<h2>Những người lo lắng nhất cho số phận của Dự án VP5 Linh Đàm có lẽ không phải là chủ đầu tư, mà là giới “cò” ôm căn hộ tại dự án này.</h2>*
Chủ đầu tư VP5 Linh Đàm “không thể cấm” cò mồi
*
Hà Nội: Làm rõ chuyện “cò” căn hộ ở VP5 Linh Đàm
*
Rao bán rầm rộ căn hộ dự án bị đình chỉ thi công
Nguội lạnh nhanh chóng
Dự án VP5 Linh Đàm có tên gọi đầy đủ là Khu dịch vụ tổng hợp và nhà ở VP5, hồ Linh Đàm (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội).
VP5 Linh Đàm bị tạm đình chỉ thi công do chưa làm thủ tục khởi công với chính quyền địa phương
Dự án được Công ty cổ phần Sản xuất - Xuất nhập khẩu BEMES (thuộc Công ty Xây dựng tư nhân số 1 tỉnh Điện Biên do ông Lê Thanh Thản làm Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc, nổi tiếng với các dự án chung cư Đại Thanh, Kim Văn - Kim Lũ) mua lại từ Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Thành Nam với đầy đủ cơ sở pháp lý, bao gồm thông báo khởi công công trình.
Theo quy hoạch được UBND TP. Hà Nội phê duyệt, Dự án có quy mô 29 tầng, khối đế 5 tầng, không kể tầng hầm và tầng kỹ thuật. Dự án được Công ty cổ phần Sản xuất - Xuất nhập khẩu BEMES khởi công xây dựng từ tháng 3/2013.
Tuy nhiên, hiện tại, Dự án bị UBND phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai yêu cầu tạm đình chỉ thi công do chủ đầu tư mới chưa thực hiện thông báo và làm thủ tục khởi công xây dựng công trình với chính quyền địa phương.
Theo thông tin từ Công ty BEMES, đơn vị này đã có văn bản báo cáo Bộ Xây dựng, UBND TP. Hà Nội về những vướng mắc tại Dự án và xác lập các điều kiện cần thiết để thi công Dự án VP5 Linh Đàm. Câu trả lời có thể có trong nửa cuối tháng 7/2013.
Tuy nhiên, Dự án VP5 Linh Đàm bị đình chỉ thi công với chủ đầu tư có thể chỉ là một “tai nạn”, nhưng những “cò đất” có thể phải ôm trái đắng khi thị trường nhanh chóng nguội lạnh. Thông thường, các đợt làm giá tại các dự án “chung cư ông Thản” diễn ra rất ngắn, từ 1 - 2 tuần. Sau thời điểm vàng này, môi giới có thể không thu về được số tiền chênh như kỳ vọng, thậm chí lỗ hoặc bi đát hơn là bị kẹt hàng do thị trường hết “sốt”, người có nhu cầu thực quay lưng.
Cầm “hàng nóng”
Sau các dự án Chung cư Đại Thanh, Chung cư Kim Văn - Kim Lũ, Dự án VP5 Linh Đàm lại “làm mưa, làm gió” trên thị trường bất động sản Hà Nội từ tuần đầu tháng 7/2013 đến nay, tiếp tục khẳng định danh tiếng của “chung cư ông Thản”.
Với đặc điểm là chung cư giá rẻ, diện tích nhỏ, “chung cư ông Thản” được người có nhu cầu thực tại Hà Nội lùng sục tìm mua mỗi khi chủ đầu tư mở bán. Nhân dịp này, giới “cò đất” bị thất nghiệp nhiều tháng nay lại tranh thủ “đánh lên” với các suất mua từ vài chục triệu đồng/căn (chung cư Đại Thanh, Kim Văn - Kim Lũ) đến hàng trăm triệu đồng/căn (VP5 Linh Đàm).
Bên cạnh những ý khen, cũng có không ít lời chê, thậm chí, có “đại gia” trong lĩnh vực bất động sản còn tuyên bố, với mức giá ấy, chủ đầu tư chỉ có cách ăn bớt, làm dối. Bỏ qua dư luận, Công ty Xây dựng tư nhân số 1 tỉnh Điện Biên vẫn đều đặn mở bán và dự án sau lại “nóng” hơn dự án trước.
Những người biết ơn ông Thản có lẽ không chỉ là khách hàng có nhu cầu ở thực, mà còn là giới “cò đất” tại Hà Nội. Với sự nhanh nhạy vốn có và cả tín hiệu “đèn xanh” từ phía chủ đầu tư, hàng trăm môi giới bất động sản thường tụ tập ở Sàn giao dịch Bất động sản Mường Thanh để tìm cơ hội “lướt sóng” kiếm lời. Theo đó, giới cò đất có thể kiếm ít thì vài ba chục triệu đồng, nhiều thì 100 - 200 triệu đồng một “suất” mua căn hộ tại các dự án “chung cư ông Thản”.
Góc khuất của các đợt làm giá
Tiếng tăm mà Công ty Xây dựng tư nhân số 1 tỉnh Điện Biên có được tại các dự án chung cư giá rẻ, trước hết là do vai trò của những người môi giới bất động sản. Ông Lê Thanh Thản, Giám đốc Công ty đã rất khéo léo trong việc tận dụng lực lượng môi giới bất động sản hùng hậu tại Hà Nội để làm giá cho dự án của mình.
Tiếng là chung cư giá rẻ, rẻ hơn cả nhà giá rẻ 10 – 14 triệu đồng/m2 (tuỳ từng dự án), nhưng thực chất, số lượng những căn hộ được bán với mức giá này chỉ đếm trên đầu ngón tay và thường là những căn hộ hướng không đẹp, tầng lẻ. Với số căn hộ còn lại, giá ghi vào hợp đồng thường cao hơn 10 - 15% so với mức giá công bố.
Dù ở dạng nào, khi dự án ra hàng, các căn hộ gần như ngay lập tức được giới “cò” ôm hết để phân phối lại kiếm tiền chênh lệch. Đổi lại, giới cò phải trả phần lớn số tiền mua căn hộ cho chủ đầu tư, chứ không phải là 20% đặt cọc như công bố ban đầu.
Việc chủ đầu tư chia sẻ lợi ích với những người môi giới khiến thị trường chộn rộn. Thông tin rỉ tai giữa những người quan tâm đến dự án trở thành một chiến dịch truyền thông hiệu quả mà chủ đầu tư hoàn toàn không phải trả tiền. Trong khi đó, doanh nghiệp có được nguồn tiền mặt khá lớn để triển khai dự án, mà không phải trả lãi suất.
Lý do quan trọng khiến Công ty Xây dựng tư nhân số 1 tỉnh Điện Biên làm được điều này mà không vướng phải những rắc rối, kiện tụng là dự án được triển khai xây dựng một cách nhanh chóng, căn hộ được hoàn trả đúng thời hạn cam kết.
Nguồn:
vietstock.vn