Em không hiểu lắm về được và mất khi các DN FDI tăng thị phần tại thị trường nội địa cũng như XK?
Tuy nhiên đứng về mặt XH em nghĩ là người lao động sẽ có việc làm ổn định, thị trường có nguồn hàng giá rẻ chất lượng...
===============================================
Khi Tập đoàn Thép Posco (Hàn Quốc) đưa vào hoạt động nhà máy thép cán nguội công suất 1,2 triệu tấn/năm, có vốn đầu tư 528 triệu USD tại KCN Phú Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu), đã tạo sự
cạnh tranh khốc liệt về chính sách giá đối với các doanh nghiệp sản xuất cùng chủng loại trong nước.
Theo ông Nguyễn Tiến Nghi - phó chủ tịch Hiệp hội Thép VN, do công suất sản xuất lớn, Posco VN hiện chiếm xấp xỉ 50% thị phần thép cán nguội trong nước, đã gây không ít khó khăn cho hai doanh nghiệp trong nước sản xuất là Nhà máy thép Phú Mỹ (thuộc Tổng công ty Thép VN - VNSteel) và Công ty cổ phần thép tấm lá Thống Nhất (VNSteel là cổ đông lớn nhất, chiếm 31,25%).
“Với công nghệ sản xuất hiện đại, tiết kiệm nguyên, nhiên vật liệu ở mức tối ưu, sản phẩm làm ra của các doanh nghiệp FDI có giá bán rất cạnh tranh so với các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước, kể cả khối liên doanh, nên thị phần của họ chắc chắn sẽ tiếp tục tăng cao trong thời gian tới” - ông Nghi bình luận.
Không chọn chiến lược cạnh tranh giá bán để gia tăng thị phần, The Nawaplastic Industry (Saraburi) Co. Ltd - công ty chuyên sản xuất và phân phối ống nhựa PVC, do Thai Plastic and Chemicals PCL (TPC) nắm 100% cổ phần - lại chọn cách âm thầm gom cổ phiếu trên sàn của hai “đại gia” ngành nhựa xây dựng lớn nhất trong nước là Công ty cổ phần nhựa Bình Minh (BMP) và Công ty cổ phần nhựa Thiếu Niên Tiền Phong (NTP).
Theo số liệu công bố công khai, hiện Saraburi đang nắm hơn 7 triệu cổ phiếu của BMP (chiếm 20,5%) và khoảng 9,8 triệu cổ phiếu của NTP (chiếm 9,86%), trở thành cổ đông lớn thứ hai tại hai doanh nghiệp này, sau Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước(SCIC). Ai cũng biết Nhựa Tiền Phong chiếm 70% thị trường nhựa xây dựng miền Bắc, trong khi Nhựa Bình Minh chiếm 50% ở miền Nam. Do đó, nếu TPC tiếp tục nâng tỉ lệ sở hữu tại hai công ty này trong thời gian tới thì chắc chắn thị trường nhựa xây dựng sẽ bị doanh nghiệp Thái chi phối.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Quang Doanh - chủ tịch HĐQT BMP - cho hay hiện Saraburi chưa hề có bất kỳ động thái nào cho việc can thiệp vào nội bộ sản xuất, điều hành lẫn quản lý của BMP. Tuy nhiên, nếu sắp tới tỉ lệ nắm giữ cổ phần của Saraburi tiếp tục tăng lên, “đương nhiên chúng tôi phải chấp nhận. Vì một khi họ đã có ý định thâu tóm, chứ không phải hợp tác cùng phát triển, và mình không đủ năng lực trong việc quản lý, điều hành, tổ chức sản xuất thì phải chấp nhận để cho họ tham gia tái cấu trúc doanh nghiệp” - ông Doanh thừa nhận.
Đáng chú ý, TPC hiện có 45% cổ phần do Tập đoàn Siam Cement (SCG) của Thái Lan nắm giữ. SCG hiện diện tại khoảng 30 thị trường, trong đó có VN, với hàng trăm công ty con về nhựa, hóa chất, giấy, vật liệu xây dựng, phân phối - vận chuyển và đầu tư tài chính. Tại VN, lĩnh vực nhựa và hóa chất hiện mang lại doanh thu và lợi nhuận lớn nhất cho tập đoàn này. Có thể dự báo, tham vọng của SCG không chỉ dừng lại ở ngành nhựa xây dựng mà còn mở rộng ra nhiều ngành khác và hướng đến một chuỗi trong lĩnh vực xây dựng.
http://tuoitre.vn/Kinh-te/520027/Doanh-nghiep-%E2%80%9Cngoai%E2%80%9D-no-noi-noi-teo-top.html