Tuyến cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo dài hơn 78 km đi qua Khánh Hoà, Ninh Thuận và Bình Thuận đã hoàn thiện tuyến chính, dự kiến khánh thành dịp 30/4.
Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo do liên danh Tập đoàn Đèo Cả và Công ty 194 làm chủ đầu tư với tổng vốn 8.925 tỷ đồng theo hình thức hợp đồng đối tác công tư (PPP).
Dự án đi qua 3 tỉnh, gồm: Khánh Hoà (5 km), Ninh Thuận (63 km) và Bình Thuận (12 km). Từ hướng TP HCM ra, đây là đoạn đầu tiên thuộc địa bàn huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, nối tiếp cao tốc Phan Thiết - Vĩnh Hảo ở phía nam.
Con đường chạy dài trên vùng hoang mạc khô cằn, len lỏi qua địa hình đồi núi, với ngọn núi cao án ngữ phía trước là núi Vung thuộc ranh giới tỉnh Ninh Thuận.
Tuyến cao tốc đưa vào khai thác có 4 làn xe, mỗi bên 2 làn, cho phép ôtô chạy tốc độ tối đa 90 km/h, tối thiểu 60 km/h.
Dọc đường, các cụm thiết bị ITS và camera được vận hành bằng các tấm pin năng lượng mặt trời đã lắp đặt. Mặt đường láng nhựa, kẻ vạch sơn trắng phân làn, trên dải phân cách cứng giữa tuyến có lắp đặt các tấm lưới sắt chống loá cho tài xế vào ban đêm.
Vách núi nơi cao tốc đi qua ở huyện Tuy Phong (Bình Thuận) được gia cố bằng bêtông để ngăn đất đá sạt lở xuống, tránh rủi ro cho các phương tiện chạy trên đường.
Trên tuyến có tất cả 34 cầu, gồm 22 cầu trên cao tốc và 11 cầu vượt cao tốc và một cầu kết nối cao tốc với quốc lộ 1. Trong ảnh là cầu Nam Hầm 1 băng qua vực núi đầu huyện Tuy Phong dẫn vào cửa nam hầm chui núi Vung, giáp ranh Ninh Thuận.
Hầm xuyên núi Vung dài hơn 2,2 km được thiết kế hai ống hầm chạy song song, mỗi hầm rộng 14 m. Hầm bên trái (tính từ phía nam ra) phục vụ giai đoạn 1. Hầm bên phải dành cho phần mở rộng tuyến ở giai đoạn 2.
Hạng mục này do Tập đoàn Đèo Cả thực hiện. Hiện, hầm phục vụ giai đoạn 1 cơ bản hoàn thiện bêtông vỏ hầm và mặt đường. Đơn vị thi công đang thực hiện kết nối thiết bị trong hầm với trung tâm điều hành ngay cửa hầm phía nam.
Qua khỏi hầm núi Vung, tuyến chính và các hạng mục đảm bảo an toàn giao thông đã được làm xong trước Tết. Trong ảnh là cầu bắc qua sông Dinh (Ninh Thuận) nối bờ nam là huyện Ninh Phước và bờ bắc là huyện Ninh Sơn.
Cũng như tuyến Vĩnh Hảo - Phan Thiết, do chỉ 4 làn đường, cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo không có làn dừng khẩn cấp hai bên, mà chỉ bố trí các dải dừng khẩn cấp nằm dọc đường, cách nhau 4-5 km
Đoạn ở phía bắc tỉnh Ninh Thuận nối với cao tốc Cam Lâm - Nha Trang (Khánh Hoà) do Công ty 194 thi công. Hiện tuyến chính đã hoàn thiện.
Cung đường mới chạy qua các cánh đồng điện gió ở miền núi huyện Thuận Bắc tạo nên đặc trưng cho đoạn cao tốc này. Dưới chân các trụ điện gió khổng lồ là các ruộng lúa của người dân địa phương.
Khu vực đầu tỉnh Ninh Thuận giáp với Khánh Hoà có nhiều đồi núi, do vậy cao tốc qua đây phải xẻ núi, một số nơi có độ dốc và uốn cong dựa theo địa hình tuyến đi qua.
Nổi bật tại đây là cầu dài 900 m vượt qua thung lũng Sông Trâu, nối liền hai tỉnh. Đây cũng là cầu có trụ cao nhất trên tuyến Cam Lâm - Vĩnh Hảo có độ tĩnh không cao 47 m, do Công ty 194 thi công.
Đồi A1 thuộc địa phần tỉnh Khánh Hoà được cho là nơi hạ cốt phóng tuyến khó khăn nhất đoạn cao tốc này do địa hình núi đá. Đến nay mặt đường ở khu vực đã láng nhựa xong.
Cây cầu vượt dân sinh ở khu vực đồi A1 sắp hoàn thiện. Một số nhân công và phương tiện kỹ thuật vẫn đang thi công.
Ông Nguyễn Thanh Phong, Phó giám đốc Ban quản lý dự án cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo, phụ trách đoạn do Công ty 194 thi công, cho biết tất cả hạng mục sẽ hoàn tất đúng cam kết, đảm bảo khai thác dịp 30/4 tới.
Cầu vượt sông Cạn thuộc địa bàn xã Cam Thịnh Tây (TP Cam Ranh) là đoạn cuối cùng từ phía nam ra hiện đã hoàn thiện, kết nối cao tốc Cam Lâm - Nha Trang tại Khánh Hoà ở phía bắc.
Khi đưa vào khai thác, đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo giúp kết nối thông suốt từ Nha Trang tới Sài Gòn bằng cao tốc, thông qua các tuyến Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây, Dầu Giây - Long Thành - TP HCM ở phía nam. Tuyến giúp rút ngắn thời gian từ Nha Trang tới Sài Gòn còn 4-5 giờ, giảm một nửa so với đi quốc lộ 1.