Bước sang năm 2022, hàng loạt chính sách mới sẽ có hiệu lực, điều chỉnh nhiều hoạt động liên quan trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội. Trong đó, một số chính sách được áp dụng ngay trong ngày đầu của năm mới.
Xả nhiều rác phải trả nhiều tiền
Đây là điểm mới trong Luật Bảo vệ môi trường 2020, sẽ có hiệu lực từ 1/1/2022. Luật này quy định chặt chẽ hơn về nghĩa vụ phân loại rác thải sinh hoạt của mỗi gia đình, cá nhân.
Cụ thể, hộ gia đình, cá nhân không phân loại rác sẽ bị từ chối thu gom, vận chuyển, thậm chí còn bị thông báo cho cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra và xử lý theo quy định. Hiện nay, theo Nghị định 155 năm 2016, không phân loại rác có thể sẽ bị phạt từ 15 đến 20 triệu đồng.
Ngoài ra, Luật mới cũng quy định giá của dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt sẽ được tính dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại. Kể từ ngày 1/1/2022, gia đình, cá nhân nào xả nhiều rác thì phải trả nhiều tiền.
https://www.otosaigon.com/javascript:;
Trước khi có luật mới này, phí thu gom rác thải được tính theo cơ chế cào bằng, người xả nhiều hay xả ít cùng đều đóng phí như nhau. Điều này được cho là không công bằng và không tạo động lực để người dân hạn chế xả rác, góp phần bảo vệ môi trường.
Xử phạt ôtô kinh doanh vận tải không lắp camera giám sát
Bắt đầu từ ngày đầu tiên của năm mới 2022, ôtô không có camera giám sát sẽ bị xử phạt theo quy định trong Nghị quyết 66 của Chính phủ.
Quy định xử phạt này lẽ ra được áp dụng từ ngày 1/7/2021 theo Nghị định 100. Sau đó, Chính phủ tiếp tục ra Nghị quyết 66 tạm ngưng việc xử phạt nêu trên hết ngày 31/12/2021.
Tức là, từ ngày 1/1/2022, ôtô kinh doanh vận tải gồm: taxi, xe khách, xe buýt, xe hợp đồng… bắt buộc phải lắp camera giám sát, nếu không sẽ bị xử phạt 1-2 triệu đồng.
10 ngày điều chỉnh giá xăng một lần
Có hiệu lực từ 2/1/2022, Nghị định 95 sửa đổi Nghị định 83 về kinh doanh xăng, dầu.
Nghị định 95 quy định giá xăng dầu sẽ được điều chỉnh vào các ngày mùng 1, 11 và ngày 21 hàng tháng, tức là 10 ngày một lần. Nếu trùng vào ngày nghỉ, ngày lễ thì được lùi sang ngày làm việc tiếp theo sau ngày nghỉ; nếu trùng vào dịp nghỉ Tết Nguyên đán thì được lùi sang kỳ điều chỉnh tiếp theo.
Trước đây, Nghị định 83 quy định khoảng cách giữa hai lần điều chỉnh giá liên tiếp tối thiểu là 15 ngày đối với trường hợp tăng giá, tối đa là 15 ngày đối với trường hợp giảm giá.
Việc rút ngắn khoảng cách giữa hai lần điều chỉnh giá, xăng của Nghị định 95 nhằm tránh tình trạng tăng giá sốc, giảm giá chậm như hiện nay.
Tăng thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn
Đây là nội dung đáng chú ý tại Nghị định 102 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế, hóa đơn; hải quan, kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số... Nghị định chính thức có hiệu lực từ 1/1/2022.
Theo đó, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn là 2 năm, tăng gấp đôi so với quy định hiện hành.
Ngoài ra, Nghị định này còn bổ sung quy định về xử phạt hành vi làm mất, cháy, hỏng hóa đơn với mức phạt 4-8 triệu đồng khi có một trong các hành vi: Làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã phát hành, đã mua của cơ quan thuế nhưng chưa lập; làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã lập nhưng chưa khai thuế...
Nguồn:
Zing