Hà Nội, TP HCM và địa phương có nguy cơ cao ô nhiễm không khí phải thu hồi, loại bỏ xe cũ nát, không đảm bảo tiêu chuẩn lưu hành, gây ô nhiễm môi trường.
Ngày 18/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ban hành chỉ thị tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường, trong đó yêu cầu các địa phương đẩy nhanh phát triển hệ thống giao thông công cộng, ưu tiên phương tiện dùng năng lượng sạch, không phát thải. Người dân được khuyến khích đi lại bằng giao thông công cộng, giảm phương tiện cá nhân.
Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm hoàn chỉnh hệ thống quy chuẩn quốc gia về môi trường với khí thải phương tiện giao thông đường bộ. Cuối năm 2021, Bộ báo cáo Thủ tướng về lộ trình áp dụng quy chuẩn này với các loại xe, xây dựng chứng nhận nhãn sinh thái với phương tiện thân thiện môi trường.
Chính phủ giao Bộ Giao thông Vận tải khẩn trương phát triển phương tiện, hệ thống giao thông thân thiện môi trường, trong đó có xe điện. Bộ Công thương xây dựng chính sách khuyến khích dùng năng lượng sạch, rà soát việc sử dụng nhiên liệu cho xe cơ giới đúng quy chuẩn. Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành quy chuẩn quốc gia về nhiên liệu, theo hướng giảm phát thải gây ô nhiễm không khí.
Hà Nội, TP HCM và những nơi có nguy cơ cao ô nhiễm không khí xây dựng biện pháp ứng phó nếu ô nhiễm nghiêm trọng; kiểm kê nguồn khí thải, quan trắc về ô nhiễm bụi (PM10, PM2.5); hoàn thành cuối năm 2021.
Chính phủ đề nghị địa phương hỗ trợ các hộ gia đình, kinh doanh nhỏ tiến tới không dùng than, than tổ ong trong sinh hoạt, từ đầu năm nay.
Trước đó đầu tháng 1, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị Hà Nội, TP HCM thu hồi, loại bỏ phương tiện cơ giới cũ nát, lạc hậu, không đảm bảo tiêu chuẩn lưu hành gây ô nhiễm môi trường.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, thời gian gần đây, mức độ ô nhiễm không khí tại một số đô thị lớn, đặc biệt là TP Hà Nội và TP HCM gia tăng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội. Nguyên nhân chính là bụi, khí thải từ phương tiện giao thông, hoạt động xây dựng, công nghiệp với lượng thải lớn và chưa được kiểm soát hiệu quả kết hợp với yếu tố thời tiết bất lợi (nghịch nhiệt) trong giai đoạn giao mùa.
"Chúng tôi đưa ra đề nghị trên để các địa phương nghiên cứu, xây dựng lộ trình thích hợp khi ban hành quy chuẩn. Trước mắt là vận động người dân tự giác bỏ các loại xe cũ, lạc hậu", Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân nói.
Sau đó, ông Nguyễn Văn Phương, Phó phòng Chất lượng xe cơ giới (Cục Đăng kiểm Việt Nam), đề xuất nên kiểm soát xe cũ nát, lạc hậu thông qua việc kiểm kê khí thải, nghĩa là đo lượng khí thải của xe, nếu đáp ứng quy định thì được lưu hành.
Nguồn:
Vnexpress