. Nhưng khi đã kìm chắc báng súng vào vai rồi thì hầu như không bị đau tí nào. Bộ phận ly hợp một khi đã nhả êm và hoàn toàn sẽ có tác dụng như việc ghì sát báng súng, mà ở đây là bánh đà, vào vai (hộp số). Để tự tin hơn khi lái xe, bạn cũng có thể nhờ thợ máy chỉnh mức độ nhạy của chân côn cho như ý. Kỹ thuật sang số cần được liên tục hoàn thiện, và đến một lúc nào đó, bạn sẽ chợt nhận ra chiếc xe như hòa với cơ thể của bạn làm một. Nó giống như cảm giác ngây ngất của người đã thuần hóa được một chú ngựa hoang dã.
4. Luôn hạn chế việc Vượt xe khi đang chạy trong luồng xe nếu không thực sự cần thiết hay khẩn cấp. Khi lưu thông toàn tuyến đang chậm và đường đông xe nối đuôi, thì việc vượt được một xe chỉ khiến bạn nhanh được vài giây (sau đó lại phải chạy với tốc độ như cũ sau một xe khác), trong khi bạn phải đương đầu với rất nhiều nguy hiểm cũng như gây nguy hiểm cho các xe cộ xung quanh – rõ ràng không phải là một việc làm khôn ngoan. Bạn có thể vượt xe khi phía trước xe muốn vượt thoáng và an toàn. Hãy vượt đúng luật và trong giới hạn tốc độ cho phép. Cần ý thức rõ tốc độ của xe và công suất máy còn lại để bảo đảm có đủ sức rướn của xe khi vượt.
5. Tắt máy khi phải dừng lâu: Đây là một việc làm rất hiển nhiên và dễ hiểu nhưng lại hay bị các bác tài bỏ qua nhất. Khi phải dừng xe lâu (kẹt xe không nhúc nhích được, dừng chờ tại đường sắt, dừng đèn đỏ hơn 30s… thì tốt nhất là nên tắt máy. Bản thân em đã nhiều lần bị kẹt cứng giữa hàng trăm xe hơn nửa tiếng đồng hồ, khói cay sặc sụa mà chẳng mấy người chịu tắt máy. Cứ thử nhân lượng xăng của hàng trăm xe hơi xe máy lớn nhỏ đó trong nửa tiếng đồng hồ thì khủng khiếp biết chừng nào! Các bác cứ tưởng tượng giả sử bây giờ các động cơ không đốt trong xy lanh nữa, mà cháy ở đuôi ống pô, thì chúng ta sẽ có cảnh tượng hàng trăm hàng ngàn đám cháy cỡ cái tô đến cái chậu giặt đang chuyển động thành từng dòng sông lửa trên mọi tuyến đường, rừng rực đốt hết oxy, thải khói mù mịt thì kinh khủng lắm.
6. Tốc độ nào là tiết kiệm xăng? Câu hỏi này dành cho khi chạy xe trên xa lộ. Thực ra không thể có một câu trả lời cụ thể duy nhất cho mọi loại xe. Khi chạy đường trường, chúng ta thường sử dụng những số cao nhất (Vd như xe có 4 số thì chạy số 4, xe 5 số thì sẽ chạy ở các số 4, 5…). Sẽ có một ngưỡng tốc độ mà ở đó nếu chú ý, bạn sẽ thấy động cơ hoạt động êm nhất, xe chạy nhẹ nhàng nhất, không cần đạp mạnh chân ga mà vẫn đủ gia tốc để duy trì sức rướn đều đều của xe. Các hãng cũng thường có những gợi ý về tốc độ này trong owner’s manual để tài xế tham khảo, được gọi là tốc độ kinh tế nhất. Tài xế có kinh nghiệm rất dễ dàng tìm được tốc độ này bằng cảm nhận của họ.
Áp dụng tốt những điểm ở trên và kiên trì tập luyện, bạn sẽ ít phải sử dụng đến phanh nhờ khả năng làm chủ tốc độ. Điều này cũng có nghĩa là bạn có thể tiết kiệm được rất nhiều nhiên liệu. Khi đạp vào bàn đạp phanh, bạn đang làm cho tốc độ xe giảm đi, và điều đó cũng có nghĩa là bạn đang buộc phải lãng phí lượng nhiên liệu mà vừa trước đó đã dùng để tạo ra gia tốc cho chiếc xe. Khi phải phanh, để tránh cho những người cùng đi khỏi phải gập đầu ‘chào thiên hạ’, bạn hãy nới nhẹ chân để triệt tiêu lực đạp trên bàn đạp phanh ở ½ giây cuối cùng trước khi xe khựng lại hoàn toàn. Kỹ thuật này khiến bạn có thể dừng xe một cách cực kỳ êm dịu để lấy điểm với các em long leg
, hoặc đặc biệt là khi chở người già.
Ngoài các kỹ thuật trên đây, có thể chia sẻ với các bác vài mánh khi đi đường dốc từ các bác tài có kinh nghiệm. Các mánh này không khuyến khích, các bác tự quyết định có áp dụng hay không:
Khi lên các dốc cao, các bác tài có kinh nghiệm thường lấy đà một đoạn từ xa để đạt tới tốc độ sao cho xe có thể lên đến gần đỉnh dốc mà không phải tăng ga liên tục. Trái lại, họ lấy đủ đà (trớn) sao cho có thể nới nhẹ dần chân ga khi lên gần đỉnh dốc để tránh ép ga, bắt động cơ phải gánh tải quá lớn. Khi đã lên gần tới đỉnh dốc, nhanh chóng trả về số thấp hơn để lên hết đoạn cuối cùng. Chú ý: quan sát đề phòng xe ngược chiều khi lên gần đỉnh dốc, không áp dụng kỹ thuật này nếu không nắm rõ tình hình đường xá, nếu đèo dốc quanh co, khuất tầm nhìn hoặc có xe đang lên dốc phía trước.
Khi bắt đầu đổ dốc, tài xế có thể lên lại số cao, lợi dụng lúc này để thêm chút xíu ga là có thể đủ đà lên gần hết dốc kế tiếp. Cũng phải tuân thủ chặt chẽ các chú ý của bước trên.
Hy vọng những điểm trên đây có thể giúp các bác tiết kiệm được khá tiền xăng. Bác nào có thêm những mánh khác xin bổ sung để anh em học hỏi tiếp tục. Kính các bác.
P/S. Em đánh xong bài này, bấm post thì bị rớt mạng, mất hết phải đánh lại từ đầu, xót quá.