Sưu tầm thấy bài này hay, các bác chạy số tự động nên lưu ý:</h2>Khi đạp ga mạnh, động cơ rú lên nhưng xe đi rất chậm thì có thể hộp số của xe đã bị lỗi do thiếu dầu.</h2>
Que thăm dầu hộp số (nếu có) sẽ có màu đỏ, trùng với màu của dầu bôi trơn hộp số
Khi mở ca-pô, bên cạnh que thăm dầu động cơ, bạn có thể nhìn thấy que thăm dầu hộp số (thường được ký hiệu là A/T OIL), hoặc cũng có thể không nhìn thấy. Nhiều nhà sản xuất xe sang như Bentley, Mercedes-Benz, BMW, Audi từ lâu đã loại bỏ que thăm dầu trên phần lớn các dòng xe của họ, và gần đây nhiều hãng sản xuất xe phổ thông khác (như Kia, Honda hay Toyota…) cũng làm như vậy trên nhiều dòng xe đời mới của mình.
Bạn có thể băn khoăn và đặt câu hỏi tại sao lại như vậy, và nếu không có que thăm dầu hộp số, cũng chẳng có cái đèn nào cảnh báo về mức dầu hộp số, thì làm sao để biết tình trạng dầu hộp số trên xe của bạn ra sao?
Câu trả lời sẽ nằm trong bài viết này, tuy nhiên, có thể tóm lược lại rằng vấn đề này tưởng chừng đơn giản, nhưng lại khá phức tạp và tiềm ẩn những nguy cơ có thể làm hỏng hộp số nếu người sử dụng không có kiến thức về dầu hộp số.
Dầu hộp số tự động có rất nhiều loại, thậm chí nhiều hãng còn có công thức dầu bôi trơn hộp số riêng, trong khi đó dầu cầu (ngoài cùng bên phải) thì ít loại hơn
Trên nhiều dòng xe cao cấp, dầu hộp số thậm chí không được phép thay thế tùy tiện, mà phải dùng loại dầu có công thức đặc biệt cho chủng loại hộp số của hãng đó, đơn cử như hãng Mercedes-Benz hay Toyota có hẳn công thức dầu hộp số cho các dòng xe hiện đại của mình. Vì vậy, Công việc này cần được thực hiện ở các gara chuyên nghiệp để hạn chế những rủi ro đáng tiếc.
Cũng chính vì những lý do đó, Autocar Vietnam không có ý định sẽ tư vấn để bạn có thể tự mày mò thay dầu hộp số (như bạn có thể làm với dầu động cơ), mà chỉ đơn giản là chỉ ra cho bạn những điều cần thiết nhất để sử dụng xe tốt hơn, tránh những sự cố gây thiệt hại.
Dầu hộp số thường có màu đỏ, dù của hãng nào
Thực tế là nếu không có sự cố nào xảy ra với hộp số do tác động bên ngoài (như va quệt, kịch gầm, gây hở gioăng) thì dầu bên trong rất ít khi bị hao hụt đến mức xảy ra trục trặc bất ngờ. Tuy nhiên, dầu hộp số được khuyến cáo thay thế sau khoảng 40.000km (nếu mỗi ngày chỉ chạy khoảng 30 – 40km thì 2 năm mới đạt được con số này) nên nhiều người có thể chủ quan và quên luôn.
Sự cố liên quan đến dầu hộp số
Bên trong một hộp số sàn, dầu bôi trơn chỉ đóng vai trò chủ đạo là bôi trơn, làm sạch và làm mát. Việc thiếu dầu bôi trơn hay dầu bẩn bên trong hộp số sàn có thể sẽ chỉ làm cho người lái cảm thấy khó chuyển số hơn, hoặc nặng là kẹt số. Chính vì vậy, hộp số sàn không hề kén dầu, mà hầu hết đều có thể sử dụng các loại dầu hộp số thông thường.
Nhưng câu chuyện sẽ khác xa khi nói đến hộp số tự động. Nguyên do là bên trong hộp số tự động, dầu không chỉ thực hiện những vai trò cơ bản như trong hộp số sàn (bôi trơn, làm sạch và làm mát), mà còn là thành phần không thể thiếu của hệ thống van và piston thủy lực điều khiển hoạt động của hộp số. Hàng loạt các tấm ma sát ở từng vị trí số được máy tính điều khiển ăn khớp và ép chặt vào nhau nhờ hệ thống thủy lực ấy.
Dầu bị rò rỉ sẽ làm ướt các chi tiết dưới gầm xe
Khi thiếu dầu, hệ thống bơm thủy lực hoạt động kém hiệu quả, dẫn đến lực ép không đủ lớn, khiến các tấm ma sát bị trượt. Hậu quả là động cơ vẫn tăng vòng tua, nhưng xe rất yếu, tăng tốc kém, trường hợp nặng có thể khiến các tấm ma sát trượt nhiều và bị cháy, không nhảy được số, và hậu quả nặng nhất làm hộp số hỏng hoàn toàn.
