Hệ thống giao thông thông minh (ITS) sẽ được đầu tư đồng bộ để quản lý khai thác toàn bộ tuyến cao tốc Bắc - Nam. Khoảng 70-100km cao tốc sẽ có một trung tâm điều hành hiện đại.
Hiệu quả điều tiết, giải quyết sự cố
Ngày 10/4, trên tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ xảy ra vụ tai nạn giao thông giữa 2 xe ô tô đầu kéo. Vụ tai nạn không gây thiệt hại về người, song khiến một số tôn lượn sóng trên cao tốc bị hỏng. Phải mất thời gian dài, CSGT mới có mặt để phân luồng, giải quyết.
Khi chiều dài đường cao tốc đang lớn dần, việc đầu tư đồng bộ hệ thống ITS để quản lý, vận hành sẽ đảm bảo khai thác hiệu quả tối đa tuyến đường (Trong ảnh: Cao tốc Bắc - Nam đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu). Ảnh: Tạ Hải.
Đó chỉ là một trong rất nhiều sự cố giao thông xảy ra trên tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ. Theo Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ Vũ Ngọc Oánh, do trên tuyến chưa có hệ thống hệ thống ITS nên việc điều tiết giao thông, phát hiện sự cố gặp nhiều khó khăn.
"Nếu có hệ thống này, khi xảy ra tai nạn, thay vì tuần đường phải đến tận hiện trường thì qua trung tâm điều hành, có thể phát hiện và điều phối kịp thời. Hay khi trên tuyến xảy ra ùn tắc, có thể phân luồng, cảnh báo từ xa. Chúng tôi đang lập dự án đầu tư trình Bộ GTVT phê duyệt", ông Oánh nói.
Năm 2010, tuyến cao tốc đầu tiên khu vực phía Nam là cao tốc TP.HCM - Trung Lương đưa vào sử dụng. Sau hơn 5 năm, hệ thống ITS của cao tốc này do nhà thầu Hàn Quốc lắp đặt gặp nhiều hư hỏng, gần như không thể sử dụng. Đến năm 2020, hệ thống mới bắt đầu được sửa chữa nhưng phải thuê chuyên gia nước ngoài, rất phức tạp.
Trên tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, sau gần 10 năm vận hành, hệ thống ITS đã mang lại nhiều hiệu quả. Dọc tuyến được bố trí hệ thống camera giám sát nên những sự cố, tai nạn, đều được phát hiện và xử lý kịp thời. Những vi phạm như: Xe khách dừng đỗ, xe đi ngược chiều… cũng được ghi nhận bằng hình ảnh cung cấp cho lực lượng CSGT phạt nguội.
Theo ông Trần Anh Tú, Tổng giám đốc Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính VN, hệ thống ITS được đầu tư đồng bộ ngay từ khi lập dự án cao tốc. Trên tuyến cũng được lắp hệ thống biển điện tử, tự động cung cấp thông tin về tình trạng tuyến đường, mật độ xe hoặc có sự cố giúp lái xe kịp thời nắm bắt.
Mới có 8/35 tuyến được đầu tư
Hiệu quả là vậy, song đến nay cả nước mới chỉ có 8/35 tuyến cao tốc được đầu tư lắp đặt hệ thống ITS. Các hệ thống cũng chưa có sự đồng nhất, mỗi tuyến đầu tư công nghệ khác nhau.
8 tuyến đường cao tốc được đầu tư lắp đặt hệ thống ITS:
Hà Nội - Hải Phòng, Hạ Long - Vân Đồn, TP.HCM - Long Thành, Long Thành - Dầu Giây, TP.HCM - Trung Lương, Trung Lương - Mỹ Thuận, Pháp Vân - Cầu Giẽ, Cầu Giẽ - Ninh Bình.
Các hệ thống như truyền dẫn, camera quan sát, dò đếm xe, biển báo điện, hệ thống thu phí hoạt động độc lập, sử dụng các phần mềm riêng để thực hiện giám sát thủ công, không có sự giao tiếp, chia sẻ thông tin, không có cơ chế vận hành, tương tác tự động giữa các hệ thống.
