Dù giá bán cao hơn so với nhiều nước, nhưng
chuẩn an toàn cho xe hơi tại thị trường VN lại được quy định rất thấp.
[xtable=bcenter]
{tbody}
{tr}
{td}
Camry Mỹ (trái) có 10 túi khí thì Camry VN chỉ có 2 - 7 túi khí - Ảnh: TL{/td}
{/tr}
{/tbody}
[/xtable]
Camry Mỹ 10 túi khí, Camry Việt 2 túi khí
Toyota Camry vốn là một trong những mẫu xe bán chạy ở cả thị trường VN lẫn Mỹ. Thế nhưng, tiêu chuẩn an toàn của dòng xe Camry được sản xuất tại VN được chấp nhận thấp hơn hẳn. Cụ thể, theo trang mạng của Toyota Mỹ, phiên bản Camry rẻ nhất là LE được trang bị đến 10 túi khí. Trong khi đó, theo trang mạng của Toyota VN thì phiên bản Camry rẻ nhất là 2.0E chỉ được trang bị 2 túi khí cho người lái và hành khách ghế trước. Thậm chí, phiên bản đắt nhất của Camry ở VN là 2.5Q cũng chỉ được trang bị 7 túi khí. Tất nhiên, ở đây không bàn đến vấn đề giá bán, bởi các chính sách thuế khiến giá xe tại VN cao hơn rất nhiều so với Mỹ.
Tương tự như Toyota, các dòng xe hơi của Honda VN cũng được trang bị ít túi khí hơn so với xe Mỹ. Cụ thể, mẫu Civic hay CR-V của VN chỉ được trang bị 4 túi khí, ít hơn 2 túi khí so với các dòng xe cùng loại tại thị trường Mỹ. Vì thế, 2 dòng xe Honda Civic và CR-V tại thị trường VN đều thiếu hệ thống túi khí rèm vốn hỗ trợ bảo vệ phần trên của người ngồi ở cả trước và sau xe.
Không chỉ thua xe hơi Mỹ, xe hơi tại thị trường VN thường được trang bị tính năng an toàn ít hơn cả xe hơi các nước trong khu vực Đông Nam Á, điển hình là Thái Lan. Theo trang mạng của Toyota Thái Lan, mẫu xe Fortuner tại thị trường này có phiên bản được trang bị khá đầy đủ các tiêu chuẩn an toàn như: Hệ thống chống bó cứng phanh (ABS), Hệ thống phân phối lực phanh điện tử, Hệ thống kiểm soát lực kéo, Hệ thống cân bằng điện tử... Trong khi đó, theo trang mạng của Toyota VN, về các tiêu chuẩn trên, Fortuner tại thị trường nước ta chỉ “an phận” với hệ thống chống bó cứng phanh.
Từ cuối năm ngoái, châu Âu đã thông qua quy định toàn bộ xe hơi nhỏ và xe thương mại nặng đến 3,5 tấn khi đăng ký mới phải có hệ thống cân bằng điện tử (ESP) để tăng tính an toàn. Quy định này cũng được áp dụng tại Mỹ từ vài năm qua. Trước khi yêu cầu trang bị ESP, từ năm 2007, châu Âu cũng đã bắt buộc tất cả các xe hơi đăng ký mới phải có trang bị ABS. Một tiêu chuẩn an toàn khác là túi khí cũng được quan tâm từ sớm. Cụ thể, từ cuối thập niên 1990, túi khí trở thành tiêu chuẩn bắt buộc cho xe đăng ký mới tại Mỹ.
Không riêng gì các nước phát triển, ngay cả Ấn Độ cũng đang đẩy mạnh các tiêu chuẩn về an toàn. Vừa qua, tờ Hindustan Times dẫn thông báo từ chính phủ Ấn Độ cho hay từ cuối năm nay, ABS và túi khí, hệ thống nhắc đeo dây an toàn... trở thành quy chuẩn bắt buộc cho mọi xe đăng ký mới tại nước này...
