PHẦN 3 :
Loại vật liệu này được sử dụng để giảm mức chấn động (vibration) của một môi trường rung động. Nó rất hữu hiệu trong việc triệt tiêu rung động tại tần số cộng hưởng. Tần số cộng hưởng là mức rung động/ âm thanh đạt cao nhất và các panel hưởng ứng, giống như khi tiếng chuông ngân nga - đó là tần số cộng hưởng của chuông. Việc áp dụng một cách hiệu quả vật liệu giảm chấn sẽ tạo nên một kết quả khả quan mà các bác có thể cảm nhận được thông qua việc đặt tay hoặc ngón chân vào panel mà vật liệu đang được sử dụng.
Hiệu quả về âm học bị hạn chế bởi thực tế là chỉ tần số cộng hưởng bị triệt tiêu, mặc dù việc gia tăng trọng lượng của các panel khi được phủ lên một lớp giảm chấn cũng có tác dụng tăng hệ số cản âm, bạn nên tham khảo lại phần vật liệu cản âm nếu không nhớ hệ số cản âm là gì. Hệ số suy hao âm thanh (Acoustic Loss Factor) hay còn được gọi là hệ số giảm chấn (Loss Factor) là thông số đặc trưng của loại vật liệu này, thể hiện khả năng làm suy hao ồn cơ học (Structure-borne Noise) của vật liệu.
Nó cho ta biết bao nhiêu phần trăm năng lượng rung động (Vibrational energy) được chuyển sang nhiệt năng thay vì chuyển hoá thành âm thanh- tiếng ồn. Hệ số này có mức 1 là mức lý tưởng có nghĩa là không có rung động. Thông thường một miếng thép có độ dày 0.8mm, độ dầy giống như vỏ, nóc và cửa các xe hạng phổ thông lắp ráp ở ta, có hệ số giảm chấn là 0.001. Với những loại vật liệu tốt hệ số này có thể đạt đến 0.22.
Vật liệu giảm chấn thông thường làm giảm biên độ rung động của panel mà nó được áp dụng bằng việc sinh ra nhiệt năng. Có hai loại vật liệu giảm chấn chính là vật liệu dẻo-đàn hồi (Visco-elastic damping material) và vật liệu giảm chấn ma sát (Friction damping material). Loại vật liệu dẻo-đàn hồi sẽ tạo ra nhiệt năng trong quá trình biến dạng của nó. Khi được tối ưu hoá về độ cứng cũng như hệ số suy hao âm thanh nội tạng, hiệu xuất giảm chấn của vật liệu sẽ được tối ưu khi đưa vào áp dụng.
Vì hiệu năng của vật liệu phụ thuộc vào độ cứng nên hệ số giảm chấn sẽ thay đổi tuỳ theo nhiệt độ. Điều này hết sức quan trọng để ta lựa chọn vật liệu.
Bên cạnh đó, ta cũng cần lưu ý là độ dày của vật này liệu phải tối thiểu bằng 1/2 độ dầy của lớp panel mà nó đang được áp dụng. Asphalt là một dạng của vật liệu này được sử dụng rất rộng rãi ở trong các xe lắp trong nước ta vì tính sẵn có của vật liệu và nó là loại kinh tế nhất trong dòng vật liệu này.
Ngoài ra, phải kể đến loại vật liệu gốc nhựa như Polyme Acrylic, cao su Butyl, vật liệu giảm chấn hỗn hợp dạng kim loại-nhựa-kim loại (Metal-Plastic-Metal)…. Đây là những loại rất tốt được sử dụng rộng rãi trên thế giới và các xe cao cấp lắp ráp ở ta, tuy nhiên giá nó khá cao. Ở nhiệt độ 86OF với tần số 200Hz vật liệu này có độ giảm chấn rất ấn tượng là 0.259 gấp hơn 10 lần so với vật liệu gốc at-phan.
Cao su Butyl (tên khoa học là Polyisobutylene) là vật liệu tổng hợp gốc từ hóa dầu chứ không phải là cao su nhân tạo. Nó có cấu trúc tương tự như polyetyhylene ngoại trừ nguyên tử carbon thứ 2 có các liên kết với hai nhóm methyl (CH3).
Vật liệu này có tính lý hóa cực hay như kín khí không cho khí đi qua, chống ozone hóa, rất dẻo, chịu nhiệt tốt …. nên được sử dụng rộng rãi trong các ứng dụng làm kín như lớp trong cùng của lốp không xăm, bóng, kẹo cao su …. và là vật liệu tốt nhất dùng cho ứng dụng giảm chấn. Với vật liệu ma sát khi được áp dụng tại một bề mặt có rung động, chuyển động giữa vật liệu và bề mặt đó sẽ tạo ra ma sát mà vì vậy làm giảm năng lượng rung động của bề mặt. Khi vật liệu càng nặng thì độ cọ sát càng lớn và vì vậy cũng làm tăng khả năng giảm chấn của vật liệu. Sợi thuỷ tinh, xốp Polyurethane, nỉ, sợi cốt-tông là những dạng vật liệu của loại này.
Ngoài ra, vật liệu tốt là điều cần thiết đầu tiên, tuy nhiên việc áp dụng nó trong xe hơi thì chẳng dễ tí nào. Một loại vật liệu giảm chấn dạng chất lỏng là một sự lựa chọn không tồi. Loại này rất phù hợp với các nhà sản xuất xe vì nó phun được nhiều nơi mà dùng tay khó thao tác. Vật liệu này có nhiều dạng khác nhau nhưng thường ở dạng acrylic chưa lưu hóa, sau khi phun vào bề mặt panel gặp không khí sẽ lưu hóa thành một màng dạng chất rắn bám rất chắc vào panel.
Sau khi phun xong, thao tác tốn khá nhiều thời gian do phải tháo hết các phần liên quan, che chắn kẻo nó bắn vào nội thất, kết quả không được như mong muốn.
Khi áp dụng với lớp dầy 3mm ở nhiệt độ 40[SUP]o[/SUP] C hệ số giảm chấn của nó là 0.15 – khá “ấn tượng” đấy. Tuy vậy, thực tế ta chỉ phun được 1-2mm vì phải đợi các lớp trước khô rất lâu. Ở độ dày như vậy, hệ số giảm chấn sẽ tụt xuống còn có 0.05-0.1