<h2>Theo TS. Cao Sỹ Kiêm, phải nhất quyết không hạ chuẩn tín dụng. Bởi ngân hàng cũng là ngành kinh doanh nên phải bảo toàn được nguồn vốn, phải quay vòng được vốn một cách hiệu quả. Nếu bây giờ tiếp tục bơm vốn cho các DN không có sức sống, không trả được nợ dẫn tới nợ xấu, nợ quá hạn nhiều thì hậu quả càng nặng nề hơn.</h2>
Ông Cao Sỹ Kiêm
Xung quanh vấn đề điều hành CSTT để tháo gỡ khó khăn cho DN và việc triển khai gói tín dụng cho vay mua nhà ở 30.000 tỷ đồng, TS. Cao Sỹ Kiêm (ảnh bên) - nguyên Thống đốc NHNN Việt Nam cho rằng, thời gian qua lĩnh vực tiền tệ đã có những tháo gỡ tích cực, tạo điều kiện cho DN, hỗ trợ cho nền kinh tế. Cụ thể, lãi suất cho vay đã được các ngân hàng tích cực cắt giảm liên tục. Tuy nhiên tín dụng vào nền kinh tế vẫn tăng chậm. Trước thực tế này, nhiều người vẫn đặt ra vấn đề ngân hàng có nên tiếp tục hạ chuẩn để cứu DN và nền kinh tế hay không.
Thế nhưng theo TS. Kiêm, phải nhất quyết không hạ chuẩn tín dụng. Bởi ngân hàng cũng là ngành kinh doanh nên phải bảo toàn được nguồn vốn, phải quay vòng được vốn một cách hiệu quả. Nếu bây giờ tiếp tục bơm vốn cho các DN không có sức sống, không trả được nợ dẫn tới nợ xấu, nợ quá hạn nhiều thì hậu quả càng nặng nề hơn.
Vấn đề là Chính phủ phải tiếp tục đẩy mạnh các chính sách để củng cố sự hồi phục nền kinh tế, tạo điều kiện cho DN hấp thụ được vốn vay. Hiện dư địa của CSTT không còn nhiều, mà phải hỗ trợ bằng các chính sách khác để tăng tổng cầu, như điều chỉnh thuế, giảm chi phí sản xuất xã hội, cải cách thủ tục hành chính...
Dư luận đang rất quan tâm đến gói tín dụng cho vay hỗ trợ nhà ở. Từng làm trong ngành Ngân hàng nhiều năm, ông có chia sẻ gì?
Gói tín dụng này nhắm tới đối tượng người có thu nhập thấp. Song vấn đề băn khoăn của người dân ở đây là mức lương bao nhiêu mới có thể vay được nguồn vốn này. Theo tôi, để đảm bảo khả năng trả nợ, ít nhất cả hai vợ chồng cũng có thu nhập từ 9-15 triệu đồng/tháng. Tôi nói thu nhập khoảng mức trên là bởi giá của các căn hộ hiện rất khác nhau. Chẳng hạn có những căn hộ giá chỉ 500 triệu đồng, có loại 700 triệu đồng hay 1 tỷ đồng và được vay thời hạn từ 10 năm đến 15 năm.
Nếu như thu nhập 9-10 triệu đồng/tháng, trừ chi tiêu hàng ngày, hộ gia đình đó phải dành 3 – 4 triệu đồng trả nợ ngân hàng; còn với thu nhập 15 triệu đồng thì phải dành 5-6 triệu đồng để trả nợ. Bởi vậy, khi xét duyệt cho vay thì ngân hàng phải xem đối tượng vay vốn có khả năng trả nợ được hay không để đảm bảo an toàn đồng vốn, tránh nợ đọng phát sinh.
Tóm lại, phải nhìn nhận đây là chương trình tín dụng mang ý nghĩa chính sách, sự chia sẻ từ phía ngân hàng chứ không phải vốn ngân sách Nhà nước cấp cho đối tượng mua nhà ở xã hội. Mặc dù lãi suất cho vay thấp, thời hạn dài, nhưng người vay phải có nguồn thu nhập đủ để trả gốc và lãi theo định kỳ cho ngân hàng.
Theo ông, nếu tổng thu nhập của hai vợ chồng từ 6-8 triệu đồng/tháng thì có nên cho vay?
Chắc chắn là sẽ khó thu nợ với người vay có mức thu nhập như vậy. Hơn nữa nếu mức thu nhập đó chỉ có thể cho vay mua căn hộ 300 triệu đồng và kéo dài trong thời hạn 10 năm thì được. Nhưng hiện nay căn hộ thấp cũng phải có giá từ 500-700 triệu đồng, thậm chí 1 tỷ đồng. Bởi vậy, nếu khách hàng có mức thu nhập thấp như vậy sẽ rất khó được ngân hàng chấp nhận cho vay.
Vậy sự chia sẻ của ngân hàng đối với người vay ở đây là gì?
Thông tư 11 của NHNN quy định cho vay đến 10 năm, lãi suất chỉ bằng hoặc dưới 6%/năm. Nhưng nếu người vay chỉ vay trong thời gian ít hơn thì mức trả tiền gốc và tiền lãi mỗi kỳ sẽ nhiều lên. Vấn đề này các NHTM sẽ linh động với từng khách hàng, không có gì đáng lo ngại. Mấu chốt đối với người vay là phải chứng minh được khả năng trả nợ.
So với các gói tín dụng thông thường, chương trình này đã có nhiều ưu đãi, nhưng người vay vẫn phải đáp ứng những tiêu chuẩn nhất định thì ngân hàng mới thấy khả năng thu hồi được vốn vay. Vì vậy, cùng với ngân hàng cần có sự hỗ trợ của các Bộ, ngành, địa phương để đảm bảo các thủ tục, giấy tờ nhanh gọn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.
Nguồn: vietstock.vn