Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau đang bị chậm tiến độ, do hiện tại dự án chỉ mới đáp ứng được 8% cát để san lấp nền.
Chiều ngày 5/9 tại buổi làm việc của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà với lãnh đạo các tỉnh thành miền Tây về tiến độ các dự án trọng điểm trên địa bàn.
Chủ đầu tư dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau cho biết việc giải phóng mặt bằng cao tốc hiện đạt trên 98%, song dự án mới hoàn thành được 9% khối lượng công việc.
Ngoài ra toàn tuyến cần hơn 18,6 triệu m3 cát để san lấp nền. Tuy nhiên cho tới nay lượng cát các địa phương bố trí trên dưới 1,47 triệu m3, chỉ đạt 8% tổng nhu cầu.
Số thực tế mới tiếp nhận còn thấp hơn nữa, chỉ 0,48 triệu m3 từ các địa phương, trong đó tỉnh Đồng Tháp giao 0,37 triệu m3 và nhà thầu đã tiếp nhận hết. Còn tỉnh An Giang bố trí 1,1 triệu m3 từ 4 mỏ cát, nhưng mới lấy 110.000m3 phải tạm dừng do một số mỏ bị thu hồi.
Bộ GTVT kiến nghị tỉnh Đồng Tháp sớm hoàn thiện thủ tục để tiếp tục cung cấp 1,3 triệu m3 từ các mỏ đang khai thác cho dự án Cần Thơ - Cà Mau và đẩy nhanh thủ tục để các nhà thầu khai thác các mỏ đã giao trong tháng 9/2023.
Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau đoạn qua Hậu Giang
Tại buổi làm việc phó Thủ tướng đề nghị Bộ GTVT cần phải rà soát cơ chế, thành lập Tổ công tác với sự tham gia của Bộ GTVT, Bộ Tài nguyên và Môi trường, phối hợp với các địa phương để giải quyết các khó khăn trong quá trình triển khai dự án. Đồng thời, cần phản ánh ngay những khó khăn đến Chính phủ, bộ, ngành liên quan trong quá trình thực hiện triển khai dự án.
Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau dài gần 110 km, rộng 17 m, 4 làn, tổng vốn đầu tư hơn 27.200 tỷ đồng. Dự án đi qua 5 địa phương gồm: Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau. Điểm đầu dự án tại nút giao IC2 (là nút giao nối vào quốc lộ 91 – Nam Sông Hậu, TP Cần Thơ), điểm cuối kết nối tuyến tránh TP Cà Mau. Công trình khởi công đầu năm và được xem là tuyến quan trọng nhất Đồng bằng sông Cửu Long khi kết nối nhiều tỉnh thành với 128 cây cầu.
Xem thêm: