Miền Nam không có nhiều núi cao, bởi vậy độ cao 986m của núi Bà Đen (Tây Ninh) cũng trở thành đỉnh cao nhất.
Tết Nguyên đán, rằm tháng giêng và những ngày rằm khác, trong dòng người từ các tỉnh đổ về thể hiện lòng thành tâm cũng có nhiều người trẻ thích một lần chinh phục núi.
Những sinh viên khoa hóa ĐH Sư phạm TP.HCM lên đến đỉnh
Từ chân núi lên tới đỉnh 7km đường mòn đá dốc đứng một góc 40-60 độ, quá đủ hiểm nguy cho những tay leo núi chân trần, chiều theo sự hứng khởi nhất thời. Mất 2-4 giờ để lên đến đỉnh và xấp xỉ chừng ấy thời gian để quay xuống.
Leo núi theo hội
Đi hành hương du lịch thành từng nhóm, người trẻ… hè nhau leo núi theo nhóm. Những đôi yêu nhau dìu nhau qua từng kẹt đá, luồn qua từng bọng cây. Những nhóm bạn, có nhóm cả chục người bám vào các mỏm đá vừa “bò” vừa gọi nhau í ới. Leo núi cao mệt, người góp một tiếng pha trò, động viên nhau rộn ràng. Hội ở thành phố, hội Bình Dương, hội Tây Ninh, hội Long An… Hai ba hội gặp nhau giữa đường nhập thành một "hò dô ta" leo núi.
Chui qua hang động
Qua chùa Bà 500m vắng người, vách đá bắt đầu dựng đứng 60 độ, hết thanh vịn, những hội leo núi chuyển sang… bò. Có hội vài người bỏ cuộc ghé quán cóc ven núi leo võng nằm ngủ chờ đồng đội chinh phục đỉnh núi xong rồi... về. Có hội leo vài trăm mét đã mỏi gối chồn chân thất thểu quay trở lại. Cơ hội lên đỉnh cao chỉ dành cho người can đảm, có sức khỏe và ý chí.
Không chỉ leo núi ban ngày, các hội còn leo núi cả ban đêm. Không có đèn pin, các bạn trẻ sử dụng điện thoại di động phát sáng. Đêm tối, vách đá cao nguy hiểm, thế mà chốc chốc lại có hội leo núi dìu nhau đăng sơn cắm trại.
Còn bao lâu tới đỉnh?
Có thể gọi đây là câu nói trong ngày của những tay leo núi amateur. Câu hỏi này được xuất ra trong mọi trạng huống. Người hỏi có thể vừa thở hồng hộc vừa hỏi, có thể vừa ôm khư khư tảng đá (chống tuột) vừa hỏi, có thể đang ngồi nghỉ trong lùm cây cất tiếng hỏi.
Chui qua rễ cổ thụ
Có thể bắt gặp những đoạn đối thoại sau: “Còn bao lâu tới đỉnh?". "Còn khoảng hai tiếng, nhưng yên tâm, mấy bồ sức trẻ, cứ leo sẽ đến!”. “Còn bao lâu tới đỉnh?". "Xa lắm, bây giờ mà leo thì tối mới tới được nơi lận!”. “Còn bao lâu tới đỉnh?". "Leo đi em, trên đó đẹp lắm!”. “Còn bao lâu tới đỉnh?". "Leo xa quá, tụi tui nản tụt xuống lại nè!”… Các tay leo nghiệp dư gặp ai cũng siêng hỏi, và chỉ hỏi một câu như thế.
Các câu trả lời phần lớn đều đúng và sắc thái thì phong phú: động viên, hù dọa, chán nản… Người leo lên nếu tâm lý không vững vàng nghe những câu hù dọa sẽ dễ dàng bỏ cuộc. Càng lên cao người leo núi càng ít, chốc chốc mới bắt gặp một nhóm. Số lượng tay leo bỏ cuộc, thất thểu trở xuống nhiều hơn những người đã chạm đỉnh quay về. Có nhóm bỏ cuộc vừa tụt xuống vừa hài hước lý sự: “Leo tới nửa đường cũng hơn cả hàng ngàn người… không leo!".
Tụt xuống nhanh hơn nhưng nguy hiểm hơn
Những người trẻ là tín đồ tin vào sự phù hộ độ trì thì tới động nào vào thắp hương ở động đó. Giữa các chặng nghỉ ngơi xuất hiện nhiều động có truyền thuyết thiêng liêng: động Thanh Long, động Ông Tà, động Bạch Hổ. Họ liên tục thắp hương vì sức lực có hạn, chưa chắc đã leo tiếp nổi: “Đi tới đâu biết tới đấy” - một tay leo núi đến từ Nha Trang cho hay.
Đỉnh Bà Đen có gì?
Bãi đá “lưu danh”
Ở độ cao xấp xỉ 1.000m, đứng dưới nhìn lên người ta luôn thấy màn mây mỏng tang vây quanh đỉnh núi. Khí hậu ở độ cao 986m khá mát mẻ. Những nhóm bạn ở lại ban đêm nếu không mang theo túi ngủ, chăn đệm chắc chắn co mình vì rét. Ven đỉnh núi mỗi sáng đều nghe tiếng gà rừng gáy. Có “nhà leo núi” mang theo túi lạc đã luộc chín, thiu thiu ngủ thì bị “kẻ gian” lấy mất. “Kẻ gian” ở trên núi Bà - không ai khác chính là những chú khỉ lém lỉnh và hiếu động.
Khi tham gia leo núi Bà Đen các bạn nên mang theo nước suối (không đá) và thức ăn nhẹ, giàu năng lượng. Giữa chặng đường leo núi có những quán cóc bán nước nhưng giá cao. Nên mang giày thể thao có độ bám tốt. Mang theo áo ấm, túi ngủ nếu quyết định ở lại đỉnh núi qua đêm. Trong hành lý nên có băng, gạc phòng rủi ro.
Mở mắt ban sáng trên núi đón bình minh và một rừng cỏ lau. Tháng giêng cỏ lau rợp trắng. Nhìn xuống không gian mênh mông đồng bằng Tây Ninh. Những con đường đất đỏ và những mảnh ruộng xanh rờn mắt. Hồ Dầu Tiếng rộng như biển, có thể nhìn rõ hơn với những ai chu đáo mang theo ống nhòm.
Việc đầu tiên của các “hội” leo núi nghiệp dư lên đến đỉnh là nhảy cẫng lên sung sướng, có người thắp hương ngay để khấn Bà, có kẻ khắc tên mình lên đá báo hiệu “Ta đã đến nơi đây!”. Các đôi yêu nhau thì khắc trái tim cùng những lời tỏ tình. Ai cũng mừng vui và dường như trong suy nghĩ của họ - những người công nhân quanh năm suốt tháng với những dây chuyền sản xuất - đóng gói bao bì, những SV bên cuốn giáo trình dày cộm, những học sinh ngập đầu với những môn học… chinh phục đỉnh Bà Đen cũng “hoành tráng” như chinh phục nóc nhà Everest vậy.
Mệt thì tụt xuống bằng cái này ah