Ngọn núi có tượng Phật cao nhất miền Tây Nam Bộ
[font="verdana, geneva, sans-serif"]
[/font]
Giới thiệu: Với độ cao hơn 710 mét, núi Cấm hiện là ngọn núi cao nhất vùng Thất Sơn ở An Giang. Nhưng vì sao người dân gọi là núi Cấm? Theo nhiều tài liệu, cách đây lâu lắm, núi này còn có tên gọi là núi Bạch Hổ do hình dáng giống hình con cọp bị mây trắng che phủ.
Với độ cao hơn 710 mét, núi Cấm hiện là ngọn núi cao nhất vùng Thất Sơn ở An Giang. Nhưng vì sao người dân gọi là núi Cấm? Theo nhiều tài liệu, cách đây lâu lắm, núi này còn có tên gọi là núi Bạch Hổ do hình dáng giống hình con cọp bị mây trắng che phủ. Còn tên Thiên Cấm Sơn nghĩa là ngọn núi đẹp như gấm lụa ở Thiên đàng. Về sau, núi này được gọi là Cấm Sơn hay núi Cấm. Nguyên nhân lúc Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn đánh bại, phải chạy về ẩn náu trên núi này và cấm không cho người dân lên xuống núi. Từ đó, tên núi Cấm tồn tại cho đến bây giờ. Thầy Thích Tôn Quảng, chủ trì chùa Bửu Sơn nằm ngay chân núi Cấm, kể lại: Đầu thế kỷ 20, khi thực dân
Pháp đang xâm lược Việt Nam thì vùng này có những cuộc khởi nghĩa do ông Bảy Do- một ông thầy ở núi Cấm, đứng đầu. Người dân khắp vùng đều biết tiếng vì tình yêu nước và tính khẳng khái của ông. Ông đã bị giặc
Pháp bắt vào đầu năm 1917. Còn trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, nơi đây là "hậu cần" vững chắc của cách mạng ta. Khoảng năm 1960, ai muốn lên núi Cấm phải theo đường từ Bến Su (Bến Su nghĩa là su từ trên núi chuyển xuống để xe chở đi các nơi vì núi Cấm trồng rất nhiều su) nằm tại trục lộ giao thông Tịnh Biên-Tri Tôn, vào tận chân núi chừng hai cây số.
Anh Nguyễn Văn Thái, một người dân ở ấp Thiên Tuế, xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, đang hành nghề xe ôm trên núi này, cho biết: Núi Cấm là nơi quần tụ của nhiều ngọn núi nên có rất nhiều thung lũng, lò ảng. Khi mùa mưa đến, nước từ trên núi ồ ạt chảy xuống tạo thành con suối nằm cặp đường lên núi, mà người dân gọi là suối Thanh Long. Khách du lịch hành hương, vãn cảnh núi Cấm thích bầu không khí trong lành không thua kém gì
Đà Lạt. Người đi từ lưng chừng núi trở lên đã thấy mát, lắm khi lại đi trong sương, trong mây, huyền ảo. Còn nắng thì rất nhạt và dịu dàng trải rộng trên các vườn su, vườn cây ăn trái, nhất là xoài. Vồ Bồ Hong là một tảng đá cao có chiều rộng khoảng 5mét. Tương truyền vì xưa kia bồ hong đậu kín vồ đá này nên đã trở thành tên gọi là vồ Bồ Hong. Bên dưới Vồ Bồ Hong là một hang sâu mà theo người dân trên núi cho biết rằng hang này trước kia có cọp ở nên có tên là hang ông Hổ. Ngay cả bây giờ, ít người xuống hang này, bởi vách đá dựng đứng và vách đi khá hiểm trở. Kế bên là Động Thuỷ Liêm (suối lạnh), là một hang động với hai vách đá rộng, bên trên có một miếng đá dài khoảng 10 mét che chắn. Ở đây, dòng nước từ các lò-ảng đổ dồn về chảy qua các khe đá nên mát lạnh triền miên. Lên đến Vồ Đá Dựng, du khách sẽ ngắm toàn cảnh thung lũng một màu xanh của cây rừng và những vườn cây trái xum xuê theo triền núi Cấm...
Ghé thăm chùa Phật Lớn-ngôi chùa được xây dựng từ những năm 1911-gọi là chùa Phật Lớn vì chùa có tượng phật lớn hơn các chùa khác ở trên núi này. Chùa tọa lạc trên một khoảng sân rộng, cạnh chùa là đường lên núi. Ban quản trị Chùa Phật lớn cho biết, tính đến đầu năm 2008, công trình xây dựng tượng Phật Di Lặc đã hoàn thành giai đoạn I sau hơn hai năm xây dựng (vỏ tượng, phối cảnh trang trí với kinh phí hơn 3 tỉ đồng). Tượng Phật này cao 33,6m, và hiện thời là tượng Phật cao nhất miền Tây, toạ lạc trên đỉnh núi Cấm ở độ cao 600m, phần lớn vốn do nhân dân, phật tử đóng góp…
Tổng công trình xây dựng tượng phật này sau khi hoàn thành sẽ tốn khoảng 33 tỉ đồng. Trong giai đoạn còn lại, cơ quan chức năng đang tiến hành xây dựng nền khuôn viên, trang trí bên trong thân tượng…và cố gắng hoàn thành trong thời gian sớm nhất. Ban quản trị Chùa Phật Lớn nói rằng đây là công trình văn hóa, tín ngưỡng, du lịch sẽ trở thành một trong những điểm thu hút du khách hành hương, vãng cảnh đến vùng Bảy Núi này.
(Theo Báo Kinh tế Hợp tác Việt Nam)