Đối với hãng Mercedes-Benz, khái niệm "an toàn trên ô tô" là một vấn đề không chỉ liên quan đến người điều khiển xe mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến những hành khách ngồi trong xe. Và đó cũng chính là lý do mà hãng xe có trụ sở đặt tại Stuttgart đã ra mắt túi khí dành cho hành khách ngồi phía trước vào tháng 9 năm 1987. Đây còn là một sự đổi mới cực kỳ quan trọng cho hệ thống an toàn thụ động trong ô tô, chỉ đứng sau sự xuất hiện của túi khí dành cho bác tài được giới thiệu lần đầu tiên vào tháng 3 năm 1981.
[pagebreak][/pagebreak]
Từ tháng 2 năm 1988, túi khí dành cho hành khách phía trước đã có mặt ở dòng S-Class và từ mùa thu cùng năm có mặt trong phiên bản W124 (tiền thân của dòng E-Class ngày nay). Ngay từ năm 1994, nó đã trở thành một tính năng tiêu chuẩn trong rất nhiều mẫu xe của Mercedes-Benz.
Hộp đựng găng tay là nơi các kỹ sư của Mercedes-Benz bố trí túi khí an toàn dành cho hành khách phía trước. Đặc điểm mới này đã được hãng xe giới thiệu tại sự kiện International Motor Show (IAA) tại Frankfurt am Main diễn ra từ ngày 10 đến ngày 20 tháng 9 năm 1987. Đây là một yếu tố quan trọng bổ sung cho hệ thống an toàn đã có sẵn của Mercedes-Ben gồm túi khí dành cho người lái xe và bộ dây đai. Thông qua việc bổ sung túi khí dành cho hành khách, hãng xe Stuttgart đã mang lại một hình thức bảo vệ mà không có bất kỳ nhà sản xuất nào khác trên toàn thế giới có được tại thời điểm đó.
Túi khí dành cho hành khách phía trước xuất hiện lần đầu tiên trong chiếc S-Class Saloons và Coupe W126. Những mẫu xe này được sản xuất từ năm 1988 với các tùy chọn thiết bị mới nhưng buộc phải kết hợp với túi khí của tài xế với giá 4617 DM (khoảng 63 triệu VND) ở Đức. Túi khí dành cho bác tài có thể được đặt hàng riêng với giá 2348.40 DM (khoảng 32 triệu VND).
Thế hệ của chiếc Mercedes-Benz S-Class, được chế tác từ năm 1979 đến năm 1992, cuối cùng đã trở thành" người tiên phong" cho công nghệ túi khí. Túi khí dành cho người lái xe được trang bị lần đầu tiên trên chiếc W126. Giải pháp an toàn thụ động tiên phong này đã được Mercedes-Benz giới thiệu từ ngày 5 đến ngày 15 tháng 3 năm 1981 tại sự kiện International Motor Show ở Geneva. Thương hiệu xe Stuttgart đã trở thành nhà sản xuất đầu tiên trên thế giới giới thiệu hệ thống túi khí trong loạt xe của mình. Túi khí dành cho tài xế được kết hợp với một bộ phận căng dây đai cho hành khách và được đưa vào bảng giá kể từ tháng 7 năm 1981, khi thiết bị này được trang bị cho mẫu W126 với giá 1525.50 DM (khoảng 21 triệu VND) . Đến tháng 1 năm 1982, hệ thống đã có mặt trên tất cả các mẫu xe của Mercedes-Benz, với mức giá 1570,70 DM (khoảng 22 triệu VND). Và cuối cùng, từ tháng 10 năm 1992, túi khí dành cho người lái và hệ thống phanh ABS chống bó cứng đã trở thành một phần của tiêu chuẩn về thiết bị cho xe chở khách của hãng xe mang biểu tượng ngôi sao ba cánh này.
Túi khí dành cho bác tài và khách phía trước trong chiếc xe thể thao Mercedes-Benz SL, mẫu series R 129
Túi khí dành cho hành khách phía trước được giới thiệu cách đây 30 năm tại sự kiện IAA cũng đã có mặt ở phiên bản W124 từ tháng 9 năm 1988 - sau này được đổi tên thành E-Class. Nó đã nhanh chóng chứng tỏ giá trị của mình là một thiết bị bảo vệ hiệu quả trong vấn đề an toàn thụ động. Vào tháng 8 năm 1994, thiết bị này cùng với gối tựa đầu ở phía sau đã trở thành một phần tiêu chuẩn kỹ thuật cho nhiều xe chở khách của Mercedes-Benz. Ngay từ đầu, nhà sản xuất đã nhấn mạnh rằng túi khí của hành khách phía trước dùng để bổ sung cho hiệu quả bảo vệ của dây đai an toàn ba điểm, nhưng vẫn không thể thay thế dây an toàn. Dây đai an toàn được quy định bắt buộc sử dụng từ năm 1976, và bắt đầu xử phạt những trường hợp vi phạm từ năm 1984 trở đi.
