Công nghệ động cơ EcoBoost mới ra đời cách đây không lâu đã đem lại cho Ford thành công rực rỡ.
Mỗi tháng trên toàn cầu Ford bán được 70.000 xe trang bị công nghệ EcoBoost. Động cơ EcoBoost chiếm 42% nhãn hiệu pickup F-150, 89% nhãn hiệu Escape và 52% trên xe Fusion. Tháng trước, lần thứ 2 liên tiếp, động cơ 1 lít EcoBoost của Ford vinh dự đón nhận danh hiệu “Động cơ của Năm”. Điều đặc biệt là 1 lít EcoBoost nhận được số điểm bình chọn cao nhất trong vòng 15 năm qua. Động cơ này sẽ trang bị cho Ford Fiesta 2014 được giới thiệu vào tháng 10 tới.
Điều gì đem lại thành công cho EcoBoost?
Tìm hiểu về các thiết bị giúp tăng công suất và giảm tiêu thụ nhiên liệu, người ta không thấy EcoBoost có gì mới ngoài những công nghệ tiên tiến mà các nhà sản xuất ô tô khác đang áp dụng như: turbo tăng áp, phun nhiên liệu trực tiếp và van có thời gian đóng mở biến thiên.
Vậy điều gì giúp cho EcoBoost tạo nên sự khác biệt?
[pagebreak]
Chắc mọi người còn nhớ cách đây hơn 10 ngày, trước việc phản ánh của tạp chí Báo cáo tiêu dùng (CR) Ford hybrid, được EPA đánh giá có mức tiêu thụ nhiên liệu 47 mpg (5 lít /100km) trên đường cao tốc do được kiểm tra ở tốc độ 100 km/giờ. Nhưng trên thực tế các xe hybrid của Ford tiêu hao nhiên liệu nhiều hơn từ 17 đến 21%. Xác định được nguyên nhân của sự việc này do người Mỹ có thói quen lái xe trên 100 km/giờ trên đường cao tốc, Ford đã hiệu chỉnh lại phần mềm những xe này để có thể đạt mức tiêu thụ nhiên liệu thấp ở tốc độ 136 km/giờ mà không cần đụng chạm đến phần cứng.
Vai trò của phần mềm điều khiển trong công nghiệp ô tô càng thể hiện rõ ràng hơn khi phần mềm đôi khi có thể thay thế được phần cứng. Để sản xuất động cơ chu kỳ Atkinson tiết kiệm nhiên liệu, hãng Honda chế tạo một bộ phận gồm 3 chi tiết cơ khí nhằm tăng kỳ dãn và giảm kỳ hút nén. Toyota và các nhà sản xuất ô tô khác cũng tạo ra được hiệu ứng Atkinson tăng dãn giảm hút nén mà không bổ sung phần cứng động cơ, chỉ dùng phần mềm để tác động đến thời gian đóng và mở van.
Công nghiệp ô tô, từ lâu không còn là lãnh vực riêng của ngành cơ khí nữa, đã có sự tham gia của công nghệ thông tin. Nhưng ngày nay, công nghệ thông tin đã chiếm tỷ trọng cao hơn cơ khí trong việc sản xuất động cơ ô tô. David Bell, người phụ trách phần mềm điều khiển toàn cầu của Ford phát biểu: “Phần cứng cần phải có, nhưng không có phần mềm, EcoBoost không thể gặt hái thành công đối với người tiêu dùng như hôm nay”, Phần mềm điều khiển hệ thống EcoBoost đã trở thành "thứ nước sốt bí mật" của Ford.
Hôm 26/07, trong một thông cáo báo chí, Ford tiết lộ người đem lại thành công EcoBoost là Mikhail Igor Kluzner, một chuyên gia của Sô Viết cũ đã định cư tại Mỹ từ năm 1990. Tại Mỹ, Mike Kluzner đã có 20 bằng sáng chế về phần mềm phân tích.
Khi còn ở Liên bang Sô Viết, Kluzner mở đầu sự nghiệp bằng việc thiết kế phần mềm điều khiển hệ thống vũ khí laser có thể tiêu diệt vệ tinh của kẻ địch.
Kluzner, gia nhập Ford vào năm 1996, là một trong hàng chục chuyên gia lập trình phần mềm điều khiển hệ thống động lực EcoBoost của Ford.
Động cơ EcoBoost có hàng chục cảm biến về áp suất, nhiệt độ, nồng độ oxy, CO2 ở cửa hút, buồng đốt và ống xả. Những dữ liệu được cảm biến cung cấp phải được bộ vi xử lý trung tâm phân tích và đưa ra những quyết định điều khiển phun nhiên liệu, đóng mở van một cách tối ưu, để động cơ mạnh hơn, sạch hơn và tiết kiệm nhiên liệu hơn. Những việc này EcoBoost thực hiện tốt nhờ vào phần mềm chuẩn đoán của Kluzner xử lý nhanh và chính xác.
Kluzner thừa nhận những kiến thức có được khi thiết kế phần mềm điều khiển vũ khí laser ở Sô Viết rất hữu ích trong việc thiết kế phần mềm EcoBoost. Cả hai đều dựa vào những phân tích vật lý, cơ học và hóa học.
Ford còn tiết lộ, trong nhóm lập trình còn có 2 chuyên gia có quá trình tương tự. Một người thiết kế phần mềm phát hiện những thiệt hại vỏ bọc chịu nhiệt trên tàu con thoi quốc tế, một người làm việc trong lĩnh vực vật lý hạt nhân.
Nguồn: autoblog - media.ford