Thêm nữa, Việt Nam chưa có quy hoạch hệ thống ITS quốc gia, dẫn đến việc đầu tư các hệ thống ITS không thống nhất được các dịch vụ ITS sẽ cung cấp. Hệ thống ITS đã được đầu tư chưa đồng bộ, chưa được kết nối giữa các tuyến với nhau hoặc chia sẻ dữ liệu tới các cơ quan quản lý Nhà nước, phục vụ việc giám sát giao thông ở phạm vi khu vực.
Đồng bộ ITS trên các tuyến cao tốc
Theo quy hoạch, mạng đường bộ cao tốc Việt Nam gồm 41 tuyến với tổng chiều dài hơn 9.000km. Đến nay, cả nước đã có 34 tuyến, đoạn tuyến cao tốc với tổng chiều dài 1.829km đưa vào khai thác. Dự kiến, đến năm 2025 sẽ đạt 3.000km và đến năm 2030 đạt 5.000km đường cao tốc.
Ông Đỗ Bá Dân, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Trí Nam - một đơn vị chuyên về công nghệ cho rằng, sẽ có hàng nghìn kilomet đường cao tốc đã được hoàn thành đưa vào khai thác trong tương lai gần. Đây là thời điểm chín muồi để hình thành hệ thống ITS bài bản để quản lý, vận hành.
"Hệ thống ITS có thành công và đồng nhất hay không cần có khung kiến trúc tổng thể về ITS. Thông tin giữa các tuyến liền kề phải giao tiếp, liên thông được với nhau và kết nối với trung tâm quốc gia. Khi tuyến này có tai nạn, phương tiện trên tuyến khác được cảnh báo kịp thời để chủ động chuyển hướng hoặc giảm tốc độ", ông Dân nói.
Ông Nguyễn Viết Huy, Phó cục trưởng Cục Đường cao tốc VN cho biết, hệ thống ITS có vai trò quan trọng không kém so với xây dựng tuyến đường. Vì thế, hệ thống ITS sẽ được đầu tư đồng bộ phục vụ cho quản lý, khai thác các tuyến cao tốc Bắc - Nam.
Lần triển khai này có điểm mới là sẽ không xây dựng trung tâm điều hành cho từng tuyến. Các trung tâm điều hành giao thông tuyến được xây dựng theo phương án ghép các tuyến cao tốc liền kề, đảm bảo trung bình từ 70 - 100km sẽ được điều hành bởi một trung tâm.
Đơn cử tuyến Cao Bồ - Mai Sơn và Mai Sơn - QL45, QL45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu sẽ có chung một trung tâm điều hành.
Theo phương án này, các tuyến cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 có 7 trung tâm điều hành 11 tuyến cao tốc. Tương tự, giai đoạn 2 có 8 trung tâm, điều hành 12 đoạn tuyến.
Về tiến độ, với các trung tâm thuộc cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1, Bộ GTVT đã phê duyệt thiết kế kỹ thuật về quy mô, thành phần, giải phóng xong mặt bằng xong 4 trung tâm, có 3 trung tâm đã thi công. Đối với các trung tâm giai đoạn 2 đã xác định vị trí và đang triển khai các bước đầu tư tiếp theo.
Các trung tâm điều hành sẽ dùng chung một phần mềm, bao gồm phần mềm lõi và các phần mềm quản lý giao thông để có sự kết nối, trao đổi thông tin, tương tác giữa các tuyến. Trước mắt, khi chưa có trung tâm điều hành giao thông quốc gia, sẽ lựa chọn 1 trung tâm tuyến có năng lực để điều hành, kết nối.
Ông Lê Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT) cho biết, trong tháng 4 sẽ phê duyệt xong thiết kế và dự toán, sau đó triển khai đấu thầu, đến tháng 6 sẽ khởi công. Kế hoạch đến cuối năm nay sẽ hoàn thành các trung tâm thuộc các dự án cao tốc giai đoạn 1.
Đối với giai đoạn 2, hình thức triển khai đầu tư hệ thống ITS cũng tương tự như giai đoạn 1. Các ban quản lý dự án đã lập tiến độ chi tiết cho từng dự án. Đến hết tháng 5 hoàn thành phê duyệt điều chỉnh dự án, sau đó đấu thầu triển khai thi công vào tháng 9.
Qua rà soát của các ban quản lý dự án, kinh phí còn lại của các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam cả hai giai đoạn là hơn 4.900 tỷ đồng. Số tiền này đủ để đầu tư các hạng mục còn lại của hệ thống ITS.
>>>> Xem thêm: