Hôm nay em có đọc được một bài về những con người thầm lặng luôn túc trực ngoài đường để giúp những người dân gặp khó khăn trên đường khi tham gia giao thông nên muốn chia sẽ với các bác trên đây để biết rằng cuộc sống vẫn có nhiều người tốt, nhiều người đáng tin.
Bắt đầu từ năm 2008, đều đặn mỗi đêm, các thành viên câu lạc bộ Hỗ trợ giao thông tỉnh Đồng Nai (SOS 117) gác lại thời gian riêng tư để ra Quốc lộ 51 (TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) chống “đinh tặc”. Theo đánh giá của anh Nguyễn Hữu Lợi, Đội trưởng câu lạc bộ SOS 117, đây là công việc phức tạp, khó khăn và nguy hiểm.
Tuy nhiên, với tâm niệm “tuổi trẻ phải làm được gì đó giúp ích cho đời, sống phải cho đi”, anh và những người cùng chí hướng đã lựa chọn bớt thời gian nghỉ ngơi để chống lại nạn rải đinh trên đoạn đường này.
Anh Lợi cho biết, nạn rải đinh trên Quốc lộ 51 rất nhiều. Hơn thế, người dân khi đi qua đoạn đường này thường thủng bánh xe. Và khi vào tiệm sửa, họ lại bị “chặt chém”.
“Người dân đi qua đoạn đường này, nhất là vào ban đêm nếu không có người giúp, rất khó khăn và nguy hiểm. Do đó tôi nghĩ đến việc thành lập đội giúp đỡ người hoạn nạn trên Quốc lộ 51. Sau đó, có thêm nhiều anh em tham gia. Chúng tôi không chỉ đi hút đinh mà còn hỗ trợ người gặp tai nạn,...”, anh Lợi nói.
Cũng theo anh, sau khi đội chế tạo ra chiếc máy hút đinh cơ động, mỗi đêm, đội hút được từ 400-500 chiếc đinh. Với “chiến tích” này, tình trạng người đi xe gắn máy trên Quốc lộ 51 bị té ngã do cán phải đinh giảm đáng kể.
Sau “nhiệm vụ” hút đinh, thành viên SOS 117 vươn xa hơn trong việc giúp ích cho đời bằng việc giúp đỡ người gặp nạn, tuyên truyền văn hóa an toàn giao thông, hạn chế bia rượu. Trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, với khát vọng người đi đường có Tết an toàn, đội lại tình nguyện ra đường canh gác “đinh tặc”.
Đội trưởng SOS 117 chia sẻ: “Kinh nghiệm của đội cho thấy, mỗi dịp lễ, Tết, nạn đinh tặc trên Quốc lộ 51 lại xuất hiện nhiều. Họ rải đinh như gieo mạ. Do đó, đội đã quyết định không nghỉ Tết để ra đường hút đinh, đảm bảo an toàn cho người đi đường”.
Theo đó, các thành viên trong câu lạc bộ đã thống nhất với nhau, ai về quê xa thì về, ai ở lại sẽ “trực chiến” trên đường mỗi đêm, bất kể ngày lễ, Tết.
Để đảm bảo hoạt động có hiệu quả, câu lạc bộ phân chia thành nhiều tổ công tác. Cứ 4 người thành một tổ, các tổ công tác này phối hợp chặt chẽ với nhau để hỗ trợ người dân.
Anh Lợi thông tin, trong những ngày Tết vừa qua, nhiệm vụ của câu lạc bộ không chỉ giới hạn trong việc hút đinh. Những ngày này, mỗi đêm, SOS 117 còn tham gia hỗ trợ người gặp tai nạn giao thông trên đường, giúp đỡ, đưa người say xỉn về nhà an toàn, đảm bảo an toàn tài sản cho người say xỉn,...
Theo anh Lợi, trực chiến ngoài đường những đêm Tết khó khăn hơn rất nhiều ngày thường. Bởi, dịp Tết, tình trạng người uống rượu, bia tham giao thông rất nhiều. Việc này cũng khiến tai nạn xảy ra nhiều hơn. Do đó, các thành viên câu lạc bộ phải “hoạt động gần như hết công suất”.
Không chỉ thế, thời điểm này, các anh còn đối mặt với “nhiệm vụ” hết sức khó khăn là đưa người say xỉn đến nơi an toàn. Anh nói: “Những ngày Tết, người say xỉn rất nhiều. Có người say đến nỗi ngủ ngoài đường, khi tỉnh thì mất hết tài sản. Do đó, chúng tôi phải hỗ trợ đưa họ về nhà hoặc đến nơi an toàn”.
