<h1>
Tiết lộ giật mình: trạm cân chỉ chịu tải… 40 tấn!</h1>
(PLO) - Đơn vị sản xuất “tố” 90% hư hỏng của trạm cân do người vận hành. Trong khi theo báo cáo của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, thì mức độ chịu tải của 67 trạm cân do Hanel sản xuất chỉ chịu được tải trọng 40 tấn.
Vừa qua, nhiều trạm cân quá tải lưu động bị hỏng hóc, không thể hoạt động khi trời mưa…Phóng viên phỏng vấn bà Bùi Thị Hải Yến - Phó Tổng Giám đốc Hanel (đơn vị sản xuất trạm cân) về nguyên nhân những trạm cân bạc tỷ… “lâm bệnh” mà Pháp luật Việt Nam đã có bài phản ánh.
Bà Bùi Thị Hải Yến - Phó Tổng Giám đốc Hanel
Có sai nhưng trong giới hạn cho phép
Là đơn vị được chỉ định thầu cung cấp hệ thống trạm cân cho Tổng cục Đường bộ Việt Nam, bà đánh giá thế nào về những trục trặc của các trạm cân thời gian qua?
-Bà Bùi Thị Hải Yến: Về chất lượng cân thì chúng tôi khẳng định không có sự bất cập. Bởi cân của chúng tôi đã được Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng xác định là có độ chính xác cao nhất, với mức độ chính xác lên đến 99,5%. Cân nào cũng được kiểm định duyệt mẫu trước khi sản xuất, từng chiếc cân đều được dán tem đã được kiểm định chứ không phải sản xuất theo lô. Do vậy có thể khẳng định cân của chúng tôi đảm bảo.
Nhưng, cần nói thêm rằng, cân do Hanel sản xuất có nguyên lý hoạt động. Cân của chúng tôi có hai nguyên lý cân tĩnh và cân động, cũng như cho phép sai số.
Thưa bà, nhiều địa phương phản ánh kết quả cân bị sai lệch từ 1 – 2%, vượt quá hạn mức 0,5% như Hanel công bố?
- Xin thưa các vị là phải đọc lại hướng dẫn sử dụng của bộ cân, trong yêu cầu của Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho phép sai số bao nhiêu, nếu vượt quá ngưỡng đó thì phải chuyển sang chế độ cân tĩnh. Đối với trường hợp tài xế khiếu nại cân ở nhà máy khác với kết quả ở trạm cân lưu động thì cũng cần phải kiểm tra cân của nhà máy.
Trường hợp chuyển sang cân tĩnh cũng có sai số thì sao?
- Sẽ có sai số trong phần đó nhưng tất cả sẽ nằm trong giới hạn cho phép. Nếu trả lời không có số liệu chính xác thì tôi xin không bình luận. Tôi cần phải có bằng chứng cụ thể cái xe đó biển số bao nhiêu, chúng ta sẽ làm việc trên biên bản của trạm cân.
90% trục trặc là do người sử dụng
Các địa phương như Thanh Hóa, Bình Thuận, Đồng Nai, Hà Nam đều phản ánh trạm cân có nhiều trục trặc như có kết quả cân khác nhau, không kết nối được với hệ thống của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, trời mưa thì bị chập chờn... Hanel có nhận được phản ánh này từ các địa phương?
- Chúng tôi nhận được rất nhiều ý kiến của các địa phương trong quá trình sử dụng. Nhưng tôi khẳng định luôn, 90% lỗi đó xuất phát từ người sử dụng. Bản thân các anh chị đó sử dụng chưa thành thục, ngoài ra có một số trường hợp khi Tổng cục Đường bộ Việt Nam gửi 240 người để Hanel đào tạo thì có rất nhiều người trong quá trình vận hành lại không nằm trong số 240 người được đào tạo nói trên. Anh có hình dung được không, chúng ta đòi hỏi độ chính xác cao nhưng chúng ta lại không phải là người được đào tạo sử dụng nó thì lỗi nằm ở đâu?
Lắp đặt trạm cân Hanel.
Hanel đã có khảo sát nào để chứng minh 90% lỗi này đều xuất phát từ người sử dụng?
- Có chứ. Ví dụ, dù chúng tôi yêu cầu phải đặt trạm cân trên mặt phẳng nhưng có nơi lại đặt ở vị trí mặt bằng là... đá dăm! Chúng tôi đã có công văn gửi Tổng cục Đường bộ Việt Nam để khuyến cáo 90% lỗi tại trạm cân là do người vận hành. 10% còn lại có những cái do phá, trong đó chưa đến 3% lỗi là xuất phát từ Hanel, chủ yếu là bị hỏng về đèn led, camera.
3% này có ảnh hưởng gì đến kết quả cân tải trọng không, thưa bà?
- Không ảnh hưởng đến kết quả nhưng trạm cân phải dừng hoạt động tại thời gian đó. Tôi cho rằng cân của Hanel tốt hơn các bộ cân nhập khẩu hiện giờ đang sử dụng tại Việt Nam.
Tải trọng tối đa là 40 tấn, tăng gấp đôi là phá hủy
Bà có thể công bố linh kiện của sản phẩm chủ yếu xuất xứ từ nước nào?
- Sản phẩm trạm cân của Hanel có tỷ lệ nội địa hóa là 60%, một số còn lại nhập từ các nước G7, bóng đèn led chúng tôi nhập từ Trung Quốc. Đây là những chi tiết quá nhỏ.
Thưa bà, mỗi bộ cân của Hanel chịu được tải trọng tối đa là bao nhiêu?
- Có hai mức tải trọng. Mức danh định chính thức là cân được từ 500kg đến 30 tấn, mức cho phép quá tải là từ 500kg đến 40 tấn. Và nếu tăng đến 200% thì đó là mức phá hủy.
Theo bà, trạm cân chỉ chịu được tải trọng 40 tấn có phù hợp với điều kiện vận tải ở Việt Nam hiện nay không, trong khi thống kê cho thấy có nhiều xe tải được thiết kế với tải trọng trên 40 tấn?
- Tôi nghĩ cái này anh phải hỏi Tổng cục Đường bộ Việt Nam.
Xin cảm ơn bà!