Đây là chiếc Tesla Model X thứ 2 được nhập về Việt Nam. Cũng giống như chiếc Model X đầu tiên, chiếc Model X thứ 2 này là phiên bản P100D cao nhất của dòng Model X với khả năng tăng tốc từ 0-96 km/h trong 3 giây. Và với kết quả ấn tượng đó, Tesla Model X được mệnh danh là chiếc Crossover bốc nhất thế giới.[pagebreak][/pagebreak]
Ắt hẳn các bác đang rất thắc mắc vì sao em lại dùng từ bốc ở đây chứ không phải là nhanh. Nói ngắn gọn dễ hiểu thì từ "bốc" đại diện cho nước đề tức là thông số tăng tốc từ 0-100 km/h của chiếc xe, còn nhanh đại diện cho nước hậu tức là nói về tốc độ tối đa chiếc xe có thể đạt được. Ở nước ngoài họ gọi Tesla X là "The Quickest Crossover", chứ không phải là "The Fastest Crossover". Bởi vì tốc độ tối đa của Tesla X bị giới hạn ở 250 km/h. Trong khi đó khả năng tăng tốc từ 0-96 km/h dưới 3 giây của Tesla X thì có thể nói là ngang ngửa với những chiếc siêu xe hiện nay trên thị trường. Có lẽ Tesla Model X cũng xứng đáng với tên gọi siêu Crossover.
Model X P100D là phiên bản cao nhất của dòng Model X. Ở thị trường Mỹ thì Model X P100D có giá khởi điểm là 145.000$. Mức giá này vẫn chưa trừ phần thuế ưu đãi trị giá 7.500$ ở một số tiểu Bang. Chữ D ở đây là viết tắt của chữ Dual cho chúng ta biết là chiếc xe này có tất cả 2 động cơ, một động cơ điện đẫn động cầu trước và một dẫn động cầu sau.
Chính xác thì động cơ điện phía trước của Tesla Model X cho công suất 259 mã lực. Còn động cơ điện đặt sau của Model X thì cho công suất lên đến 503 mã lực. Tổng công suất của 2 động cơ điện trước sau trên Model X là 762 mã lực.
Với bộ pin 100 kWh thì Tesla Model X có tầm hoạt động khoảng 465 km. Thời gian sạc đầy bộ pin 100 kWh này mất khoảng 6,5 tiếng với mạng điện gia đình và chỉ 1 tiếng 20 phút ở các trạm sạc supercharge ở Tesla. Tuy nhiên ở VN thì chưa có trạm sạc nhanh supercharge này. Đơn giản là vì Tesla chưa có mặt chính thức ở Việt Nam.
Ngoại hình của Model X trông rất là ma mị, phù phiếm nhưng so với cái giá gần 150k đô của nó thì vẻ ngoài của Model X vẫn chưa thật sự xứng tầm. Em vẫn mong đợi cái gì đó xa hoa và xuất sắc hơn ở mặt ngoại hình. Chiếc xe Tesla Model X thứ 2 về Việt Nam được cá nhân hóa theo phong cách black-on-black, đen nguyên con, trông khá ngầu. Thật sự mà nói thì em nhìn mãi mà vẫn không thấy chiếc Model X này ra được dáng Crossover. Cái form của nó nhìn không khác gì mấy chiếc BMW Gran Turismo.
Bộ mâm của chiếc Tesla Model X P100D này có kích thước 22”. Đây là option có giá 5.500$ tại Mỹ. Còn bộ mâm tiêu chuẩn trên Model X có kích thước chỉ 20”. Hệ thống treo khí nén là trang bị tiêu chuẩn trên bản Model X P100D.
Các tay nắm cửa ở 2 bên thân xe được làm ẩn đi với mục đích cải thiện hiệu quả khí động lực cho chiếc crossover chạy điện hoàn toàn này. Điểm thú vị là 2 cửa sau mở lên theo kiểu cánh chim. Tesla gọi kiểu cửa này là Falcon Wing. Tuy nhiên, kiểu cửa mở hình cánh chim này cũng không quá mới trong thế giới xe bởi vì trước đây chiếc Mer SLS cũng mở cửa theo kiểu này. Tất cả 5 cánh cửa trên Tesla Model X đều đóng mở bằng điện.
