Em chào các bác,
Em tự giới thiệu em là Long, lâu lâu mới lên diễn đàn để đọc bài của anh em mà vẫn thấy thiếu thiếu, hóa ra cái thiếu là "sự gọn gàng trong bếp" của những bản thiết kế. Hôm nay em viết bài chia sẻ này không phải vì em là sale tủ bếp hay gì gì đâu nhé.
Trước tiên, các bác có công nhận với em một điều là: đối với người Việt, cái nhà bếp và cái nhà cầu/nhà tắm là hai nơi bừa bộn nhất !? Không sớm thì muộn, qua một quá trình sử dụng sẽ phát sinh hàng tá đồ đạc mà không biết để đi đâu, cứ cho nó nằm phơi ra chình ình như chiến trận.
Cụ thể hơn, em nói chuyện cái bếp trước. Em thấy hầu như anh em thiết kế mắc phải cái lỗi thiết kế công năng tủ bếp là chỉ xoay quanh cái quy luật tam giác: tủ lạnh (lưu trữ) - bồn rửa (sơ chế) - bếp nấu (chế biến), mà vô tình bỏ qua những cái công năng nho nhỏ khác ở bên trong từng giai đoạn. Ban đầu nhìn tủ bếp rất đẹp-gọn-sạch nhưng sau vài năm thì ôi thôi, ước gì có thêm 1 cái nữa.
Thí dụ: Trong giai đoạn sơ chế, cũng cần dao, nĩa, bát, đĩa, gia vị...sang giai đoạn chế biến cũng có dao, nĩa, bát, đĩa...vậy dao, nĩa, bát, đĩa đó xài chung? Dao cắt thịt sống cắt chung với thịt chín? hay là cắt thịt sống xong quay sang rửa rồi quay lại cắt thịt chín ?...Mất thời gian và lãng phí tài nguyên.
Như vậy, tùy theo giao thông của từng giai đoạn nấu bếp mà chúng ta cần chia nhỏ ra những vị trí cần đặt vật dụng sao cho công việc làm bếp của chúng ta được tiện lợi nhất, minh chứng rõ nhất là càng nhiều người làm càng không bị ảnh hưởng nhau (chứ em thấy, nếu như với 1 cái bếp bình thường mà có 3 người làm bếp thì y như rằng đụng giao thông, chờ đợi nhau là điều chắc chắn, không khéo còn đấm nhau).
Tiếp đó, chúng ta phân định, đồ nào hay dùng thì nằm tủ dưới, đồ ít dùng nằm tủ trên. Nếu hộc tủ dưới có ngăn chia đợt ngang thì đồ nào nhỏ gọn ưu tiên nàm trên, đồ nào nặng/lớn thì đặt ở dưới. Với hộc tủ treo phía trên, đồ nào hay dùng để phía dưới, đồ càng ít dùng càng để lên cao.
Sau khi phân định được vị trí đồ dùng, chúng ta tính tiếp chuyện ướt và khô. Nguyên tắc: ướt thì phải giải quyết cho khô, khô thì không được hở. Do đó, những ngăn hộc nào các bác để đồ ướt thì cần phải thiết kế vị trí thu nước và xử lý hơi ẩm. Ngăn hộc nào để vị trí đồ khô thì phải có lớp cách ẩm.
Bước sau cùng là, tính chuyện cửa lùa hay cửa mở, ngăn kéo hay đợt hở. Ngăn kéo có tác dụng chiếm ít diện tích thao tác nhưng tốn kém chi phí, nên để những đồ nhỏ như gia vị, dao muỗng đũa. Cửa mở thì tốn diện tích, tốn nhiều thao tác; phù hợp với chỗ để xoong nồi chảo...những vật có kích thước lớn. Cửa lùa thì tiết kiệm diện tích bên ngoài nhưng tốn diện tích phần lưu thông bên trong nên thường bố trí ở tủ treo, để những đồ ít sử dụng. Đợt hở thì bố trí những đồ hay sử dụng tới như khăn tay, giấy lau...
Phần tủ treo, các bác lưu ý giúp em phần" không gian với tay và không gian không bị với tay, nguy hiểm rình rập là ở chỗ này, nếu các bác không muốn một ngày đẹp trời mới mở cánh tủ trên ra mà cả đống đồ đổ ập xuống?. Tốt nhất, nên phân định rõ ràng 2 vùng không gian này ra bằng ngăn hộc riêng, làm tới đâu lấy tới đó, không để chung.
Màu mè thêm tí, vị trí bồn rửa và vị trí bếp nấu rất cần có đèn chiếu sáng, vì vậy đừng tiếc lắp mấy bóng ánh sáng trắng tự nhiên để làm bếp cho chuẩn và mát mẻ nhé, đừng có bị hùa theo ánh sáng vàng (đám bảo rửa chén xong cũng toát mồ hôi như xông riềng sả).
Bây giờ có khá nhiều phụ kiện hỗ trợ cho các bác bố trí vật dụng trong tủ bếp, các bác có thể lên mạng tham khảo thêm. Dưới đây là một số hình ảnh cái bếp em tính toán thiết kế và lắp cho khách:
Cảm ơn các bác đã xem tin.