Sự kết hợp của 2 hệ thống bảo vệ này đã dẫn đến những cải tiến đáng kể cho hệ thống an toàn thụ động trong xe thông qua các thí nghiệm với hình nộm: hệ thống dây đai an toàn với bộ căng dây đai kết hợp với túi khí dành cho người ngồi trước có thể làm giảm 1/3 nguy cơ thương tích ở vùng ngực và đầu so với việc chỉ sử dụng dây đai an toàn với bộ căng dây đai.
Túi khí nặng 5kg
Túi khí dành cho tài xế có trọng lượng 3kg, được đặt gọn trong vô lăng, còn túi khí dành cho hành khách phía trước trong các mẫu S-Class thuộc dòng W126 được lắp đặt trong hộp đựng găng tay và có trọng lượng 5 kg. Sự chênh lệch về trọng lượng này này chủ yếu là do trên thực tế, khoảng cách giữa túi khí và vị trí ghế ngồi của hành khách khá xa, khối lượng của đệm khí cứu hộ phải lớn gần gấp 3 lần: thể tích của chiếc S-Class đạt 170 lít còn thể tích ở ghế tài xế là 60 lít.
Về cơ bản, công nghệ được giới thiệu vào năm 1987 và công nghệ túi khí dành cho người lái xe đã được thử nghiệm và kiểm nghiệm là giống nhau: Nếu bộ cảm biến va chạm nằm trên đường truyền phát hiện một tai nạn nghiêm trọng, nó sẽ kích hoạt 2 máy bơm khí trong túi khí. Một loại nhiên liệu rắn dạng viên được đốt cháy để sản sinh ra một hỗn hợp khí làm túi khí phồng lên ngay lập tức. Hình dạng của túi khí sẽ bảo vệ hành khách phía trước khỏi va chạm với bảng điều khiển và trụ đỡ khung cửa phía trước.
Bản vẽ chi tiết mô-đun túi khí ở phía trước của Mercedes-Benz S-Class (mẫu W126).
Thiết bị kích hoạt có thể phát hiện va chạm và xác định mức độ nghiêm trọng theo 2 ngưỡng đã được đặt trước. Nếu vượt quá ngưỡng đầu tiên, thiết bị sẽ bắt đầu hoạt động bằng cách kích hoạt bộ căng dây đai. Khi va chạm đạt ngưỡng cao hơn, túi khí dành cho hành khách phía trước sẽ được kích hoạt. 2 máy bơm khí bắt đầu hoạt động trong 15 mili giây, đảm bảo rằng đệm khí được làm từ sợi nylon sẽ được bơm đều đặn với áp suất được kiểm soát. Các thiết bị điện tử trên cabin cũng kiểm tra xem chỗ ngồi của hành khách có người hay không, để nếu các bộ cảm biến trong ghế và dây an toàn báo rằng ghế trống, túi khí dành cho hành khách phía trước sẽ không được kích hoạt khi xảy ra tai nạn.
Nghiên cứu đang được thực hiện vì lợi ích an toàn
Túi khí dành cho hành khách phía trước là một yếu tố quan trọng trong quá trình phát triển an toàn tại Mercedes-Benz. Các thử nghiệm đầu tiên để so sánh các hệ thống giảm chấn dành cho hành khách phía trước đã được thương hiệu Stuttgart giới thiệu cách đây gần 2 thập kỷ trước khi được đưa vào sản xuất hàng loạt. Chẳng hạn như kể từ năm 1971, Hans Scherenberg, Thành viên Hội đồng Quản trị của Daimler-Benz AG và Trưởng phòng Nghiên cứu và Phát triển tổng thể, đã từng báo cáo về các thử nghiệm đang được thực hiện tại thời điểm đó rằng: "Các yêu cầu kỹ thuật phải được đáp ứng đầy đủ để hành khách ngồi phía trước được bảo vệ bằng dây an toàn và đệm khí". Tại sự kiện IAA ở Frankfurt am Main năm 1975, Mercedes-Benz đã trình bày hoạt động của túi khí đang nghiên cứu: "đệm khí cho người lái xe và hành khách ngồi phía trước có thể là một yếu tố bổ sung cho dây đai an toàn".
Túi khí được đón nhận
Túi khí dành cho tài xế và hành khách phía trước nhanh chóng nhận được chấp nhận trong ngành công nghiệp ô tô với vai trò là một công nghệ cứu hộ. Các kỹ sư đã tạo ra những mẫu túi khí nhỏ hơn và có thể đặt ở những nơi khác trong xe trong những trường hợp cần bảo vệ khi bị va chạm một bên: Năm 1993, Mercedes-Benz giới thiệu túi khí bên hông. Năm 1995, túi khí này gia nhập vào thị trường, là một tuỳ chọn thêm ở dòng E-Class. Những cải tiến khác gồm có túi khí rèm cửa (1998), túi khí bên hông đầu/ngực (2001), túi khí đầu gối (2009), túi khí bên hông ngực/xương chậu, túi khí tích hợp vào dây an toàn và đệm khí (2013) cũng như túi khí dành cho cho người lái xe và hành khách phía trước với 2 giai đoạn kích hoạt, phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của va chạm và vị trí chỗ ngồi đã chọn. Bằng cách này, những chiếc xe chở khách của Mercedes-Benz sử dụng một hệ thống tinh xảo gồm 10 túi khí để bảo vệ các bác tài và hành khách của mình.
Theo Mercedes-Benz