Hạng D
19/6/10
1.155
395
113
Cám ơn màu tím
Cám ơn màu tím

Tôi đang đi trên đường Euclid đoạn qua thành phố Ontario nhưng phải tìm một đường cắt ngang để vòng xe lại vì bất chợt thấy ở bên kia đường, ở chiều ngược lại có rất nhiều loại hoa có màu tôi rất thích được trồng cặp theo lối đi bộ.

Phải chạy một đoạn khá xa tôi mới tìm được một con đường cắt ngang, và phải chạy ngược lại một đoạn như vậy nhưng tôi vẫn rất vui mừng khi cuối cùng tôi đã ôm máy xuống để chụp hình những bông hoa nở đầy ven đường. Sau cốp xe tôi luôn để một chân máy, trong xe tôi lúc nào cũng luôn có ít nhất là một máy ảnh cùng hai ống kính, tôi rất hài lòng với chính mình về việc làm này, nhất là hôm tôi chụp được hình hoa ở bên dưới. Sau khi chụp xong trở vào trong xe, tôi không đi ngay mà ngồi xem lại ảnh khá lâu. Tôi thích màu hoa này không phải vì nó diễn đạt một khung trời nhớ nhung, xa vắng, lẫn khuất trong đó những hoài niệm, hoài cảm. Cũng không phải màu tím này thường đề cập đến nội tâm của con người, và nó không thích phô trương, luôn tìm đến những ngõ ngách riêng tư. Lý do để tôi thích màu tím hôm đó rất đơn giản vì nó giống với màu hoa lục bình vẫn thường trôi giạt đầy trên sông Hậu, nơi miền Tây xa cách yêu dấu.
Gần năm mươi năm về trước tôi và nhỏ bạn cùng anh nó thường lấy lục bình để làm bánh mì chơi bán hàng. Tôi và anh nhỏ bạn làm người mua, còn nó lấy lá lục bình cắt sợi để làm thịt nhét đầy vào cọng lục bình có hai đầu nhỏ lại giống như ổ bánh mì. Lần nào cũng vậy, khi mua tôi luôn miệng nói:

- Cô ơi, bán cho tui nữa ổ bánh mì nước.

- Có liền, có liền.

Nhỏ bạn miệng nói tay nó lấy dao nhỏ rạch môt đường trên cọng luc bình để nhét đầy “ thịt “ vô. Thấy vậy tôi liền nói:

- Tui mua bánh mì nước mà cô?!

- Hong sao đâu anh ơi, tui hong có tính tiền thêm đâu. Ăn bánh mì thịt nó mới ngon, ai mà đi ăn bánh mì nước, dỡ ẹc hà.

Hồi đó khi nghe nó nói tôi thấy bình thường, nhưng khi ngồi trong xe xem hình nhớ lại chuyện xưa mà cổ tôi thấy nghèn nghẹn. Khi xưa hai anh em nhỏ bạn tôi làm gì có đủ tiền để mà mua bánh mì thịt, bánh mì nước mà nó nói là lâu, lâu nếu có tiền thì cũng chỉ đủ mua bánh mì thay vì mang về xịt nước tương vô ăn thì thêm tiền để cô bán bánh mì chan cho một chút nước thịt vô rồi cứ như vậy mà ăn, khúc bánh mì bây giờ có cái tên là bánh mì nước. Một cái tên gọi lạ lùng mà tôi đã không còn nhớ hơn mấy chục năm để rồi nó trở lại với trí nhớ của tôi ngay trên đất Mỹ vì cái màu tím mà tôi yêu thích. Không những vậy mà khi đó những hình ảnh khác từ thời xa xưa tiếp tục kéo về. Hình ảnh nhỏ bạn khi được má nó đút cơm cho ăn. Trong chén chỉ có một miếng thị nhỏ xíu, mỗi lần múc cơm má của nhỏ để miếng thịt sát vô cán cái muỗng ăn canh, để nhỏ bạn thấy miếng thịt thì há miệng thật to ngậm lấy muỗng đầy cơm, nhưng sau mỗi lần như vậy miếng thịt vẫn còn nguyên chỉ sau ba hay bốn lần như vậy thì miếng thịt mới được để ra đầu muỗng. Hồi đó còn nhỏ nhưng tôi cũng hiểu lý do, vì nếu không làm vậy mà đưa nguyên chén cơm cho nhỏ bạn thì thế nào nhỏ bạn cũng ăn hết thịt trước và sau đó chỉ còn chén cơm không, để ăn cho hết chén cơm đó mất cả buổi trời và thế nào tôi cũng nghe má nhỏ nói:

- Con gái gì mà ăn mặn quá trời, ăn hết thịt rồi phải không? Còn nhiêu cơm đó rán ăn cho mau lớn. Đừng có bỏ mứa sau này nghèo không có cơm mà ăn, rồi khì chết xuống Âm phủ gặp Diêm Vương sẽ cho con ăn dòi đó nha con.