Đuôi xe có chiếc cánh lướt gió trông khá là dễ thương. Chiếc cánh lướt gió này sẽ tự động bật lên khi chúng ta khởi động xe và tự động cụp xuống khi tắt máy hay mở cửa khoang hành lý phía sau. Dĩ nhiên vì là chiếc xe chạy điện hoàn toàn nên Tesla Model X sẽ không có cái pô nào.
Chiếc Model X thứ 2 về Việt Nam là phiên bản có 7 chỗ ngồi. Đây cũng là một tùy chọn có giá 3.000 đô bởi vì cấu hình Model X tiêu chuẩn chỉ có 5 chỗ ngồi. Điểm ấn tượng ở đây là mặc dù nhìn bên ngoài Tesla Model X trong hình không lớn lắm nhưng không gian bên trong lại rất rộng. Chiều rộng của chiếc xe này phải tương đương những chiếc minivan như KIA Sedona hay Toyota Sienna. Các bác có thể thấy hàng ghế thứ 2 của Model X là 3 ghế full chứ không phải 2 ghế full và 1 ghế phụ chúng ta thường thấy trên những chiếc xe khác trên thị trường.
Chính xác thì Model X chỉ là chiếc crossover 5+2 vì 2 hàng ghế thứ 3 khá chật nếu ngồi 2 người lớn. Khoảng để chân và không gian đầu ở vị trí này đều rất hạn chế và chỉ phù hợp cho trẻ em. Nhưng bù lại là tất cả các hàng ghế của Tesla Model X đều có cửa gió máy lạnh riêng và cả 7 ghế đều có tích hợp tính năng sưởi ấm bên trong.
Bảng táp lô của chiếc Model X được làm tinh giản tới mức tối đa. Chỉ có 2 màn hình, 1 là bảng đồng hồ tốc độ, 2 là 1 cái màn hình kích thước 17” ở trung tâm bảng táp lô dễ làm chúng ta liên tưởng đến chiếc iPad Pro. Trên bảng táp lô chỉ có duy nhất 2 nút bấm, là báo nguy hiểm và mở cốp chưa đồ bên phụ. Còn lại mọi thứ thì đều điều khiển qua cái iPad Pro kích thước 17” hoành tráng này, từ hệ thống cửa trên xe, điều hòa, hệ thống treo, chế độ sưởi, độ nặng nhẹ vô lăng,... Hệ thống âm thanh trên xe là loại 9 loa 240W.
Một điểm ấn tượng khác bên trong khoang nội thất Tesla Model X đó là phần kính panoramic kéo dài từ phía trước lên trên nóc chiếc xe rất hoành tráng. Phần kính này được chia làm 2 vùng ánh sáng khác nhau dễ làm cho nhiều người nghĩ đây là 2 tấm kính ghép lại. Nhưng sự thật là phần kính panoramic trên Tesla Model X được làm từ một khối kính duy nhất.
Em không rõ là chiếc Tesla Model X này có được trang bị gói tự hành Autopilot trị gía 3.000 đô thêm hay không. Nhưng cho dù là có gói Autopilot đi chăng nữa thì chủ nhân chiếc xe có lẽ cũng không có điều kiện để xài ở Việt Nam. Ở bên Mỹ thì khả năng tự hành của Tesla chỉ xài được trên những đoạn đường cao tốc. Khi hết cao tốc thì chiếc xe sẽ yêu cầu người lái phải tự kiểm soát chiếc xe.
Chiếc crossover chạy điện của Tesla đã cho chúng ta thấy được những mẫu xe tương lai sẽ như thế nào. Nhiều công nghệ, ít nút bấm và không có khí thải ra môi trường. Tương lai xe chạy điện đang đến rất gần. Ở châu Á, Tesla đã có mặt tại Hongkong và biết đâu trong 10 năm nữa Việt Nam của chúng ta sẽ bắt đầu bán xe chạy điện của Tesla.