Dự kiến cuối tháng 4, cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết được bàn giao cho Cục Đường bộ Việt Nam quản lý, khai thác và vận hành.
Thông tin được ông Uông Việt Dũng, Chánh văn phòng Bộ Giao thông Vận tải, cho biết ngày 23/4. Hiện, Ban Quản lý dự án Thăng Long (chủ đầu tư dự án) đã hoàn thiện hồ sơ bàn giao cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết cho Cục Đường bộ Việt Nam. Việc bàn giao công trình dự kiến hoàn tất trong tháng 4.
Động thái này được đưa ra trong bối cảnh đơn vị đang tạm quản lý cao tốc là Công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VEC E) dự tính dừng vận hành, bảo trì, cứu hộ cứu nạn trên tuyến đường từ ngày 28/4 vì không còn kinh phí.
Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây qua Đồng Nai, dịp 2/9/2023. Ảnh: Phước Tuấn
Cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết tổng mức đầu tư hơn 12.500 tỷ đồng, dài 99 km, nối hai tỉnh Đồng Nai - Bình Thuận, khai thác tạm từ tháng 4/2023. Một năm qua, tuyến được giao cho VEC E quản lý tạm đến khi chọn được đơn vị chính thức đảm nhận. Tuy nhiên, việc xác định kinh phí chi trả đang gặp vướng mắc.
VEC E cho biết sau gần một năm khai thác, tổng chi phí vận hành, bảo trì... cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết hơn 10 tỷ đồng. Do chưa được thanh toán nên công ty gặp khó khăn trong đảm bảo tiền lương, chính sách bảo hiểm cho người lao động làm việc trên tuyến.
Ngoài ra, đơn vị cũng gặp khó khăn về các khoản tiền điện phục vụ chiếu sáng, máy móc, thiết bị... Hệ quả là tối 12/4, cao tốc bị cắt điện 5 phút ở các nút giao với đường ĐT 765 và quốc lộ 1 (huyện Xuân Lộc, Đồng Nai), do nợ tiền điện. Việc này gây nguy cơ mất an toàn do đây là những khu vực có mật độ xe rất lớn.
Trước thông tin cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết sẽ được giao cho đơn vị mới, đại diện VEC E cho biết doanh nghiệp vẫn tiếp tục thực hiện công tác vận hành, phục vụ người dân và ứng cứu khi xảy ra sự cố cho đến khi việc bàn giao công trình được tiến hành.
Hướng tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết. Đồ họa: Thanh Huyền
Dầu Giây - Phan Thiết là một phân đoạn trên trục cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Tuyến có điểm đầu nối cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết tại tỉnh Bình Thuận; điểm cuối ở nút giao cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, tỉnh Đồng Nai. Công trình đưa vào sử dụng giúp ôtô từ TP HCM đi Phan Thiết còn hơn 2 giờ, thay vì 4-5 giờ đi quốc lộ 1 như trước.
Trong gần một năm khai thác tạm, đơn vị quản lý hiện nay cho biết cao tốc này phục vụ hơn 5,3 triệu ôtô, bình quân 17.000 lượt mỗi ngày. Dịp lễ, Tết có ngày đạt 37.600 lượt. Đơn vị này đã xử lý gần 1.000 sự cố trên tuyến, trong đó gần 100 vụ tai nạn giao thông, 9 vụ cháy trong hành lang an toàn; cứu hộ gần 400 xe hư hỏng; xử lý 500 trường hợp xe không được phép chạy vào cao tốc.
>>>> Xem thêm: