Không biết loại vàng này có qua mắt nổi bác Khánh không ta ?
=======================================
Vàng giả "qua mặt" cả máy đo chất lượng
Những ngày gần đây, trên thị trường xôn xao việc xuất hiện vàng giả gây hoang mang cho không ít người dân. Đáng nói hơn, loại vàng này có thể "trốn" được các loại máy đo vàng hiện hành.
Nếu đen đủi mua phải, người tiêu dùng sẽ bị thiệt hại không nhỏ, bởi nguyên liệu trộn vào vàng là vonfram-một nguyên tố có tính năng lý, hóa gần giống với vàng... Các loại máy đo hiện hành đều không phát hiện được.
Ông Nguyễn Thanh Trúc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam khẳng định: Thông tin về việc vàng giả (vàng bị độn vonfram) xuất hiện trên thị trường những ngày qua là có thật. Theo phản ánh của một số chủ tiệm vàng ở TP HCM, Ninh Bình, Hà Nội... với Hiệp hội, họ đã nhận được lời rao bán của một số đối tượng từ Hong Kong. Những người này chào bán vàng 4 số 9 xuất xứ từ Hong Kong được đúc đặc dưới dạng vàng thỏi. Khi đưa vào máy thử thì cho ra kết quả đúng là vàng 4 số 9. Tuy nhiên, khi lấy kìm cắt đôi thỏi vàng, thì thấy bở chứ không dẻo như vàng 4 số 9 bình thường. Tiếp tục nung chảy phân kim thì thấy hàm lượng vàng chỉ có khoảng 60 - 80%, còn lại là chất lắng cặn như những hạt cát mịn, mà họ nghi là vonfram.
Cũng theo ông Nguyễn Thanh Trúc, việc vàng bị độn vonfram đã xuất hiện tại Việt Nam từ cuối năm 2009. Còn trên thị trường thế giới, loại vàng này đã xuất hiện sớm hơn nhiều. Kẻ gian chọn vonfram để độn vào vàng là vì nguyên tố này có tính năng lý, hóa gần giống với vàng. Trên thực tế, cả vàng và vonfram đều có tỷ trọng gần giống nhau (của vàng là 19,25, vonfram là 19,3). Dựa vào đặc điểm khối lượng riêng này, người ta tạo ra vàng kém chất lượng bằng cách trộn vonfram ở dạng bột với vàng ở trạng thái nóng chảy.
Nhiệt độ nóng chảy của vàng là 1.360 độ C, của vonfram là 3.700 độ C. Khi nung vonfram với nhiệt độ nóng chảy của vàng, vàng sẽ nóng chảy và bao quanh, vonfram khi đó chưa đủ nhiệt độ nóng chảy, tạo thành một lớp vàng bên ngoài, lõi vonfram. Thông thường, người ta chỉ rút khoảng 20 đến 30% vàng thật cộng với vonfram tạo ra một hỗn hợp vàng óng mà mắt thường không thể nhìn thấy được.
Thậm chí, hỗn hợp vàng độn này đã vượt qua sự kiểm tra ngặt nghèo của các loại máy đo hiện hành, như máy quang phổ, máy đo tỷ trọng, các loại máy này chỉ đo được bề mặt vàng, chứ không đo được phần lõi. Vì thế, không chỉ ở Việt Nam mà tại một số quốc gia khác, vàng độn vonfram cũng đã qua mặt được nhiều công ty chế tác lớn...
http://vef.vn/2011-05-16-vang-gia-qua-mat-ca-may-do-chat-luong