Đường nâng, xe chưa nâng
Về phía cơ quan chức năng, ông Nguyễn Xuân Trường, chuyên viên của Phòng Chất lượng xe cơ giới (Cục Đăng kiểm VN, Bộ GTVT), cho biết tiêu chuẩn về an toàn đối với xe cơ giới gồm nhiều hạng mục: hệ thống phanh, lái, đèn tín hiệu, đèn vị trí, yêu cầu về động cơ khả năng tăng tốc... Hiện các tiêu chuẩn chung về an toàn đối với xe cơ giới được áp dụng theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (QCVN 09) được Bộ GTVT ban hành năm 2011 thay thế cho các tiêu chuẩn đã ban hành năm 2006. Dù cho rằng các tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn VN đã có sự thay đổi lớn theo hướng ngày càng tốt hơn, nhưng ông Trường cũng thừa nhận đang có sự khác biệt lớn về tiêu chuẩn an toàn giữa các nước, các khu vực và thị trường.
Bên cạnh đó, ông Đỗ Hữu Đức, nguyên Cục phó Cục Đăng kiểm VN, cũng cho hay không chỉ riêng VN mà các nước trong khối ASEAN cũng không có quy định về túi khí trong hệ thống an toàn của ô tô, trong khi đó tại một số nước tiên tiến có quy định xe hơi bắt buộc phải có 2 túi khí, 1 cho bên lái và 1 cho bên ngồi phụ ở phía trước: “Hiện các nước ASEAN đang có một bộ tiêu chuẩn cho các xe lưu hành tại các nước này sẽ có hiệu lực vào cuối năm nay nhưng trong danh mục thiết bị an toàn phương tiện không đề cập gì đến túi an toàn”. Ông Đức nói và cho rằng đây sẽ là một điều bất cập và muốn khắc phục chắc cần phải có một thời gian dài.
Trong khi đó, một chuyên gia về ô tô nhận xét túi khí có vai trò đặc biệt quan trọng đảm bảo an toàn tính mạng cho người ngồi trong ô tô nhưng tiêu chuẩn an toàn về ô tô VN lại không hề có quy định về loại thiết bị này, trong đó có những phương tiện chở người suốt ngày là taxi nhưng không hề trang bị túi khí. Vị này cũng đưa ra một nghịch lý, đối với xe hạng trung như ô tô Camry ở Nhật và Mỹ khi bán ra thị trường đều có ít nhất 6 túi khí, trong khi ở VN chỉ có 2 túi khí. “Bởi lẽ cơ quan quản lý nhà nước không yêu cầu thì doanh nghiệp tội gì trang bị thêm để tốn thêm tiền, trong khi túi khí là thiết bị tốn rất nhiều tiền”, vị này nói thêm.
Hệ thống tiêu chuẩn VN về an toàn đang khá bất cập, bởi bộ tiêu chuẩn chỉ dựa vào các nhà sản xuất đưa ra chứ không có một bộ quy chuẩn riêng về an toàn. “Cùng một chiếc xe ô tô, khách hàng VN phải bỏ ra số tiền gấp 3 lần người tiêu dùng Mỹ nhưng lại nhận được sản phẩm kém an toàn rất xa người Mỹ là điều rất nghịch lý”, vị này nói.
Bên cạnh đó, những năm qua, đường sá nước ta đã được nâng cấp, mở rộng đáng kể, thậm chí có cả cao tốc cho phép chạy với tốc độ 120 km/giờ, chứ không phải chỉ giới hạn 60 - 80 km/giờ như trước đây. Chính vì thế, cần sớm đưa ra một lộ trình để nâng cao tiêu chuẩn an toàn có các yêu cầu bắt buộc như ABS, túi khí, hệ thống cân bằng điện tử... Có như thế, các phương tiện mới được tăng cường khả năng đảm bảo tương xứng với chất lượng đường sá, và xu hướng thế giới.
Ngô Minh Trí - Thái Sơn
http://www.thanhnien.com.vn/chinh-tri-xa-hoi/chuan-an-toan-cho-xe-hoi-qua-beo-559073.html