Chầu trong tiếng dân gian hay tiếng lóng của tài xế bắt nguồn từ nghĩa "chầu rìa", "chầu chực". Từ này dễ gặp trong các ngữ cảnh khi nói về những người đứng bên ngoài của một sự việc nào đó (thường là ăn chơi giải trí) ví dụ như, ngồi chầu rìa cạnh những người chơi đánh bài, không được chơi chính thức, hoặc chỉ xem hoặc đợi tay bạc nào đó cháy túi thì sẽ vào thay.
Chầu còn có một nghĩa riêng khác nhưng phải ghép liền vời từ "hát", "hát chầu". Là một dạng nghệ thuật cổ xưa biểu diễn các thể loại ca trù, nói lối, múa may những bài dân gian, thường mang màu sắc bí ẩn hay đồng bóng. Khi gắn với từ "cầm", tức "cầm chầu" thì lúc này cụm từ đó lại chỉ những người vốn có uy tín, thế lực hoặc khả năng thẩm âm; sẽ dẫn dắt hoặc đóng vai như một nhà phê bình âm nhạc (thời nay) trong các đám hát chầu của thời phong kiến ngày xưa.
Trong cách nói truyền miệng của giới tài xế chạy đường dài từ lâu, chạy chầu mang nghĩa như lái phụ không chính thức, hoặc theo xe hoặc ở nhà đợi chủ xe cần có việc gọi là chạy ngay, tạm thay cho tài chính. Do vậy, chạy chầu khó có thể được hưởng thù lao ngang bằng với tài chính; hoặc cũng có những trường hợp hiếm hoi, chạy chầu được gọi đột xuất để cầm tài một chuyến xe bất chợt nào đó với mức thù lao rất cao nhưng duy nhất chỉ một chuyến đó mà thôi vì chủ đang rất cần.
Hóng mấy bác vào giải thích thêm những nghĩa của từ này để anh em cùng nhau hiểu thêm nhé.