Tôi không biết nhỏ sợ má la hay sợ sau này Diêm Vương cho ăn ấu trùng của ruồi mà nhỏ luôn ăn hết cơm. Nếu hôm nào ngán quá thì tôi thấy nhỏ bưng chén cơm theo thằng anh đi chơi khắp xóm, vừa đi vừa nhơi từng muỗng thấy mắc rầu, bởi vậy tôi cũng thường nghe má nhỏ bạn nói:

- Con gái ăn cơm là phải ăn cho lẹ, không được ngậm cơm trong miệng mà nút như vậy. Nếu không sau này sẽ nghèo chết nha con.

Một hôm nhỏ bưng chén cơm theo thằng anh xuống cuối xóm chơi. Mấy đứa bạn rủ thằng anh nó chơi đuổi bắt, nhỏ ngồi coi anh nó chơi. Vậy mà hong biết sao mấy thằng bạn của anh nó chạy đụng trúng nhỏ làm chén cơm trên tay nhỏ úp xuống đất. Thằng anh thấy vậy chạy lại lượm cái chén lên. Cơm trong cái chén lật úp vẫn còn nằm nguyên dưới đất hình cái chén tròn vành vạnh như khi anh em nó chơi nhà chòi dùng vỏ sò bỏ cát vô để in xuống đất vậy.

- Hên quá, cái chén hong bể.

Nhưng khi thằng anh vừa nói xong câu đó thì cái chén đã bể trên tay thằng anh mới rời ra làm hai và rớt xuống đất. Đến lúc đó nhỏ em nó mới bắt đầu khóc, hai mắt to tròn của nhỏ nhắm khít lại và ở hai cái đường thẳng nằm ngang đó nước mắt từng giọt rơi xuống nhanh dần khi miệng nhỏ há thật to để tôi có thể thấy rõ cái lưỡi đầy cơm đang run, giật vì tiếng khóc. Tôi biết nhỏ không sợ bị nghèo vì làm đổ cơm, và cũng không sợ khi chết xuống Âm phủ Diêm Vương cho ăn dòi, nhỏ khóc vì biết một lát nữa đây nhỏ thì không sao nhưng anh nhỏ sẽ bị đòn vì cái chén bị bể. Vì sao anh nhỏ bị đòn thì bạn nào đã từng đọc bài của tôi đã hiểu rồi…

Sau này khi lớn lên đi định cư ở Canada cùng người anh, nhỏ hay gọi điện thoại về VN khi tôi còn ở Sài Gòn, mỗi lần tôi nhắc nhỏ chuyện xưa nhỏ nói :

- Má em nói đúng đó anh, có lẽ do hồi nhỏ em làm đổ cơm nên giờ em hong có cơm để ăn nên ăn toàn bánh mì không hà.

- Nhưng là bánh mì thịt phải hong ?

Bên kia đầu giây nhỏ bạn tôi hiểu ý tôi muốn nhắc đến chuyện hồi nhỏ nên cười rất to, nhưng tôi có cảm nhận có một chút gì đó xót xa, cũng có thể nỗi xót xa đó là nỗi niềm của tôi khi nhớ lại hình ảnh hồi xưa mỗi lần bán cho tôi ổ bánh mì nhét đầy thịt xong là nhỏ luôn miệng kêu tôi phải ăn liền đến khi nào tôi làm bộ ăn ổ bánh mì làm bằng lục bình một cách ngon lành thì nhỏ mới chịu im nhìn tôi ăn mà nuốt nước miếng ừng ực. Biết đâu có thể tôi cảm thấy xót xa vì biết hồi xưa nhỏ luôn ép tôi và anh nó phải mua bánh mì thịt thay cho bánh mì nước mà không tính thêm tiền vì nhỏ mơ ước một ngày nào đó chính cô bán bánh mì cho nhỏ và anh nó làm điều đó với nhỏ và anh nó. Biết đâu trong sâu thẳm lòng tôi cảm thấy xót xa với ý nghĩ, trời khiến tôi và anh em nhỏ bạn mất liên lạc không biết ngày nào gặp lại như lục bình trôi giạt trên sông Hậu năm nao vì cái tội hồi đó tối ngày cứ cắt lục bình chơi trò bán bánh mì. Thôi thì dù cho thế nào đi nữa tôi cũng thầm cám ơn màu tím đã gợi cho tôi một thoáng chợt nhớ về những năm tháng tuổi thơ cùng những điều tưởng chừng như không bao giờ có thể nhớ…