“Đối mặt với người say xỉn rất khó khăn. Họ thường xuyên không hợp tác, thậm chí còn văng tục, đe dọa, hành hung mình,... Nói chung, công việc này rất nguy hiểm. Bởi, chúng tôi không biết chuyện gì có thể xảy ra trên đường, lúc mình đang giúp đỡ người ta”, người Đội trưởng SOS 117 cho biết thêm.
Một nỗi niềm sâu kín của chàng trai chưa lấy vợ.
Và, như các thành viên của câu lạc bộ chia sẻ, cảm giác đứng trực giữa thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới là kỷ niệm không phải ai cũng được trải qua. Đó là cảm giác vui, buồn đan xen khó tả.
Trong khi người Đội trưởng nhẹ nhàng nói, anh đã cảm thấy bình thường vì đã quen thì nhiều thành viên khác lại cho biết, khi pháo hoa bung nở trên trời đêm, các anh thoáng có chút nhớ nhà, nhớ người thân. Anh Lợi bộc bạch, đó là cảm xúc bình thường và tự nhiên của con người. Đó cũng là cảm xúc của chính anh lần đầu tiên đứng bên đường, quay lưng lại với ánh sáng pháo hoa để tham gia cuộc chiến chống “đinh tặc”.
Anh nói: “Lúc pháo hoa nổ vang, ánh sáng lung linh hắt lên mặt đường, hoa lá, tôi cũng có chút chạnh lòng. Tôi cũng như các anh em bây giờ, lúc đó cũng chạnh lòng nhớ về người thân. Bởi, trong khi người người cùng quây quần bên gia đình đón năm mới, chúng tôi lại lặng lẽ đứng trong gió lạnh trời đêm”.
Tuy nhiên, các thành viên cho biết, suy nghĩ ấy thoáng qua nhanh. Bởi, những cái bắt tay, cái ôm tri ân của những người không may gặp nạn trên đường đã xua tan tất cả.
“Chúng tôi không phải lực lượng chức năng, nhưng giúp được cho bà con và được bà con yêu quý như thế là hạnh phúc và tự hào lắm. Chút buồn ấy tan mau lắm. Chúng tôi nhanh chóng trở về với lòng tự hào và hạnh phúc”, một thành viên trong câu lạc bộ nói.
Sự yêu quý các thành viên SOS 117 đã được người dân không chỉ riêng TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai khẳng định. Theo ghi nhận của PV, trên trang cá nhân của đội, vô số người dân đã bày tỏ lòng tin yêu, biết ơn những con người này.
Chị Lê Thị Hoa Hồng (ngụ tỉnh Vũng Tàu) cho biết: “Nếu như không có các anh, có lẽ tôi đã không kịp về nhà đón Tết. Chỉ khi bạn bị hỏng xe giữa đêm vắng và mọi tiệm sửa xe, nhà nghỉ đều đóng cửa đón Tết mà được những người xa lạ giúp đỡ mới biết cuộc đời đáng sống đến chừng nào”.
Trong khi đó, người dân TP. Biên Hòa lại tỏ ra tự hào và khẳng định, hình ảnh những con người mặc trang phục đứng đảm bảo an ninh cho người dân trong lúc đón giao thừa thật đẹp biết bao.
Anh Lợi chia sẻ, hiện tại anh chưa dám nghĩ đến việc lập gia đình vì sợ làm khổ người mình thương. “Nếu mình chọn hạnh phúc riêng, câu lạc bộ sẽ khó có thể tồn tại lâu dài. Và tôi cũng đã xác định, khi sự nghiệp chưa thành thì chưa nghĩ đến chuyện gia đình. Do đó, tôi cũng không dám “sâu đậm” với ai vì sợ khiến người ta chờ đợi và suốt ngày phải ngóng trông mình”.
Chia tay các anh trong buổi chiều muộn, tôi không khỏi thầm cảm phục. Tận đáy lòng mình, tôi biết trong xã hội còn biết bao tâm lòng nhân hậu, những người vì cộng đồng, họ đã âm thầm đóng góp công sức, sự thiện lành cho xã hội. Họ đúng là những chiến binh âm thầm đáng khâm phục biết bao...
Người đưa tin.