Trên thị trường hiện có rất nhiều loại mũ bảo hiểm (MBH) với nhiều nhãn hiệu, nguồn gốc khác nhau, chất lượng và giá cả cũng rất khác nhau. Trong đó đa số được sản xuất trong nước, nhưng bên cạnh đó là một số lượng lớn hàng nhập chưa qua kiểm định tại Việt Nam.
Tiêu chí quan trọng nhất để chọn MBH là An toàn, do vậy chất lượng mũ phải được chú trọng trước tiên chứ không phải giá cả. MBH đảm bảo an toàn phải qua kiểm định của các cơ quan kiểm định uy tín gồm nhiều tiêu chí như kích cỡ, chất liệu, trọng lượng, độ bền va đập… giảm thiểu rủi ro chấn thương cho người sử dụng khi xảy ra tai nạn. Sau khi đảm bảo chắc chắn loại mũ An toàn thì mới nên cân nhắc hình thức và sự tiện dụng.
Có bao nhiêu loại mũ bảo hiểm?
Có 3 loại mũ chính: loại mũ che nửa đầu (Half Face), che cả đầu, tai (Open Face hay còn gọi là 3/4) và mũ che cả hàm (Full Face).
Mỗi loại được sử dụng vào hoàn cảnh và tốc độ vận chuyển tương ứng khác nhau. Do vậy, hãy chọn chiếc mũ có khả năng bảo vệ
nhiều nhất có thể, tốt nhất nên chọn loại mũ che chắn cả đầu, tai và hàm, đặc biệt với những người đi xe phân khối lớn hoặc chạy đường dài và tốc độ cao.
Xem biểu đồ tỉ lệ vùng chấn thương sẽ thấy và hiểu tại sao ở hầu hết các nước họ không dùng loại nón nửa đầu như đa số người dân ở Việt Nam đang dùng.
Bạn mong muốn bảo vệ bao nhiêu phần trên đầu của mình?
CHỌN MŨ BẢO HIỂM NHƯ THẾ NÀO LÀ AN TOAN CHO BẠN?
1. Cách chọn size.
Đây là một bước rất quan trọng. Khả năng bảo vệ của MBH có thể bị giảm đi đáng kể nếu quá rộng. Mũ quá chật khiến máu lưu thông đến não không tốt gây thiếu tập trung khi vận hành phương tiện giao thông.
Dùng thước dây quấn quanh vòng đầu, tại vị trí trên chân mày 2cm. Lấy kết quả thu được so với bảng size của từng hãng sản xuất xác định size mũ tương ứng. Có thể sử dụng bảo size bên dưới để xác định size mũ một cách cơ bản (khuyến cáo người tiêu dùng so với bảng size của nhà sản xuất)
Nếu kết quả nằm giữa 2 size, nên ưu tiên chọn size lớn liền kề. Lý do: sử dụng nón lớn hơn một ít để có thể sử dụng trùm đầu, khăn thấm mồ hôi mà không gây khó chịu do nón quá chật. Ngoài ra, cần một chiếc mũ vừa đủ thoải mái để máu huyết lưu thông tốt về đầu, giữ được sự tỉnh táo và tập trung tối đa khi điều khiển xe.
Sau khi đội vào, các bạn giữ nón lắc qua trái phải, trước sau, nếu mũ không dễ di chuyển thì đó là kích thước phù hợp. Sẽ cảm thấy hơi áp lực ở phần má, nhưng không cảm thấy đau là phù hợp vì mũ cũng cần có 1 điểm tựa để cố định.
2. Lớp hấp thụ xung động.
Quan trọng không kém là lớp hấp thụ xung động làm bằng vật liệu mềm như xốp, nằm ngay sát vỏ cứng. Va đập giữa vỏ với nền cứng chỉ trong tích tắc tạo ra xung lực lớn, nhưng nhờ lớp xốp mềm bị nén, năng lượng va chạm được hấp thụ mà lực tác động trực tiếp đến đầu giảm. Lớp xốp càng mỏng hấp thụ lực càng kém. Nhưng nếu nạn nhân đội mũ quá dày, trong tình huống cả phần vai và đầu chạm đất thì cổ có thể bị gãy hoặc truyền lực lớn lên đầu. Nhiều người lầm tưởng rằng lớp đệm này càng mềm thì càng chịu được sự va đập cao nhưng theo lời khuyên của các chuyên gia, lõi xốp của mũ phải cứng, mịn và không bị lõm khi ấn mạnh ngón tay.
