Những rắc rối thường gặp ở ô tô, như xe hay bị chết máy, khó khởi động, tốn xăng, hoặc tăng tốc chậm có thể là do bên trong động cơ có nhiều cặn bẩn. Hãy loại bỏ các chất lắng cặn này và động cơ xe sẽ hoạt động tốt hơn.
Nhiều chủ xe đã vô tình để cho các chất cặn bẩn tích tụ lâu ngày trong động cơ, khiến xe ngày càng phát sinh nhiều vấn đề và rất tốn nhiên liệu. Vậy những cặn bẩn này từ đâu mà có và phải làm gì để loại bỏ?
Có hai bộ phận trong động cơ là nơi trú ấn “lý tưởng” cho chất cặn bẩn: hệ thống phun nhiên liệu và mặt sau của xú-páp.
Cặn nhiên liệu, ở dạng dẻo và dính, có thể bám vào đầu kim phun nhiên liệu, gây ảnh hưởng đến định lượng và quá trình phun nhiên liệu. Trong khi đó, mặt sau của xú-páp có thể gây cản trở luồng nhiên liệu và không khí bơm vào xi-lanh và khí xả thoát ra ngoài.
Tình trạng này xảy ra ở tất cả các loại động cơ, nhưng một số xe lại bị nặng hơn xe khác. Có lẽ động cơ không phải là nguyên nhân, mà là do nhiên liệu, dầu nhờn và cách lái xe của mỗi người.
Kim phun nhiên liệu nằm ở cổ hút, nhiên liệu đi qua các lỗ nhỏ trên đầu kim và phun ra dưới dạng sương, tỏa hình nón. Kiểu phun này cho phép nhiên liệu bay hơi nhanh và hút vào trong buồng đốt khi van mở ra. Mỗi lần xe tắt máy, hơi nóng từ động cơ tỏa ra và làm nóng đầu kim phun nhiên liệu. Nhiên liệu còn bám trên đầu kim phun bốc hơi, những thành phần nặng hơn sẽ lắng lại dưới dạng chất cặn dẻo, gây cản trở tia phun nhiên liệu.
Có 3 cách để khắc phục vấn đề này. Thứ nhất, hãy lái xe đi những chặng đường dài. Khi xe chạy trên đường cao tốc, một lượng lớn nhiên liệu sẽ đi qua hệ thống kim phun, giúp làm sạch chúng. Thứ hai, sử dụng loại nhiên liệu chất lượng tốt. Tất cả hãng cung cấp nhiên liệu đều pha các chất phụ gia có tác dụng làm sạch hệ thống phun nhiên liệu; tuy nhiên, tỷ lệ và loại chất phụ gia mà mỗi hãng sử dụng lại khác nhau.
Trực tiếp đổ chất phụ gia vào bình chứa nhiên liệu là cách thứ 3 để làm sạch đầu kim phun nhiên liệu hoặc ngăn chặn tình trạng tích tụ chất lắng cặn ngay từ đầu.
Chất cặn bám vào mặt sau xú-páp thì khó xử lý hơn. Thậm chí ngay cả khi tháo xú-páp ra khỏi động cơ và lau bằng dụng cụ chuyên dùng cũng không loại bỏ được một số chất cặn. Các chất cặn bẩn bám vào xú-páp gây cản trở luồng nhiên liệu bơm vào xi-lanh và đến một mức nào đó có thể cản luồng khí, làm giảm công suất động cơ.
Một số hãng ô tô, như BMW, đã phải đưa ra dịch vụ làm tan các chất cặn bẩn bằng quả óc chó. Đầu tiên phải tháo cổ hút ra và cho động cơ quay để xú-páp đóng lại. Sau đó, bắt một ống nối vào đầu xi-lanh để dùng áp suất bơm quả óc chó vào mặt sau của xúpáp. Người ta dùng quả óc chó thay cho cát vì loại quả này có lớp vỏ rất cứng nên không bị vỡ hay bào mòn các lớp vỏ kim loại, và trong trường hợp những mảnh nhỏ (nếu có) lọt vào động cơ thì sau đó chúng cũng sẽ bị cháy trong buồng đốt.
Các chất lắng cặn ở xú-páp hình thành từ lớp màng dầu từ hệ thống van thông hơi cho lốc máy, dầu nhờn và cặn nhiên liệu dạng dẻo. Sử dụng loại nhiên liệu có thành phần phụ gia phù hợp và đúng tỷ lệ là cách dễ nhất để hòa tan các chất cặn này, nhưng cần cho xe chạy hàng trăm km với loại nhiên liệu tốt mới có thể loại bỏ phần lớn chất bẩn. Tuy nhiên, vì xú-páp động cơ không phải là một bộ phận dễ quan sát nên chỉ sau khi dùng vài bình mới có thể biết loại nhiên liệu đó có hiệu quả không. Nếu động cơ và hiệu quả tiêu thụ nhiên liệu không được cải thiện, bạn sẽ phải thử dùng loại nhiên liệu khác, cho đến khi tìm thấy loại phù hợp. Nếu đã tìm thấy, hãy luôn dùng loại đó!
Bạn có thể cho rằng chỉ cần thường xuyên thay dầu và bộ trung hòa khí thải là đủ để giữ cho động cơ sạch sẽ, nhưng nếu ngăn được các chất cặn bẩn bám vào hệ thống phun nhiên liệu và xú-páp sẽ giúp tăng hiệu quả hoạt động của động cơ xe và tiết kiệm tiền.
(Theo CanadianDriver)