Việc thay dầu hộp số không đúng phẩm cấp cũng có thể là nguyên nhân gây hỏng hộp số. Nhiều hãng sản xuất xe như Bentley, BMW, Mercedes đều có loại dầu riêng cho các dòng xe đời mới của mình. Sự khác biệt về độ nhớt (đặc quá hoặc loãng quá) và khả năng chịu nhiệt có thể là những yếu tố làm sai lệch hoạt động của hộp số.
Ngoài ra, dầu hộp số sử dụng quá lâu mà không thay thế, bị bẩn và chứa nhiều mạt kim loại, cũng có thể là nguyên nhân nữa gây hư hỏng cho hộp số tự động. Các van và bơm thủy lực bên trong hộp số tự động là những chi tiết rất chính xác và rất dễ bị tắc hoặc kẹt, khiến hộp số hoạt động không đúng như thiết kế với những biểu hiện như nhảy số không phù hợp với tốc độ, giật cục, xe kém bốc,…
Dầu hộp số bị hao hụt có thể do hở gioăng
Một trong những việc đơn giản mà mỗi người lái xe có thể làm là theo dõi để phát hiện những dấu hiệu bất thường có thể xảy ra khiến dầu hộp số bị hao. Hãy quan sát vị trí mà bạn đỗ xe qua đêm. Nếu thấy có dầu chảy dưới sàn tại vị trí hộp số (thường ở vị trí cần số đối với xe có hộp số đặt dọc, trong khi một số xe có hộp số đặt ngang ngay bên trong khoang động cơ) thì cần mang ngay xe đến gara uy tín để kiểm tra và khắc phục.
Chu kỳ và chú ý khi thay dầu hộp số
Cũng giống như dầu động cơ, định kỳ thay dầu hộp số tùy thuộc vào điều kiện vận hành xe. Hãy đọc kỹ sách hướng dẫn sử dụng, hoặc tham khảo ý kiến tại các service uy tín để nắm rõ lịch thay dầu. Thông thường, các nhà sản xuất khuyến cáo cứ sau khoảng 40.000km thì cần thay dầu hộp số một lần, nhưng với những ai thường di chuyển trong phố với thời gian nổ máy lâu, lại hay phải chuyển số liên tục thì có thể điều chỉnh sớm hơn một chút.
Khi đưa xe đi thay dầu hộp số, bạn có thể quan sát xem dầu cũ thải ra còn tốt hay không. Dầu hộp số khi còn mới thường có màu đỏ tươi, và sau một thời gian sử dụng sẽ có màu đỏ thẫm. Còn nếu dầu cũ chảy ra mà có màu đen kết hợp với mùi khét thì đó là dấu hiệu cảnh báo. Có thể có lúc nào đó các má côn bên trong hộp số đã bị trượt, sinh nhiệt, khiến dầu bị cháy, chuyển thành màu đen và có mùi khét.
Khi dầu đã bị cháy thì cần thay cả bộ lọc dầu hộp số, bởi dầu cháy có thể sẽ tạo các mảng bám hoặc muội bùn bên trong, làm lọc bị tắc hoặc giảm chức năng lọc, khiến hộp số vẫn có thể bị lỗi ngay cả khi dầu đã được thay mới.
Dầu cầu – chuyện nhỏ nhưng đừng bỏ qua
Cùng nằm trong hệ thống dẫn động, nhưng cầu xe cũng rất dễ bị bỏ qua trong quá trình bảo dưỡng và sửa chữa. Các bánh răng vành chậu và bánh răng quả dứa nằm bên trong cầu xe không khó tính đến mức đòi hỏi loại dầu đặc biệt, nên dầu cầu thường rất đặc, với chỉ số độ nhớt có thể lên đến 70W90 hoặc 80W90, vừa có tác dụng bôi trơn, lại vừa làm cho cầu hoạt động êm hơn.
Dầu cầu không được thay thế định kỳ sẽ làm cho các bánh răng bị mòn, khiến cầu bị hú khi chạy xe
Tuy nhiên, các bánh răng đó thường làm việc với áp lực rất cao, ma sát lớn, nên có thể sinh ra nhiều mạt kim loại. Sau thời gian dài sử dụng mà dầu không được thay hoặc do thiếu dầu (hao dầu do vi sai bị va đập, hở…) chất bẩn bên trong sẽ đẩy nhanh quá trình mài mòn và làm trầy xước các bánh răng, khiến cầu bị kêu/hú khi chạy ở tốc độ cao.
Nguồn: Hoàng Nam (Autocar)