Một điều mà ít người biết đó là phần hấp tụ xung động kết hợp với lớp lót bên trong nón phải tròn, méo.. theo cấu tạo hộp sọ. Nếu có một khoảng trống giữa lớp hấp thụ xung động và hộp sọ thì lúc va chạm hộp sọ cũng va chạm với MBH làm gia tăng lực gây chấn thương nặng hơn. Vì vậy, phải thử mũ bảo hiểm có hình dáng phù hợp với cấu tạo hộp sọ là một điều rất quan trọng. Tuy vậy ở hầu hết cửa hàng bán MBH hoàn toàn không có bộ phận kỹ thuật để điều chỉnh phần lót này cho khách hàng.
3. Quai đeo.
Bộ phận quai đeo giữ mũ không bị lật ngược về phía sau khi xe chạy ở vận tốc cao, cản gió lớn. Không cài quai hoặc để quai lỏng, mũ dễ bị chuyển dịch lệch làm mất tập trung thậm chí chính chiếc mũ làm tổn thương cho đầu.
4. Trọng lượng và chất liệu.
Vỏ mũ thường làm bằng vật liệu nhựa dẻo (ABS, EPS…) composite hoặc sợi carbon.. phần cấu tạo này quyết định về giá của chiếc MBH rất lớn vì nếu mũ càng nhẹ (dùng vật liệu là sợi tổng hợp, sợi carbon..) thì giá thành đắt hơn nhiều lần so với làm bằng chất liệu nhựa. Nếu MBH càng rẻ thì ngoài các yếu tố khác thì chất liệu làm vỏ nón chắc chắn không đảm bảo phù hợp và an toàn.
5. Màu sắc và thiết kế bên ngoài.
Với nhiều người tiêu dùng, đây là tiêu chí hàng đầu khi mua mũ; thậm chí không cần quan tâm tiêu chí an toàn. Tuy nhiên nó cũng có phần đúng nếu MBH có màu sáng sẽ giúp nâng cao khả năng nhận diện khi đi trên đường. Không phải ai cũng muốn đội một chiếc mũ có màu cam phản quang nhưng để đảm bảo an toàn, nhất là khi lưu thông trong trời tối, tầm nhìn hạn chế, hãy cố gắng chọn mua chiếc mũ có màu sáng và tương phản nhất có thể.
Dù đạt tiêu chuẩn an toàn, để phát huy tác dụng bảo vệ, cũng cần đội mũ đúng cách theo các bước sau:
Bước 1: Đội mũ bảo hiểm sao cho vành trước mũ song song với chân mày và cách chân mày khoảng 2 lóng tay.
Bước 2: Điều chỉnh quai mũ cho chắc chắn và ôm sát thùy tai.
Bước 3: Đưa 2 ngón tay xuống dưới cằm, nếu đưa vừa 2 ngón tay là được. Không nên cài quai mũ quá chật hoặc quá lỏng để tránh ảnh hưởng đến người đội hoặc mũ có thể văng ra ngoài.
Hãy dành ít nhất là 5 phút để đội thử chiếc mũ định mua. Việc này có thể sẽ khiến bạn có chút ngại ngùng nhưng lại rất cần thiết. Bạn có thể cảm nhận được những chố chưa thoải mái của mũ trong lúc thử để sau đó đưa ra lựa chọn chính xác cho mình.
Lưu ý: Không nên mượn mũ hoặc cho người khác mượn mũ nếu kích thước đầu và nón không phù hợp.
***Từ "AN TOÀN" trong bài này mang tính chất tương đối, vì vai trò của MBH là hạn chế và hấp thu lực va đập, nên nếu va đập lớn hơn NGƯỠNG CHO PHÉP thì phần lực còn lại không hấp thu hết sẽ vẫn tác động lên đầu người đội gây nguy hiểm. Tùy tiêu chuẩn an toàn SNELL (international), DOT (Mỹ), ECE (Euro), JIS (Japan), TIS (Thailand), CR (Vietnam)...mà ngưỡng cho phép khác nhau (bốn tiêu chuẩn đầu là tốt nhất).
Chúc các bạn có sự lựa chọn sáng suốt và an toàn!
Phuhaonguyen