Từ những mẫu xe siêu sang đắt đỏ đến các dòng xe cỡ nhỏ có giá vài trăm triệu đồng, ô kính tam giác là bộ phận không thể thiếu. Khác kính cửa sổ, kính tam giác là loại cố định.
Kính tam giác được làm bằng kính cường lực chịu nhiệt, có độ bền bề mặt cao. Trên một vài mẫu xe sang, kính tam giác có thể được làm từ loại kính nhiều lớp, nhằm tăng khả năng cách âm, chống ồn, độ thoải mái cho hành khách trong xe.
Khi bị va đập mạnh kính tam giác bị vỡ thành những mảnh nhỏ như viên sỏi. Loại kính này khác với loại kính được sử dụng làm kính chắn gió của xe vốn được dát mỏng từ nhiều lớp thủy tinh và polyme. Do đó vẫn có thể sửa chữa được các vết xước nhỏ trên bề mặt kính chắn gió. Ngược lại, kính tam giác không thể sửa chữa bề mặt dù hư hỏng nhỏ nhất.
Thay toàn bộ tấm kính là lựa chọn duy nhất. Chi phí tuỳ vào loại xe đời xe, chẳng hạn tham khảo ở một số đại lý phụ tùng ô tô ở Hà Nội thì xe Hyundai i10 đời 2017, mức giá xấp xỉ 1 triệu đồng, xe Toyota Innova là 1,2 triệu đồng. Với các mẫu xe cao cấp như Mercedes E200 hoặc GLC mức giá dao động từ 5 đến 10 triệu đồng.
Kính tam giác trên xe Audi A7.
Kính tam giác hay còn gọi là kính một phần tư có từ năm 1950. Thời đó, kính tam giác đóng vai trò như một ô kính nhỏ hướng gió từ ngoài vào trong cabin để làm mát. Tên gọi “một phần tư” xuất phát từ thực tế ô kính này có kích thước xấp xỉ một phần tư cửa sổ chính và thường có hình tam giác.
Loại kính này cực kỳ phổ biến cho đến khi xuất hiện điều hoà không khí. Đồng thời, nhu cầu tiết kiệm xăng tốt nhất có thể bằng cách tinh giản thiết kế bên ngoài xe, việc sử dụng kính tam giác để thông gió trên ô tô hầu như không còn. Vậy tại sao ô kính tam giác vẫn được giữ lại đến ngày hôm nay ?
Câu trả lời là tăng khả năng quan sát của người lái, hành khách và tăng tính thẩm mỹ.
Không còn chức năng thông gió ban đầu, hầu hết nhà sản xuất xe hơi đều thiết kế kính tam giác cố định ở cửa xe hoặc thân xe, ví dụ Mercedes-Maybach S-Class dùng kính tam giác trên thân xe để phân biệt với S-Class bản thường. Đa số các dòng xe hiện đại ngày nay hiếm có kính tam giác ở cửa trước nhưng ở cửa sau vẫn còn loại kính này. Người dùng không thể nâng hoặc hạ kính tam giác như kính cửa sổ.
Ô kính tam giác liền thân xe, dấu hiệu đặc trưng riêng của Mercedes-Benz S-Class Maybach.
Ở cửa sau, kính tam giác có tác dụng hướng sáng, tăng độ thoải mái cho hành khách. Một số xe gầm cao như Honda CR-V, Ford Everest...v...v kính tam giác biến đổi hình dáng thành hình chữ nhật hoặc tứ giác và chia làm 2 vị trí: trên cửa xe và giữa hai trụ C, D. Phần kính tam giác giữa hai trụ C, D làm tăng thẩm mỹ của xe. Thiếu đi chi tiết này chiếc xe trông như một phiên bản chở hàng.