26/11/24
0
0
0
23
Để được cấp chứng chỉ hành nghề đại lý thuế, cá nhân phải đáp ứng các điều kiện dự thi theo quy định. Cùng tìm hiểu cụ thể những điều kiện này qua bài viết sau.

1. Điều kiện thi chứng chỉ hành nghề đại lý thuế

Theo quy định tại Điều 4 Thông tư 10/2021/TT-BTC, điều kiện thi chứng chỉ hành nghề đại lý thuế được quy định như sau:

– Là người Việt Nam hoặc người nước ngoài được phép cư trú tại Việt Nam tối thiểu từ 12 tháng trở lên.

– Có đầy đủ năng lực hành vi dân sự theo pháp luật Việt Nam.

– Có bằng tốt nghiệp trình độ đại học trở lên thuộc ngành/chuyên ngành thuế, kinh tế, tài chính, kiểm toán, kế toán, luật hoặc có bằng tốt nghiệp trình độ đại học trở lên thuộc các chuyên ngành khác mà tổng số đơn vị học trình/tín chỉ/tiết học của các môn về thuế, kinh tế, tài chính, kiểm toán, kế toán, phân tích hoạt động tài chính từ 7% trở lên trên tổng số học trình/tín chỉ/tiết học của cả khóa học.

– Có thời gian công tác trong lĩnh vực thuế, tài chính, kiểm toán, kế toán tối thiểu từ 36 tháng trở lên. Thời gian công tác thực tế được tính cộng dồn từ thời gian tốt nghiệp được ghi trên bằng tốt nghiệp đại học (hoặc sau đại học) cho đến thời điểm đăng ký dự thi chứng chỉ hành nghề đại lý thuế.

– Nộp đầy đủ hồ sơ để dự thi và chi phí theo quy định.

2. Chứng chỉ đại lý thuế có thời hạn bao lâu?

Chứng chỉ đại lý thuế có thời hạn tối đa là 05 năm (60 tháng), nhưng thời hạn không quá ngày 31/12 của năm thứ 5 kể từ năm chứng chỉ đại lý thuế có hiệu lực.

3. Chứng chỉ đại lý thuế phải thi mấy môn?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Thông tư 10/2021/TT-BTC, chứng chỉ đại lý thuế phải thi 02 môn là: Môn pháp luật về thuế và môn kế toán, cụ thể:

– Đối với môn pháp luật về thuế, nội dung môn thi bao gồm: Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành quản lý thuế, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế tài nguyên và các loại thuế khác; phí, lệ phí thuộc Ngân sách của Nhà nước.

– Đối với môn thi kế toán, nội dung môn thi bao gồm: Luật kế toán, các chuẩn mực kế toán, chế độ kế toán áp dụng cho doanh nghiệp, các văn bản pháp luật khác liên quan đến kế toán.

4. Trường hợp nào được miễn môn thi chứng chỉ hành nghề đại lý thuế?

Căn cứ Điều 11 Thông tư 10/2021/TT-BTC, trong một số trường hợp người thi chứng chỉ hành nghề đại lý thuế sẽ được miễn môn thi, cụ thể như sau:

– Miễn môn thi pháp luật về thuế đối với người dự thi đã có thời gian làm việc trong ngành thuế, nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:

  • Có thời gian 60 tháng liên tục tính đến thời điểm nghỉ hưu, nghỉ việc, kiểm tra viên thuế, giữ ngạch chuyên viên, chức danh nghề nghiệp giảng viên hạng III; và có thời gian làm việc liên quan đến công tác quản lý thuế/giảng dạy nghiệp vụ về thuế tối thiểu 36 tháng (được cộng dồn trong 05 năm làm việc đến thời điểm nghỉ hưu/nghỉ việc).
  • Trong khi thi hành công vụ không bị kỷ luật hành chính từ hình thức khiển trách trở lên trong thời gian 24 tháng tính đến thời điểm nghỉ hưu/nghỉ việc.
  • Đăng ký xét miễn môn thi trong thời gian 36 tháng tính từ tháng nghỉ hưu/nghỉ việc.
– Miễn môn thi kế toán đối với người dự thi chứng chỉ hành nghề nếu đáp ứng một trong các điều kiện sau đây:

  • Người đã tốt nghiệp đại học hoặc sau đại học thuộc ngành, chuyên ngành về kế toán, kiểm toán; có thời gian làm kế toán, kiểm toán từ 60 tháng liên tục trở lên tính đến thời điểm đăng ký xét miễn môn thi chứng chỉ hành nghề. Thời gian làm kế toán, kiểm toán tính từ sau khi tốt nghiệp đại học/sau đại học thuộc ngành, chuyên ngành kế toán, kiểm toán đến thời điểm đăng ký xét miễn môn thi chứng chỉ hành nghề đại lý thuế.
  • Người đã đạt yêu cầu về môn thi kế toán tài chính, kế toán quản trị nâng cao, đồng thời đang còn trong thời gian bảo lưu tại kỳ thi cấp chứng chỉ kế toán viên, kiểm toán viên được tổ chức bởi Bộ Tài chính.
– Miễn môn thi pháp luật về thuế và môn kế toán đối với người đáp ứng một trong các trường hợp sau đây:

  • Người có chứng chỉ kế toán viên/kiểm toán viên do cơ quan có thẩm quyền cấp theo quy định.
  • Người đã có thời gian làm việc trong ngành thuế tối thiểu 10 năm liên tục tính cho đến thời điểm nghỉ hưu, nghỉ việc mà đáp ứng các điều kiện dưới đây:
+ Đã giữ ngạch chuyên viên, kiểm tra viên thuế, giữ chức danh nghề nghiệp giảng viên (hạng III) tối thiểu 10 năm, hoặc có ngạch chuyên viên chính, kiểm tra viên chính, chức danh nghề nghiệp giảng viên chính (hạng II) trở lên; có thời gian công tác quản lý thuế hoặc giảng dạy nghiệp vụ về thuế ít nhất 60 tháng (được cộng dồn trong 10 năm làm việc cho đến thời điểm nghỉ hưu/nghỉ việc).

+ Trong khi thi hành công vụ không bị xử lý kỷ luật với hình thức khiển trách trở lên trong 24 tháng tính đến thời điểm nghỉ hưu/nghỉ việc.

+ Đăng ký xét miễn môn thi trong 36 tháng kể từ tháng nghỉ hưu/nghỉ việc.